Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đừng để sự hy sinh, hành động dũng cảm bị sự vô cảm chà đạp

Hành động dũng cảm, nghĩa cử cao đẹp của cán bộ xã quên thân cứu người trong tình huống cấp bách như anh Phạm Hoàng Chương cần được tri ân, nêu gương.

Những ngày qua, dư luận lên tiếng việc chị Đỗ Thị Quỳnh Mai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) kiến nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" cho anh Phạm Hoàng Chương (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), vì hành động cứu người trong tình huống cấp bách.

Theo nội dung đơn, chị Mai kể về câu chuyện trong dịp nghỉ lễ 30/4, chị Mai, anh Chương cùng đoàn Phật tử tại Hà Nội tham gia chuyến tham quan kết hợp việc phát tâm, thiện nguyện. Hành trình kết thúc, chiều 3/5, trên đường đến đoạn qua đập nhà Đường (khu vực chùa Hương Tích, tỉnh Hà Tĩnh), thuyền bị mắc cạn. Một số người trong đoàn xuống nước để cùng hợp sức đẩy thuyền. Sau khi thuyền được đẩy ra khỏi chỗ mắc cạn, mọi người lần lượt được kéo lên thuyền.

Anh Phạm Hoàng Chương lúc đó đã trèo được lên nhưng khi nhìn thấy 2 - 3 người bị sẩy chân chới với ở khu vực nước sâu, anh không do dự lao ngược xuống nước và bơi ra ứng cứu. Không may, trong lúc cứu người, anh Chương bị nước cuốn đi. Sau mọi nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể anh cách nơi gặp nạn khoảng 30m vào sáng hôm sau (ngày 4/5). Chị Mai chính là một trong những người được anh Chương bơi ra cứu đưa lên thuyền an toàn.

Khi câu chuyện buồn chưa nguôi ngoai, thì chị Mai và mọi người lại càng cảm thấy đau lòng hơn khi một số thông tin không đúng về vụ tai nạn được đăng tải. Theo chị Mai, chính quyền địa phương nói đoàn khách vì nô đùa dưới cồn cát, bất chấp nguy hiểm nên mới gặp nạn, chứ không hề nhắc chuyện mọi người xuống đẩy giúp thuyền khỏi mắc cạn.

Điều này khiến chị Mai và nhất là gia đình anh Chương hết sức đau lòng, đặc biệt mũi rìu dư luận lại chĩa vào người con đã mất của gia đình họ... Rất may, sau đó người trong đoàn đã tìm trong điện thoại đoạn video ghi lại thời điểm gặp nạn và chứng minh được hành động dũng cảm của anh Chương.

Đừng để sự hy sinh, hành động dũng cảm bị sự vô cảm chà đạp
Anh Phạm Hoàng Chương sau khi đẩy thuyền khỏi mắc cạn đã leo lên thuyền - ảnh trái, nhưng sau đó nhảy xuống ứng cứu những người đuối nước - ảnh phải. (Ảnh VTC News)

Phải khẳng định rằng, việc anh Chương giúp đỡ người khác trong tình huống cấp bách là hành động rất dũng cảm. Trong hoàn cảnh ấy, anh Chương hoàn toàn có thể ở trên thuyền để đảm bảo an toàn, thế nhưng anh đã không màng đến sự nguy hiểm của bản thân mình và nhảy xuống nước để cứu người...

Ở đây, anh Chương đã hết lòng giúp đỡ người khác, đặc biệt trong cơn hoạn nạn, giây phút sinh tử mà không mảy may suy nghĩ cho bản thân. Hành động dũng cảm, nghĩa cử cao đẹp của anh Chương xứng đáng là gương tốt để thế hệ trẻ noi theo.

Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về con người Việt Nam trong thời đại mới cần phải có “Lòng yêu thương con người”. Hay, chúng ta còn nhớ 5 điều Bác dặn thanh niên, trong đó có việc “Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau” và phải là “Làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo”. Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải giáo dục bản thân mình một cách toàn diện, sống tốt hơn và cống hiến nhiều hơn cho đất nước, xã hội. Và điều quan trọng hơn nữa, chúng ta phải có những hành động cụ thể để chứng minh việc đó.

Có rất nhiều việc để bộ phận thanh niên thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và sự tương thân tương ái, yêu thương con người. Có chăng, anh Chương giúp người khác ở một hoàn cảnh mà không ai mong muốn, vậy nên mới xảy ra vụ việc đáng tiếc. Dù anh Chương không còn nữa, thế nhưng, hành động dũng cảm của anh vẫn sẽ sống mãi và in sâu trong tâm trí của những người đã được anh cứu giúp, cũng như tất cả mọi người.

Trong vụ việc này, các cơ quan đoàn thể cần nhanh chóng lên tiếng và có những hành động kịp thời, từ đó có sự động viên về mặt tinh thần đối với gia đình nạn nhân và cũng là điều tri ân hành động dũng cảm của người cán bộ xã trẻ tuổi. Ở đây, việc có thể “vinh danh” hay “trao huy hiệu” cho anh Chương không phải là để lấy công, bởi nỗi đau mất đi người thân đã là mất mát quá to lớn của gia đình nạn nhân mà không gì có thể bù đắp được... Quan trọng hơn nữa, nó sẽ xóa tan đi nghi ngờ và sự sai lệch sau những thông tin vô cảm đã được đăng tải về nội dung vụ việc, như những gì người trong cuộc là chị Mai kể lại.

Những thông tin đăng tải sai sự thật, đưa tin vô cảm ấy đã xoáy thêm vào nỗi đau của người thân nạn nhân và nhiều người đã lên tiếng “minh oan” cho người đã khuất. Điều đáng lo ngại, sự vô cảm đó sẽ càng nguy hiểm hơn khi bị cộng hưởng bởi sự lan truyền qua các trang mạng xã hội và hiệu ứng đám đông. Điều này càng khiến cho gia đình, bạn bè đặc biệt là những người trong cuộc khi nhớ lại cảnh anh Chương quên thân cứu người cảm thấy đau lòng. Nước mắt của người ở lại, đau không chỉ vì nỗi đau mất mát về con người, mà nó còn đau vì lòng tốt đã bị sự vô cảm chà đạp!!

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật