Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm nghèo nhờ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap

Mong muốn nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, đồng thời tạo việc làm giúp người dân địa phương thoát nghèo, nhiều HTX ở Thái Nguyên đang không ngừng ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap - hướng hữu cơ.

Thái Nguyên là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích trồng chè, khoảng 22,7 nghìn ha và sản lượng thu hoạch trên 244,5 nghìn tấn với các trọng điểm sản xuất chè sạch như: Sông Công, Phú Lương, Tân Cương, Đại Từ, Cao Sơn, Đồng Hỷ... đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống

HTX Cao Sơn, xã Bình Sơn, TP. Sông Công là một trong những HTX trồng chè lớn của tỉnh Thái Nguyên đã tạo được chỗ đứng trên thị trường.

Sau 3 năm thành lập (8/2019) với nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đến quản lý hoạt động, HTX đã xây dựng được thương hiệu với 6 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

-4848-1661736952.jpg

Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap - hướng hữu cơ đã thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.

Nghề trồng chè và chế biến chè đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho tỉnh Thái Nguyên. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo và có cơ hội làm giàu nhờ có cây chè.

Theo bà Lê Thị Quang, thành viên của HTX Trà Cao Sơn cho biết hiện nay giá chè búp khô của gia đình bà đang bán vào khoảng 350 - 400 nghìn đồng/kg. Trung bình một năm, gia đình bà Quang thu lãi hơn 100 triệu đồng đã trừ chi phí, từ nguồn thu đó đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống.

Những năm qua, việc chuyển đổi, thay thế diện tích chè truyền thống bằng các giống chè có năng suất chất lượng cao đã giúp người dân HTX Trà Cao Sơn thu lợi lớn từ cây chè, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.

“Việc áp dụng phương thức sản xuất mới theo tiêu chuẩn VietGap hướng hữu cơ giúp ổn định năng suất và nâng cao chất lượng chè hơn. Mức giá bán chè búp khô được cho là cao hơn từ 150-200 nghìn đồng so với lúc trước”, bà Lê Thị Quang nói.

Ông Phạm Văn Tiến, Giám đốc HTX Cao Sơn cho biết hơn 1 năm qua, nhờ áp dụng sản xuất chè theo hướng hữu cơ nên sản phẩm chè ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Thu nhập bình quân của các thành viên trong HTX Cao Sơn lên tới hơn 50 triệu đồng/người/năm, cao hơn 15 triệu đồng so với thời điểm chưa có HTX.

Hiện, HTX có 6 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (năm 2020, có 3 sản phẩm chè Đinh, chè Tôm nõn, chè Móc câu; năm 2021, có thêm 3 sản phẩm bột trà xanh Matcha, trà Hương Sen, trà đặc sản Cao Sơn).

Ngoài ra, các sản phẩm trà của HTX đã đăng ký nhãn hiệu bảo hộ, mã vạch truy xuất nguồn gốc.

“HTX đang đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng 300m2 nhà xưởng sao chè và tiếp tục duy trì sản xuất chè theo quy chuẩn hữu cơ trong năm 2022. Đồng thời, mở rộng vùng sản xuất thông qua việc liên kết các hộ làm chè trên địa bàn nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang lại thu nhập ổn định cho thành viên”, ông Tiến cho hay.

Hướng đi mới trong tương lai

Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây chè, nhiều HTX trồng chè ở Thái Nguyên quyết định chuyên tâm sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap - hướng hữu cơ.

Trước hết, áp dụng kỹ thuật công nghệ cao vào trong quá trình chăm sóc, sản xuất. Đồng thời, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm đem lại giá trị cao cho sản phẩm, nâng cao chất lượng đời sống người dân, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

-5854-1661736953.jpg

Nhiều HTX đã dần chuyển hướng sản xuất chè VietGap – hướng hữu cơ, nâng cao cuộc sống, giúp xóa đói, giảm nghèo.

Theo Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Ngà, để giúp các HTX sản xuất chè tại Thái Nguyên tiếp cận và xuất khẩu sản phẩm chè sang thị trường nước ngoài thì việc kiểm soát vùng nguyên liệu, quá trình canh tác và thu hái là điều kiện cần thiết.

Sản phẩm chè của các HTX được trồng và chăm sóc tự nhiên theo tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ theo quy trình kỹ thuật liên hoàn nghiêm ngặt, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thay vào đó là dùng thuốc thảo mộc và phân bón hữu cơ.

Ngoài ra, chè xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường hoặc đối tác còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn chính như ISO, hữu cơ, các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn về bền vững và trách nhiệm xã hội như RFA, UTZ, Fair Trade…

Tới nay, các thành viên HTX đã nắm vững quy trình sản xuất để sản phẩm chè đạt chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện các HTX sản xuất chè đang nỗ lực hoàn thiện nhà xưởng và ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại vào trong quy trình chế biến.

Được biết, trong năm nay tỉnh Thái Nguyên sẽ trồng mới lại 400ha chè, phấn đấu có 3.500 ha chè được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng chè búp tươi đạt 256 nghìn tấn, tăng 6 nghìn tấn so với kế hoạch năm 2021.

“Bên cạnh đó, Hội cũng đề xuất tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho hoạt động sản xuất chè toàn tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất. Cụ thể, là hỗ trợ kinh phí cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap và hỗ trợ diện tích canh tác chè an toàn hữu cơ, hỗ trợ máy móc, kinh phí đầu tư công nghệ tưới tiêu đồng thời khuyến khích người dân áp dụng cơ giới hóa trong chế biến chè”, bà Nguyễn Thị Ngà chia sẻ.

Theo đánh giá của ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, để đẩy nhanh sản xuất chè an toàn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn VietGap, cần xây dựng mô hình tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần ổn định đầu ra, tạo vùng sản xuất chè tập trung đáp ứng yêu cầu cao của thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất chè.

Trước tình hình đó, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng vào đổi mới và phát triển hình thức liên kết trong sản xuất và chế biến tiêu thụ chè. Cụ thể, toàn tỉnh có 35 doanh nghiệp, 77 hợp tác xã, 230 làng nghề. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ chè Thái Nguyên.

Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, hầu hết diện tích chè ở Thái Nguyên được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn. Nhiều HTX đã dần chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè VietGap – hướng hữu cơ.

Đáng chú ý, hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực xây dựng mô hình thương hiệu chè OCOP gắn với trải nghiệm du lịch nhằm nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Anh


Tác giả: Giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết