Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hồi chuông cảnh tỉnh át “tiếng chuông rè”

Với bề dày hơn 92 năm hình thành và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, Công đoàn Việt Nam ngày càng phát triển về quy mô tổ chức, “làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, người lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

“Chiến dịch đánh tư sản” – luận điệu nguy hiểm

Chúng cho rằng, Đảng, Nhà nước ta kỳ thị kinh tế tư nhân, “đánh tư sản”. Nhưng thực tiễn phát triển kinh tế đất nước nói chung, ngành công thương nói riêng đã bác bỏ luận điệu sai trái đó.

Cụ thể, ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Dũng bị điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, ngày 29/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Ngày 24/3, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331, BLHS, đồng thời khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, về hành vi nêu trên.

Đây là những cá nhân nổi tiếng về sự giàu có và có “tiếng tăm” trên thương trường. Sau khi các cá nhân kể trên bị bắt giữ, các trang mạng tại hải ngoại, cá nhân phản động đã ngay lập tức đưa ra những quan điểm sai trái, xuyên tạc, đưa ra những câu hỏi nhằm “lái” dư luận nhằm “chính trị hoá” vụ án. Các đối tượng này đã lợi dụng vào việc doanh nhân nổi tiếng bị bắt để “nhào nặn”, bóp méo chủ trương của Đảng ta về phát triển kinh tế tư nhân, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.

Cụ thể, trang phản động Việt Tân đã đưa ra những luận điểm mang tính kích động như bắt các “đại gia” chuyên về bất động sản bất thường” ; “phe cánh trong Đảng đang đánh nhau”; “chiến dịch đánh tư sản bắt đầu”…

Ai có công thì thưởng, có tội thì phạt

35 năm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, trung thành, kế thừa và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên đổi mới tư duy gắn với tổng kết thực tiễn và đưa ra chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng” của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; “Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân.”

Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã nhấn mạnh: “Chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm”. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 (khoá XII), Tổng Bí thư cũng từng nói: “Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa”.

Những chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân không chỉ được thể hiện bằng các văn kiện mà còn là những hành động thiết thực. Điều này thể hiện bằng việc, những năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã có rất nhiều chuyến thăm, làm việc tại các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn…

Cụ thể, ngày 27/3/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham quan các nhà máy, dây chuyển sản xuất, lắp ráp và động viên công nhân, người lao động tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải THACO. Tại chuyến thăm Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao sự phát triển của THACO trong 25 năm qua với triết lý phát triển cùng đất nước, trở thành một tập đoàn tư nhân đa ngành, đa lĩnh vực, đi đúng hướng, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng ghi nhận nỗ lực, thành công của THACO đã góp phần khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng là phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân "thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế". Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Nam làm sao phải "có nhiều THACO hơn nữa", vừa nhân rộng, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình này để giải quyết việc làm, đóng góp cho ngân sách, xã hội.

Không chỉ có trực tiếp đến thăm người đứng đầu Chính phủ còn tổ chức các buổi toạ đàm, gặp mặt để lắng nghe những chia sẻ của doanh nghiệp. Từ đó tìm ra giải pháp nhằm tháo gỡ những rào cản để củng cố niềm tin, đồng hành, kiến tạo cùng doanh nghiệp. Trước đó, ngày 8/8/2021, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định: “Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất”.

Thủ tướng còn nhấn mạnh: “Chính phủ luôn thể hiện tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức; xem doanh nghiệp và người dân là chủ thể để phục vụ... Tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước

Sự quan tâm tới phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân không chỉ có ở lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà còn lan toả tới các bộ, ngành. Ngày 26/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đến thăm và làm việc với Tập đoàn Thành Công tại Nhà máy Hyundai Thành Công (Ninh Bình). Tại buổi thăm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có những chia sẻ, ghi nhận về những đóng góp của Tập đoàn Thành Công vào công nghiệp cả nước nói chung và ngành sản xuất ô tô nói riêng. Lãnh đạo Bộ Công Thương luôn quan tâm, tìm hướng tháo gỡ để kinh tế tư nhân phát triển trên mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Hiện trong quá trình xây dựng dự thảo Luật phát triển Công nghiệp, Bộ Công Thương luôn hướng tới ghi nhận, tiếp thu những đề xuất, hiến kế của cộng đồng, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân.

Những thực tế trên đã bác bỏ các luận điệu bóp méo sai trái. Cha ông ta có câu: Có công thì thưởng, có tội thì phạt. Việc khởi tố một số doanh nhân đã có hành vi vi phạm là việc làm cần thiết để lành mạnh hoá thị trường, tránh tình trạng thao túng, “thổi giá”, đảm bảo xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là việc làm cần thiết để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, để đất nước phát triển nhanh và bền vững. Không thể lấy hình ảnh của những cá nhân sai phạm rồi “vẩy mực” làm “hoen ố” đi nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và những đóng góp thiết thực của các thế hệ doanh nhân trong việc xây dựng, phát triển đất nước.

Đối với những “đại gia” vừa bị khởi tố, họ không thể đại diện cho thế hệ doanh nhân Việt Nam đang làm ăn chính đáng và càng không thể viện bất cứ lý do nào để hướng lái các vụ án sang vấn đề chính trị. Không thể lấy lý do bị can là những doanh nhân giàu có để xuyên tạc thành “chiến dịch đánh tư sản”, “tấn công vào kinh tế tư nhân”. Mọi bị can khi bị khởi tố, điều tra đều căn cứ vào hành vi, khách thể bị xâm hại, các yếu tố lỗi, không có bất cứ lý do nào để ngụy biện thành việc phân biệt kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác.

Việc khởi tố các bị can là doanh nhân có “tiếng tăm” cũng thể hiện quyết tâm của Đảng trong phòng chống tham nhũng tiêu cực “ không có vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể đó là ai”. Những doanh nhân bị khởi tố kể trên đều là công dân nên không có quyền đứng trên luật pháp. Với những hành vi vi phạm thì việc cơ quan công an khởi tố để điều tra làm rõ thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp dù cá nhân đó là bất kỳ ai. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh, giáo dục để xoá bỏ tình trạng đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, độc quyền doanh nghiệp đang hiện hữu đã làm méo mó quan hệ thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, hạn chế sự cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế.

Gia Minh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật