Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thêm hàng trăm người ở Nghệ An tố bị quấy rối đòi nợ dù không vay tiền

Sau khi Báo Nghệ An có loạt bài, hàng trăm người phản ánh họ là nạn nhân bị quấy rối, xúc phạm qua điện thoại, mạng xã hội của những kẻ đòi nợ dù họ không vay tiền. Trong số này, có cả một số lãnh đạo sở, ngành, địa phương.

Không vay cũng bị “khủng bố”

Ngày 20/5, trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Vinh cho biết, thời gian gần đây bản thân bà cùng hàng trăm giáo viên, thành viên ban giám hiệu của các trường thường xuyên bị quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ bởi những kẻ đòi nợ dù không vay tiền. “Chúng tôi bức xúc lắm. Hầu như trường nào cũng bị, họ bị tấn công giống như nội dung mà Báo Nghệ An đã phản ánh”, bà Thảo nói.

Khi chúng tôi đang trò chuyện với bà Thảo, chỉ trong vòng 15 phút, điện thoại của bà đã nhận được 2 cuộc gọi quấy rối từ những kẻ đòi nợ. “Từ sáng đến giờ cũng phải 10 cuộc như thế này rồi. Bực mình lắm. Ảnh hưởng đến công việc của nhiều người. Chúng tôi buổi tối người thì phải để chế độ im lặng để được ngủ ngon, người thì phải tắt máy”, bà Thảo nói và cho rằng, bản thân vẫn còn may mắn khi không bị tấn công trên mạng xã hội vì đã cẩn thận cài đặt chế độ riêng tư. Trong khi, cấp phó của bà và nhiều vị hiệu trưởng bị những tài khoản Facebook lạ vào ghép ảnh rồi nhiều lần bôi nhọ, đe dọa.

Một vị hiệu trưởng và con của mình bị bôi nhọ trên Facebook dù bản thân không hề vay nợ. Ảnh: T.H

Theo thống kê của bà Thảo, chỉ tính riêng trên địa bàn của TP. Vinh, đã có khoảng 30 trường học gặp tình trạng này, từ trường THPT cho đến THCS rồi tiểu học, mầm non. Nhiều trường, tất cả giáo viên đều bị quấy rối. “Chúng tôi vào cuộc xác minh thì hầu hết đều không vay tiền hoặc có vay nhưng đã trả. Nhiều giáo viên thì phản ánh họ bị mất chứng minh nhân dân, chứ họ không hề vay. Chúng tôi gọi lại vào các số kia thì đều không được. Trong khi họ gọi cho chúng tôi thì cứ chửi bởi liên tục, không cho chúng tôi nói một câu nào”, bà Thảo nói và cho biết, đơn vị cũng đã nhiều lần làm việc với cơ quan công an, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng đến công việc cũng như tinh thần, danh dự của nhiều người, nhiều tập thể.

Cũng tại TP. Vinh, thầy Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng THPT Hà Huy Tập cho biết, thời gian qua thầy cũng như toàn bộ giáo viên, nhân viên nhà trường đã quá mệt mỏi vì những kẻ đòi nợ quấy rối, dù không một giáo viên nào vay tiền cả. “Vụ việc thứ nhất chúng gọi đến thông báo có một phụ huynh của một em học sinh lớp 12 vay tiền, yêu cầu nhà trường có trách nhiệm. Chúng gọi điện đe dọa giáo viên rồi cả ban giám hiệu. Rồi lấy ảnh của giáo viên chủ nhiệm bôi nhọ trên mạng xã hội. Trong khi bố mẹ của em đó thì đã ly hôn, chúng tôi cũng không rõ vị phụ huynh đó có vay tiền không, vì chúng tôi không có trách nhiệm quản lý chuyện đó”, thầy Bảo nói.

Hình ảnh một giáo viên mầm non và mẹ của cô này ở Nam Đàn bị in ra dán ở cột điện rồi chụp ảnh lại bêu rếu trên mạng xã hội. Ảnh: T.H

Sau đó, những kẻ đòi nợ tiếp tục tấn công vào trường này vì cho rằng, người nhà của một vị giáo viên trong trường vay tiền. “Trường của tôi có 101 giáo viên và nhân viên, và toàn bộ đều bị gọi điện quấy rối. Cứ bắt máy là chúng chửi bới xối xả, không cho chúng tôi nói một câu nào. Chúng còn lấy hình ảnh của tôi và nhiều giáo viên lên mạng vu khống tôi vay tiền, rồi xúc phạm, đe dọa”, thầy Bảo lắc đầu ngao ngán. Vị hiệu trường và nhiều giáo viên sau đó đã phải liên hệ nhà mạng để chặn các số điện thoại quấy rối, tuy nhiên, những kẻ đòi nợ lại dùng thêm nhiều số khác. Vụ việc sau đó cũng đã được nhà trường làm văn bản trình báo lên cơ quan công an kèm theo nhiều bằng chứng.

Cần xử lý dứt điểm

Tại thị xã Cửa Lò, ông Phùng Đức Nhân – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã cho biết, ông và nhiều cán bộ, giáo viên cũng đang rất bức xúc vì tình trạng này. Mới đây nhất, những kẻ đòi nợ liên tục điện thoại đe dọa ông Nhân và nhiều cán bộ, vì cho rằng, một giáo viên trường mầm non trên địa bàn nợ tiền họ. “Chúng nói chuyện rất hỗn láo, chửi bới, mạt sát tôi và nhiều người. Tuy nhiên, khi chúng tôi xuống xác minh thì giáo viên này cam đoan không vay tiền của ai cả. Giáo viên này cho biết, cô bị mất điện thoại, có thể kẻ xấu lấy được thông tin của cô”, ông Nhân nói và cho hay, chỉ vì vụ việc này mà có hơn 40 người, bao gồm toàn bộ giáo viên của trường học kia, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo rồi lãnh đạo Sở bị điện thoại quấy rối. Vụ việc sau đó cũng đã được đơn vị trình báo công an sở tại.

Tương tự, là phản ánh của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương như Yên Thành, Nam Đàn, Tương Dương…. Trong số đó, có nhiều trường học cũng thừa nhận giáo viên trong trường có vay tiền, nhưng nhiều trường khẳng định, các giáo viên đã cam đoan không hề vay tiền nhưng toàn bộ giáo viên, lãnh đạo nhà trường cũng bị “khủng bố”.

Văn bản trình báo công an của một trường học ở Nam Đàn. Ảnh: T.H

“Chúng tôi rất bức xúc. Chặn không xuể, vì chúng dùng quá nhiều số. Chúng tôi mong muốn cơ quan công an vào cuộc để xứ lý dứt điểm vấn nạn này để các giáo viên yên tâm giảng dạy”, ông Trần Xuân Tĩnh – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành nói.

Không chỉ các trường học và phòng giáo dục và đào tạo các địa phương cũng bị quấy rối, từ lãnh đạo cho đến chuyên viên ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Trọng Bé – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An) cho biết, tại đơn vị, hầu hết các cán bộ đều bị quấy rối. Những kẻ đòi nợ không chỉ gọi điện, nhắn tin liên tục, chúng còn gửi hàng loạt email vào cá nhân từng người.

“Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hầu như địa phương nào cũng gặp tình trạng này. Ai cũng rất bức xúc. Qua xác minh thì rất nhiều trường hợp không vay tiền, nhưng chúng vẫn "khủng bố" cả trường. Ngoài ra, cũng có một số giáo viên đúng là có vay tiền thật, nhưng dù thế đi nữa cũng không được phép một người nợ mà gọi điện quấy rối cả trăm người như thế. Thời gian qua, chúng tôi một mặt cũng đã có nhiều văn bản cảnh báo giáo viên không nên vay tiền ở những tổ chức không có uy tín, những tổ chức tín dụng đen, mặt khác, chúng tôi cũng đã có nhiều cuộc làm việc với đại diện Công an tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, ảnh hưởng đến việc dạy và học”, ông Bé nói, đồng thời đề nghị lực lượng chức năng sớm vào cuộc để xử lý dứt điểm vấn nạn này.

Email của ông Bé dày đặc thư đòi nợ. Ảnh: Tiến Hùng

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nghệ An, không chỉ riêng ngành Giáo dục, trên địa bàn tỉnh còn nhiều cán bộ, nhân viên, người dân bị “khủng bố” bởi những kẻ đòi nợ dù họ không vay. Trong số này, có một số vị lãnh đạo sở, ngành, lãnh đạo các địa phương cũng bị quấy rối liên tục dù không liên quan. Thậm chí, cả những vị đang là Đại biểu Quốc hội cũng gặp cảnh tương tự.

Trước đó, ngày 18 và 19/5, Báo Nghệ An có loạt bài phản ánh về tình trạng đòi nợ theo kiểu xã hội đen của FE Credit (Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, một công ty con của Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng - VPBank). Trong đó, nhiều vị hiệu trưởng dù không vay tiền nhưng cũng bị “khủng bố” bằng điện thoại rồi vu khống, xúc phạm trên mạng xã hội. Thậm chí, một số giáo viên vì không chịu nổi áp lực đã phải xin nghỉ việc. Sau khi đăng tải, Báo Nghệ An đã nhận được hàng loạt phản ánh, họ cũng đã từng hoặc đang là nạn nhân của tình trạng này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật