Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cá tra 'sốt giá' nhưng đừng mừng sớm!

Giá cá tra nguyên liệu hiện đang ở mức 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi sẽ thắng lớn, nhưng cần thận trọng mở rộng quy mô khi những mối lo về tính bền vững của giá, cũng như số lô hàng bị trả về vì vi phạm tồn dư kháng sinh vẫn còn nhiều.

Kết thúc năm 2021 xuất khẩu (XK) cá tra cán đích 1,6 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2020. Ngành cá tra trải qua một năm đầy thử thách khi nhu cầu thị trường phục hồi nhưng do dịch bùng phát quá nhanh và mạnh khiến hoạt động sản xuất XK không chỉ bị sụt giảm mà còn ngừng trệ. Cụ thể, trong quý III, kim ngạch XK giảm 21% (trong khi 6 tháng đầu năm tăng bình quân 17%), khoảng 50% nhà máy phải tạm cửa. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất với mức tăng trưởng ấn tượng của quý IV là 20%.

Giá đạt 30.000 đồng/kg nhưng khó tăng thêm

Tháng 1/2022, XK cá tra Việt Nam đã thực sự hồi phục với tổng giá trị đạt 213,6 triệu USD, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị XK ở hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng khả quan.

XK-ca-tra-2-8304-1645778571.jpg

Giá cá tra nguyên liệu đạt 30.000 đồng/kg, nhưng dự báo khó tăng thêm. 

Báo cáo tại Hội nghị "Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2022" do Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP. Cần Thơ ngày 25/2, Hiệp hội Cá tra Việt Nam dự báo, từ tháng 2-4/2022, giá cá tra nguyên liệu sẽ tiếp tục duy trì trong khoảng 30.000 đồng/kg, do nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, nếu cước tàu biển tiếp tục đứng ở mức cao như hiện tại và tăng thêm thì giá cá tra nguyên liệu không thể tăng thêm nhiều hơn nữa. Đồng thời, do phải cạnh tranh với cá biển và thịt gà, gia cầm khác (như ở thị trường Mỹ, EU, Canada).

Năm 2022 - 2023, sẽ có nhiều thuận lợi về giá nguyên liệu và giá XK cá tra, sản lượng cá tra sẽ tăng mạnh trở lại từ cuối năm 2022-2023. Tuy nhiên, Hiệp hội Cá tra cũng khuyến nghị cần tiến tới hình thành những vùng sản xuất giống cá tra tập trung, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất và tốt nhất vào tất cả các công đoạn của quy trình nuôi (thức ăn, vật tư thiết yếu, công nghệ thu hoạch,…) và quy trình chế biến tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cho ngành hàng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế.

Đặc biệt, cần khuyến khích phát triển mạnh mô hình hợp tác xã để đại diện hộ thành viên ký kết hợp đồng, vừa tạo thuận lợi trong việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, vừa giảm đầu mối ký kết hợp đồng cho các doanh nghiệp và tăng vai trò tự quản trong việc thực hiện hợp đồng, giúp tạo ra sản phẩm chất lượng, bền vững.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện việc xây dựng các kênh thương mại điện tử để lưu thông hàng hóa, thích ứng với tình hình sản xuất sau ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tập trung và tăng cường tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 cho người nuôi, doanh nghiệp chế biến XK, để ngành sớm trở lại hoạt động bình thường.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện có 258 cơ sở chế biến cá tra đủ điều kiện XK, trong đó 119 cơ sở chế biến trực tiếp từ cá tra nguyên liệu. Các thị trường chính là: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil, ASEAN.

Điều đáng lo là số lô hàng cá tra XK bị cảnh báo trong năm 2021 tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2021, có 23 lô hàng cá tra bị cảnh báo, trong đó vi sinh 13 lô (chiếm 56,5%), tỷ lệ mạ băng 8 lô (chiếm 34,8%), phụ gia 2 lô (8,7%).

Rủi ro bị trả về vẫn hiện hữu

Năm 2022, ngành cá tra phấn đấu đạt sản lượng cá tra thương phẩm từ 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.

Đặc biệt, ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho biết đến nay đã có 30 lô cá tra XK sang Trung Quốc bị cảnh báo các chỉ tiêu liên quan tới COVID-19. Số lô hàng bị phát hiện vấn đề liên quan tới COVID-19 trên bao bì, ngoài bao bì và thành bên trong của container.

Điều tra nguyên nhân cho thấy xuất phát từ khâu bao gói, khâu hàng lên container, nên việc kiểm soát chặt chẽ với công nhân xếp hàng lên container là vấn đề cần được lưu ý trong thời gian tới để đảm bảo thỏa thuận kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc và không tạo ra bất lợi quá lớn đối với các doanh nghiệp.

Cũng theo ông Lê Bá Anh, khi phát hiện 1 lô có dấu vết của COVID-19 thì doanh nghiệp sẽ bị tạm ngừng thủ tục nhập khẩu vào Trung Quốc 1 tuần. Còn đối với 2-3 lô trở lên là 4 tuần, thậm chí có doanh nghiệp bị tạm ngừng đến 6 tuần. Điều này sẽ gây ra thiệt hại đáng kể đối với các doanh nghiệp.

Đánh giá về triển vọng XK khá khả quan, bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) kỳ vọng thị trường nhập khẩu phục hồi, tăng trưởng tốt. Nhóm 4 thị trường chính là Trung Quốc, Hoa Kỳ, CPTPP, EU tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Giá cá XK dự báo sẽ tăng khoảng 5% do chi phí nuôi trồng, logistics, lao động. Kim ngạch XK cá tra năm 2022 dự báo tăng 20-22% so với năm 2021.

Tuy nhiên, bà Lan cho rằng ngành cá tra nên đánh giá và định hướng người nuôi: Cân bằng cung cầu nhằm tăng lợi nhuận và giá trị cho ngành cá tra. Tuy phục hồi nhưng thách thức chưa hết do chuỗi cung ứng còn bị gián đoạn, chi phí leo thang.

Bà Lan đánh giá sự cạnh tranh khốc liệt về giá các loại cá thịt trắng, các tiêu chuẩn, quy định ngày càng nghiêm ngặt tại thị trường EU, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc đã khiến các doanh nghiệp dần dần ít đầu tư vào thị trường EU.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nếu năm 2022 không có giải pháp căn cơ, chủ động nguồn thức ăn, xúc tiến thương mại không đổi mới thì không đạt được kết quả tốt. Vì vậy, ngành cá tra cần tập trung vào chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng; chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi theo hướng quy mô hơn, chất lượng hơn.

Lê Thúy 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết