Trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về việc thiếu hơn 118 nghìn giáo viên?
Tính đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước còn thiếu 118.253 nghìn giáo viên, tăng thêm hơn 11 nghìn so với năm học 2021 - 2022.
Trong đó, giáo viên cấp mầm non thiếu nhiều nhất (51.955 giáo viên); cấp tiểu học thiếu 33.112 giáo viên; THCS thiếu 19.304 giáo viên; THPT thiếu 13.882 giáo viên.
Ngoài ra trong năm học 2022 - 2023, số giáo viên nghỉ hưu và nghỉ việc cũng tăng cao (10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc), tập trung chủ yếu ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển.
Cả nước còn thiếu 118.253 nghìn giáo viên. Ảnh minh họa |
Lý giải tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay: Nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non thiếu tăng hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên). Cấp tiểu học, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên). Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ, còn tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 - 2023.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên như: Thiếu nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù; sức hút vào ngành còn hạn chế; việc tuyển dụng và tinh giản biên chế ở một số nơi còn bất cập. Một số địa phương tinh giản biên chế còn cào bằng về tỷ lệ, chưa linh hoạt, còn cắt giảm cơ học số lượng người làm việc…
Trước thực tế này, giải pháp thời gian tới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung hướng tới, đó là: Củng cố, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc của giáo viên; ổn định cuộc sống giáo viên...
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023 – 2024; ban hành các văn bản hướng dẫn tinh giảm biên chế cho viên chức ngành giáo dục...
Đồng thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo các môn học mới và các ngành đào tạo giáo viên dạy liên môn; tăng cường sự liên kết, kết nối với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục ở các địa phương, nhằm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên cụ thể theo từng trình độ, môn học, cấp học…