Hà Nội sẵn sàng điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024
Chỉ còn 10 ngày nữa, học sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Thí sinh đông nhất cả nước
Trước kỳ thi tốt nghiệp năm 2024, sáng 18/6, Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại thành phố Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi kiểm tra điểm chấm thi tốt nghiệp THPT đặt tại trường THCS Chu Văn An |
Tại đây, đoàn đã kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị tại các điểm chấm thi trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) và THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm); động viên các em học sinh đang ôn tập tại trường THPT Trần Phú và làm việc với Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Hà Nội là địa phương có số lượng dự thi đông nhất cả nước với 108.573 thí sinh đăng ký dự thi.
Trong đó, số thí sinh dự thi chương trình Giáo dục phổ thông là 94.935 thí sinh (4.175 thí sinh tự do). Số thí sinh dự thi theo chương trình Giáo dục thường xuyên là 13.638 thí sinh (446 thí sinh tự do).
Thành phố bố trí 4.532 phòng thi, trong đó có 201 phòng thi ghép, 176 phòng chờ, 392 phòng thi dự phòng, 196 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
Đoàn kiểm tra kỹ công tác chuẩn bị cho kỳ thi |
Hà Nội điều động 15.115 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi; điều động gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi.
Các quận, huyện, thị xã đã thành lập ban chỉ đạo kỳ thi, dành ưu tiên cao nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, thuận lợi cho thí sinh.
100% các điểm thi đều được lắp hệ thống camera an ninh giám sát hoạt động 24h/ngày tại phòng bảo quản đề thi, bài thi; có phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối bên trong và bên ngoài các điểm thi.
Ban chỉ đạo thi các địa phương đã tích cực tham gia công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi, thành lập đoàn kiểm tra tại các điểm thi trên địa bàn.
Các sở, ngành liên quan cũng đã triển khai kế hoạch theo sự phân công của Ban Chỉ đạo thi thành phố, bảo đảm cung cấp điện lưới ổn định; phân luồng giao thông; giữ gìn an ninh trật tự bên ngoài các điểm thi; có phương án bảo đảm an toàn, tuyệt mật tại khu vực in sao đề thi và khâu vận chuyển đề thi…
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội động viên các em học sinh trường THPT Trần Phú |
Thành đoàn Hà Nội đã huy động gần 5.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ thí sinh. Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng liên quan triển khai phương án bảo đảm an ninh, an toàn trước và trong thời gian diễn ra kỳ thi…
Trực tiếp kiểm tra các điểm thi, điểm chấm thi, các thành viên đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 lưu ý Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội lưu ý phương án vận chuyển đề thi, bài thi và bảo quản đề thi các môn để tránh nhầm lẫn…
Với số lượng thí sinh tự do là hơn 4.600 em, chiếm 10% tổng số thí sinh tự do của cả nước, đoàn kiểm tra lưu ý Hà Nội quan tâm đến các điểm thi có nhiều thí sinh tự do, tổ chức học tập quy chế thi đầy đủ, nghiêm túc cho các đối tượng này…
Rà soát kỹ các điều kiện an toàn
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chúc thí sinh bình tĩnh, tự tin để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới |
Sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao công tác chuẩn bị của các nhà trường. Nhấn mạnh tính chất quan trọng của kỳ thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các nhà trường tuyệt đối tuân thủ các quy định, không được lơ là chủ quan kể cả những chi tiết nhỏ nhất.
Công tác chuẩn bị phải chu đáo toàn diện, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi; đồng thời gửi lời nhắn nhủ tới các em học sinh sắp tham dự kỳ thi, cần nghe lời thầy cô, cố gắng ôn tập thật tốt, thực hiện đúng quy chế thi để hoàn thành kỳ thi đạt kết quả cao.
Thứ trưởng kiểm tra tủ bảo quản bài thi tại điểm thi THPT Trần Phú |
Nhắc lại quy mô, tính chất, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đây là kỳ thi có quy mô toàn quốc, kết quả của kỳ thi phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để xét tuyển đại học, cao đẳng và đánh giá chất lượng giáo dục. Do đó, kỳ thi luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.
Ban Chỉ đạo quốc gia mong muốn các địa phương quán triệt đầy đủ nội dung cơ bản trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ gồm 5 nhóm vấn đề: Công tác chỉ đạo sâu sát, toàn diện; công tác phối hợp nhịp nhàng, thông suốt, hiệu quả; công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; công tác tổ chức đúng quy trình, đúng quy chế; công tác truyền thông chủ động, kịp thời, cung cấp đầy đủ thông tin, công khai minh bạch.
Cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú báo cáo về công tác chuẩn bị cho kỳ thi |
Lưu ý một số việc cần làm tiếp theo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc tại các điểm thi, chủ động kịch bản các phương án dự phòng, chú trọng công tác phối hợp và quan tâm công tác lựa chọn nhân sự. Với các tình huống có thể xảy ra không có tiền lệ, Ban Chỉ đạo không tự ý xử lý tình huống bất thường và nguyên tắc xử lý cần trên tinh thần vì quyền lợi của học sinh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc |
Nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, xác định đây là kỳ thi quốc gia có ý nghĩa quan trọng, với tinh thần không chủ quan, Hà Nội sẽ rà soát kỹ tất cả các điều kiện tổ chức kỳ thi; dự đoán các tình huống bất thường để chủ động có phương án xử lý kịp thời, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh.
Ban Chỉ đạo thi thành phố yêu cầu các địa phương từ nay tới trước ngày 25/6 khẩn trương rà soát, kiểm tra mọi điều kiện tổ chức kỳ thi.
Ban chỉ đạo thi thành phố sẽ kiểm tra đột xuất các điểm thi, trong đó quan tâm đến phương án bảo quản đề thi, bài thi; công tác chăm sóc sức khỏe thí sinh, bảo đảm an toàn giao thông và việc ứng phó với các tình huống bất thường do thiên tai, dịch bệnh…
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao công tác chuẩn bị của Hà Nội |
Đồng chí Vũ Thu Hà cũng đề nghị các đơn vị, nhà trường tăng cường truyền thông về quy chế thi và các quy định có liên quan, tránh trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi rất đáng tiếc như lỗi mang điện thoại vào phòng thi.
Riêng vấn đề bảo quản đề thi, Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu các điểm thi bố trí tủ đựng đề thi, bài thi với ngăn độc lập, riêng biệt từng môn. Các điểm thi rà soát kỹ nội dung này, phải bố trí tủ sắt đáp ứng đúng quy định này. Nếu thời điểm kiểm tra, còn điểm thi nào chưa đáp ứng thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết, trong kỳ thi này, khoảng 5.000 sinh viên tình nguyện Thủ đô sẽ tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi |
6 đề xuất, kiến nghị của Sở GD&ĐT Hà Nội Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cũng đưa ra 6 kiến nghị, đề xuất lên lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Trong đó, Hà Nội mong muốn Bộ đưa ra khoảng thời gian cố định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm để các địa phương chủ động điều kiện chuẩn bị. Bên cạnh đó, Giám đốc Sở cũng đề nghị Bộ ban hành hướng dẫn cụ thể về danh mục máy tính cầm tay thí sinh được phép mang vào phòng thi để thuận tiện cho cán bộ coi thi trong việc giám sát, ngăn chặn gian lận trong thi cử. Rút kinh nghiệm từ nhiều kỳ thi trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất tại mỗi điểm thi được in bổ sung đề thi được đóng dấu bản chính để phục vụ cho việc đối soát; đồng thời bày tỏ lo ngại quy định khoảng cách 25m không còn phù hợp khi nhiều thiết bị công nghệ cao bắt sóng được trên 25m… |