Xóa đói giảm nghèo: Câu chuyện từ khu vực KTTT ở An Giang
Tỉnh An Giang đang quyết tâm đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh năm 2023 giảm 1- 1,2%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2%/năm… Để đạt được mục tiêu này, chắc chắn cần sự chung tay của khu vực KTTT, HTX và sự nỗ lực của chính những thành viên, người nông dân trên địa bàn.
HTX An Phước Lộc, ấp Cà Na, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang được đánh giá là một trong những mô hình đi đầu trong việc phối hợp cùng chính quyền địa phương tạo công ăn việc làm cho hàng chục thành viên, người lao động. Đáng nói, thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, HTX đang “chung tay” cùng chính quyền xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất xanh
Ông Cao Văn Tiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX An Phước Lộc cho biết, hoạt động dịch vụ trồng trọt, dịch vụ sau thu hoạch; Nhân giống; Mua bán lúa, bán gạo; Cung ứng vật tư nông nghiệp; Tín dụng nội bộ... Hiện tại, diện tích của các thành viên HTX: 189.3 ha, diện tích liên kết ngoài thành viên: 560.9 ha. HTX đang áp dụng mô hình truyền thống và mô hình truyền thống nâng cao”.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất lúa đang mang lại nhiều thành công cho các HTX ở An Giang. |
Từ khi thành lập đến nay, HTX triển khai phương án sản xuất - kinh doanh, hướng dẫn thành viên liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và DN khác. Năm ngoái, HTX liên kết sản xuất 430ha giống OM18 và OM5451, liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Đó là các mô hình “truyền thống”, “bao lợi nhuận”, “không dấu chân”, “truyền thống nâng cao”.
Ông Cao Văn cho biết, các mô hình đều được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và thu mua nông sản với giá thỏa thuận, bước đầu tạo được niềm tin trong thành viên, hội viên nông dân khu vực.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Việc xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết HTX, đã tạo thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, hiện đại hóa trong hoạt động mùa vụ. Hiện, Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục mở rộng diện tích canh tác đạt điểm tuyệt đối SRP-100 trên cây lúa tại Đồng Tháp, An Giang, áp dụng “Mô hình không dấu chân” trên 3.700ha cây lúa.
Trong khi đó, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Bà Chi (HTX Bến Bà Chi), huyện Tri Tôn được biết đến với thương hiệu “trái xoài Bến Bà Chi”, được sản xuất theo quy trình VietGAP. Gần đây, HTX Bến Bà Chi đã ký kết hợp đồng mua bán, tiêu thụ xoài với Công ty TNHH Kim Nhung tại tỉnh Đồng Tháp.
HTX đã thu hút 36 thành viên, là các nhà vườn trồng xoài ở 2 xã Lê Trì, Ba Chúc, với diện tích hơn 56ha, vốn góp của các thành viên đạt trên 700 triệu đồng. “Để các thành viên trồng xoài đạt năng suất cao, HTX phối hợp với ngành nông nghiệp huyện, tổ chức các hội thảo khoa học, các lớp tập huấn trên cây ăn quả. Đồng thời, triển khai ứng dụng 3 mô hình công nghệ cao do Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang hỗ trợ, với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng”, ông Bùi Văn Quý, Giám đốc HTX Bến Bà Chi chia sẻ.
Chung tay giảm nghèo
Trên đây chỉ là hai trong số hàng chục HTX trên địa bàn tỉnh An Giang đang ngày đêm cùng chính quyền tạo công ăn việc làm cho người lao động, từ đó góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Nhờ vậy, tỉ lệ hộ nghèo của An Giang đang có những chuyển biết rõ nét. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh, toàn tỉnh có 20.129 hộ nghèo, tỷ lệ 3,82%, đến cuối năm số hộ nghèo còn 14.872 hộ, chiếm tỷ lệ 2,81% (giảm 1,01% so với đầu năm), đạt kế hoạch đề ra.
Nhờ có những chính sách thiết thực, KTTT, HTX đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. |
Hộ nghèo là người dân tộc thiểu số toàn tỉnh có 4.026 hộ, chiếm tỷ lệ 14,85%/tổng số hộ dân tộc thiểu số, đến cuối năm 2022 còn 3.161 hộ, chiếm tỷ lệ 11,70%/tổng số hộ dân tộc thiểu số, giảm 3,15% so với đầu năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2,20%, từ 10,85% xuống còn 8,65%. Đối với hộ hộ cận nghèo đến cuối năm 2022 còn 24.370 hộ chiếm tỷ lệ 4,61% (giảm 1,32% so với đầu năm).
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại huyện nghèo, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin…
UBND tỉnh An Giang cho biết, năm 2023, dự kiến hỗ trợ 518 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo (trong đó: 449 căn xây mới, 69 căn sửa chữa), với kinh phí thực hiện 21.274 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giảm 1- 1,2%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2%/năm.
Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 274 Hợp tác xã (HTX) và 02 Liên hiệp HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực, trong đó: có 254 HTX đang hoạt động (chiếm 92,7%) và 20 HTX nông nghiệp (NN) yếu kém, ngưng hoạt động.
Tỉnh đặt mục tiêu phát triển KTTT, HTX gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; tiếp tục củng cố, đổi mới toàn diện các HTX, tập trung các nguồn lực hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để HTX phát huy tính tự chủ, tự lập và nâng cao năng lực nội tại để hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tiếp tục hỗ trợ phát triển 05 HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 167/QĐ-TTg, ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025.
Việc UBND tỉnh An Giang luôn xác định phát triển KTTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đã giúp KTTT, HTX trên địa bàn phát triển mạnh mẽ, từ đó tạo niềm tin cho người dân tích cực tham gia vào phát triển KTTT, HTX , tích cực xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới.
Kim Oanh