Hợp tác xã chuỗi giá trị
Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, mô hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) theo chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu, phù hợp với kinh tế HTX hiện nay.
Mô hình trồng nấm linh chi ở Quảng Phú
Giám đốc HTX NN Phú Hồ, xã Phú Hồ (Phú Vang), ông Dương Văn Thiệp cho rằng, trước yêu cầu mới phải thay đổi tư duy, tập quán SXKD đối với mô hình kinh tế HTX theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Ngay sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012 vào năm 2014 với hơn 1.000 hộ thành viên, ngoài hoạt động cung ứng vật tư, giống, dịch vụ tưới tiêu, đào đắp thủy lợi, bao tiêu sảm phẩm, HTX NN Phú Hồ còn hướng đến mô hình trồng lúa theo chuỗi giá trị.
HTX tập hợp thành viên, nông dân liên kết sản xuất lúa theo cánh đồng lớn, gieo cấy các giống chất lượng cao. Hộ thành viên, nông dân từng bước tiếp cận, chuyển đổi cơ cấu giống lúa mới, phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ và đạt năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, HTX liên doanh, liên kết với các DN tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho thành viên, nông dân.
Kiểm tra cánh đồng lúa lớn theo chuỗi giá trị
Hằng năm, Ban Giám đốc HTX NN Phú Hồ chủ động liên kết với thành viên sản xuất lúa theo cánh đồng lớn với diện tích 150ha, gieo cấy giống lúa chất lượng cao J02, đạt sản lượng bình quân 250 tấn/năm. Toàn bộ diện tích lúa này được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được HTX bao tiêu sản phẩm ổn định cho thành viên với giá cao hơn thị trường 200-300 đồng/kg.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, HTX vừa xây dựng nhãn hiệu gạo chất lượng cao Phú Hồ, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2020 và Bộ Công thương chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.
HTX NN Phú Hồ đang tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ SXKD, kết hợp tổ chức chuyển giao KHKT, phương pháp canh tác mới, chăm sóc đồng ruộng cho nông dân nhằm nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu và cơ cấu giống cây trồng hợp lý, đảm bảo nguồn sản phẩm chất lượng, số lượng đáp ứng yêu cầu của các DN khi tham gia liên doanh, liên kết.
Giám đốc HTX NN Phú Thuận, xã Quảng Phú (Quảng Điền), ông Nguyễn Văn Sáu thông tin, những năm vừa qua, HTX tích cực triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, chuyển biến mạnh từ phát triển số lượng sang nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, người tiêu dùng ngày càng khắt khe.
HTX NN Phú Thuận liên kết với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất mô hình nông nghiệp hữu cơ, kết hợp trồng trọt và chăn nuôi an toàn sinh học, như mô hình trồng đậu nành, bắp hữu cơ và chăn nuôi lợn nái, lợn thịt an toàn sinh học. Mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ quy mô 5ha tại Cồn Chọ với các loại cây bưởi da xanh, thanh trà, ổi lê Đài Loan… bước đầu mang lại hiệu quả. Mô hình trồng nấm linh chi công nghệ cao tại hộ Nguyễn Cho ở thôn Hà Cảng bước đầu lãi ròng khoảng 8 triệu/tháng.
Hướng đến mô hình trồng lúa tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng thương hiệu lúa gạo, HTX đưa giống lúa Đài thơm 8 chất lượng cao vào sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm đảm bảo cung ứng nhu cầu thị trường. HTX tiến hành quy hoạch xứ đồng Cao Xá – Đức Trọng ở thôn Bao La với quy mô 20ha sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình VietGAP theo hướng sản xuất cánh đồng lớn, hàng hóa. Thời gian qua, HTX khảo nghiệm một số giống lúa chất lượng như Đài thơm 8, ST24, Hương Châu 6… kết hợp thu mua lúa và xây dựng thương hiệu gạo an toàn Quảng Phú.
Hướng đến phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện Quảng Điền, HTX NN Phú Thuận triển khai mô hình trồng hoa hướng dương chất lượng cao tại xứ đồng Mai Dương với diện tích ban đầu ba sào. Các hộ đang tiếp tục mở rộng vùng trồng hoa dọc theo hai bên tuyến đường về cây “mắt biếc”, vừa phục vụ du lịch, kết hợp làm đẹp cảnh quan môi trường, phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương.
Bài, ảnh: Triều Linh