An sinh & bình đẳng giới
Đánh giá gần đây của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, so với nhiều năm trước, vai trò của người phụ nữ đã được cải thiện đáng kể, được tham gia nhiều hoạt động xã hội, được thụ hưởng các điều kiện về văn, thể, mỹ. Nhiều nam giới đã bắt đầu tham gia chăm sóc, làm công việc gia đình...
Đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ sẽ tăng quyền năng và bình đẳng giới
Xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới
Nếu làm cuộc điều tra về bình đẳng giữa nam giới và nữ giới trong xã hội, trong công việc, trong gia đình... thì chắc chắn vẫn chưa có sự bình đẳng giới (BĐG) thực chất. Có chăng chỉ là nhờ mức sống hiện nay cao hơn ngày trước, nên chị em phụ nữ được vui chơi, giao lưu, giải trí, tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, thụ hưởng điều kiện về vật chất, tinh thần... Đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi khi một tay phải lo toan về kinh tế, chăm lo cho con cái, đảm đương thiên chức làm mẹ, làm vợ, làm dâu... Thậm chí có khi họ vẫn còn bị bạo hành về tinh thần, thể xác. Thực trạng này tồn tại chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể về số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh do tâm lý của người trong cuộc ngại "vạch áo cho người xem lưng", nhưng theo thống kê, có khoảng 75% nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện, tư vấn tâm lý, pháp lý, được hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân của bạo lực gia đình. Đồng thời, có trên 70% người gây bạo lực gia đình được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.
Có được kết quả này là nhờ tỉnh thường xuyên lồng ghép nội dung BĐG vào các hoạt động tuyên truyền, truyền thông hưởng ứng các ngày: Quốc tế hạnh phúc (20/3), Gia đình Việt Nam (28/6), tháng hành động quốc gia Phòng chống bạo lực gia đình từ tỉnh đến cơ sở với những nội dung cụ thể, thiết thực về xây dựng gia đình văn hóa, phòng, chống bạo lực gia đình, BĐG trong gia đình...
Ngoài ra, còn có hơn 155 câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, 405 câu lạc bộ Gia đình văn hóa ở các địa phương trên toàn tỉnh đang được duy trì và hoạt động tích cực. Các mô hình tại cộng đồng như: "Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới"; "Thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về BĐG"; "Xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo các nguyên tắc BĐG"; "Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng"... tiếp tục được các cơ quan, đoàn thể triển khai tại địa phương để người dân biết, tham gia và sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.
Theo bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhận thức của hệ thống chính trị, xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ về vai trò, vị trí của phụ nữ và công tác phụ nữ trong thời kỳ mới đã có chuyển biến tích cực. Trong gia đình, vai trò của người phụ nữ đã được cải thiện đáng kể, người phụ nữ được tôn trọng và được tham gia nhiều hơn vào các quyết định và các hoạt động sản xuất tạo thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, số lượng nữ giữ cương vị quản lý, lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị ngày càng tăng...
Tạo cơ hội cho phụ nữ được an sinh
An sinh xã hội và BĐG là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện BĐG và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG)" là chủ đề Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với BLTCSG năm 2022. Chủ đề này càng khẳng định những ưu tiên và cam kết của các cấp, các ngành nhằm thúc đẩy BĐG thực chất. Từ đó, giúp phụ nữ, trẻ em khó khăn ổn định cuộc sống, giảm nguy cơ bị bạo lực, xâm hại trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch.
Để bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội..., tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách quan trọng thúc đẩy BĐG vì sự phát triển của phụ nữ... Hiện nay, các ngành, các cấp, chính quyền đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách để bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp. Trong đó có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học… Vì theo báo cáo về khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, các nước sẽ mất tới 136 năm thay vì 100 năm để thu hẹp khoảng cách giới do dịch COVID-19. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội phải nỗ lực nhiều hơn nhằm đạt được các mục tiêu về BĐG thực chất.
Để thực hiện thành công mục tiêu BĐG, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án: "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2018 - 2027"; "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025". Đồng thời, các đơn vị liên quan như Sở LĐTB&XH, Ban Dân tộc tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cùng đẩy mạnh thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh - xã hội vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025", cũng như công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022... Từ đó từng bước thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN