Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Công Thương triển khai thực hiện Chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng

Nhằm giúp doanh nghiệp thực thi đúng quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm và xây dựng văn hóa kinh doanh vì người tiêu dùng…, Bộ Công Thương xây dựng Đề án Chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng. Dự kiến, các hoạt động chính thức của chương trình sẽ được Bộ Công Thương công bố tại dịp Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020.

Đề án triển khai Chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng do Bộ Công Thương ban hành bao gồm các hoạt động chính như: Ban hành các tiêu chí để doanh nghiệp tự đánh giá, rà soát mức độ sẵn sàng tuân thủ các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chương trình chứng nhận Doanh nghiệp vì người tiêu dùng; xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin để người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng truy cập, tiếp nhận, xác minh và đóng góp ý kiến đối với các hoạt động của doanh nghiệp tham gia chương trình; vinh danh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các tiêu chí của chương trình.

bo cong thuong trien khai thuc hien chuong trinh doanh nghiep vi nguoi tieu dung

Bộ Công Thương triển khai thực hiện Chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng

Mục tiêu đề án đặt ra là, đến năm 2020 sẽ có khoảng 150 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng được tư vấn và đăng ký tham gia chương trình. Mỗi năm có khoảng 25 - 30% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia chương trình được cấp chứng nhận “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”. Xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng trên di động để người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân có liên quan có thể truy cập tìm kiếm và xác minh, xác thực các doanh nghiệp được cấp chứng nhận. Xây dựng và phát hành các ấn phẩm tuyền truyền, quảng bá về doanh nghiệp vì người tiêu dùng, là kênh thông tin để người tiêu dùng cân nhắc, lựa chọn doanh nghiệp, sản phẩm có uy tín, vì quyền lợi của người tiêu dùng.

Kinh phí thực hiện chương trình trong giai đoạn 2018-2020 sẽ khoảng 10,83 tỷ đồng và bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước: 9,23 tỷ đồng; đóng góp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước 1,6 tỷ đồng; nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Vấn đề bảo vệ người tiêu dùng luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng diễn ra với phạm vi rộng, hình thức đa dạng và tinh vi hơn.

Hiện, Việt Nam chưa có một đề án hay chương trình tổng thể nào vừa đáp ứng được các yêu cầu về sự định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách, chiến lược kinh doanh, biện pháp quản lý trong sản xuất, kinh doanh luôn vì người tiêu dùng; đồng thời có sự đánh giá, ghi nhận các doanh nghiệp thực hiện tốt bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách, từ đó khuyến khích, động viên các doanh nghiệp trên thị trường luôn cải tiến, hoàn thiện hoạt động kinh doanh của mình; bên cạnh đó giúp người tiêu dùng có công cụ, cơ sở, nguồn thông tin để tìm kiếm, xác thực các doanh nghiệp, sản phẩm tốt, luôn coi trọng quyền lợi người tiêu dùng…. do đó, một Đề án hoặc chương trình đáp ứng các yêu cầu này khi được thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy, bảo vệ và phát triển các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, vì người dân, góp phần xây dựng lực lượng doanh nghiệp có tiềm lực cho nền kinh tế đất nước.

Bộ Công Thương kỳ vọng Chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng được triển khai rộng rãi để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như nâng cao hiệu quả thực thi công tác này trên khắp toàn quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước ta đang nỗ lực xây dựng chính phủ kiến tạo và phục vụ, thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, coi doanh nghiệp là “xương sống” của nền kinh tế thì việc thực hiện đề án nói trên sẽ tạo thêm động lực góp phần giúp các doanh nghiệp có điều kiện tự hoàn thiện hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình, nỗ lực nhiều hơn để cung cấp cho thị trường những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp thực thi đúng quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh vì người tiêu dùng của doanh nghiệp …. Về lâu dài, việc thực hiện thành công đề án sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển nhanh, ổn định và bền vững của nền kinh tế - xã hội đất nước.

Trên thế giới có nhiều nước đang thực hiện chương trình tương tự như Chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng. Chẳng hạn tại Hàn Quốc, Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA) đang vận hành Hệ thống chứng nhận doanh nghiệp lấy người tiêu dùng làm trung tâm (CCM). Các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn sẽ được phép in logo chữ CCM lên sản phẩm cho việc nhận diện chương trình. Trên thực tế, doanh nghiệp được cấp chứng nhận CCM thường có doanh thu tăng so với thời gian trước. hệ thống CCM giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn sản phẩm của những doanh nghiệp hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng. Cả hai lợi ích này càng thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hơn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững và hạn chế các chi phí, nguồn lực phát sinh để giải quyết khiếu nại người tiêu dùng.

Nguyễn Hạnh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật