Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Pác Miầu giảm nghèo bằng những con số cụ thể

Thị trấn Pác Miầu, trung tâm kinh tế - xã hội của huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, đang chứng kiến những bước chuyển mình tích cực trong công tác giảm nghèo. Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực vươn lên của người dân và HTX, diện mạo thị trấn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Pác Miầu cũng như nhiều địa phương khác ở vùng cao biên giới từng đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển kinh tế và giảm nghèo. Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất lạc hậu và thiếu vốn là những rào cản lớn. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của thị trấn trước đây còn ở mức cao, đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn.

Đánh dấu những hành trình mới

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, chính quyền huyện và thị trấn Pác Miầu đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể, bám sát thực tế địa phương. Các chính sách hỗ trợ được tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu.

Trong đó, huyện chú trọng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, khuyến khích người dân, HTX chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Công tác hỗ trợ giống, vốn, phân bón cho các hộ nghèo và cận nghèo cũng được quan tâm

Huyện cũng tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho lao động địa phương.

-4174-1743654920.jpg

Việc hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát được huyện và thị trấn Pác Miầu quan tâm.

Đi liền với đó, Pác Miầu ưu tiên đầu tư xây dựng đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sạch, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát để ổn định đời sống.

Cụ thể là vào đầu tháng 3/2025, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thị trấn Pác Miầu tiến hành khởi công xây dựng nhà cho hộ gia đình bà Hoàng Thị Vân (thuộc đối tượng hộ nghèo trên địa bàn thị trấn Pác Miầu). Mục tiêu của việc này là cải thiện điều kiện sống cho các hộ gia đình khó khăn, đảm bảo mọi người dân đều có nơi ở an toàn và kiên cố. Đây là một phần trong chương trình “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Điều này đã đánh dấu sự bắt đầu của một hành trình mới, đầy hy vọng và niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn cho người dân thị trấn Pác Miầu.

Bên cạnh các chính sách của chính quyền, các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cũng đóng vai trò tích cực trong công tác giảm nghèo. Các tổ chức này đã triển khai nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế hộ hoặc phát triển mô hình HTX, hỗ trợ vốn vay, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho thành viên và người dân.

HTX 700 Bảo Lâm lan tỏa tinh thần giảm nghèo

Từ những chính sách, hỗ trợ cụ thể đã mở ra những đường hướng phát triển kinh tế cho người dân và thúc đẩy mô hình HTX phát triển tại đây.

Tại thị trấn Pác Miầu, HTX nông - lâm nghiệp 700 Bảo Lâm nổi lên như một điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế tập thể, đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương. Khi mới được thành lập, HTX ban đầu chỉ có một nhóm nhỏ các hộ nông dân tâm huyết, nhưng đến nay đã phát triển mạnh mẽ, trở thành "cánh tay nối dài" giúp bà con nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

HTX Nông - Lâm nghiệp 700 Bảo Lâm tiền thân là một đơn vị sản xuất thuộc lực lượng vũ trang. Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, HTX đã tập trung vào phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Với bề dày kinh nghiệm trong quản lý và tổ chức sản xuất, HTX nhanh chóng khẳng định được vị thế của mình.

-8924-1743654920.jpg

Cây lúa Khẩu Hom đang giúp người dân nâng cao thu nhập.

HTX 700 Bảo Lâm hoạt động đa ngành nghề, bao gồm trồng rừng, chế biến lâm sản, sản xuất nông nghiệp và dịch vụ thương mại. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, HTX tập trung vào trồng và khai thác các loại cây gỗ có giá trị kinh tế cao, đồng thời chú trọng đến công tác quản lý và bảo vệ rừng bền vững.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX đã mạnh dạn đầu tư vào các mô hình sản xuất mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của HTX bao gồm lúa chất lượng cao, rau an toàn và các loại cây ăn quả đặc sản của địa phương. Đặc biệt, HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, giúp các thành viên ổn định đầu ra và có thu nhập cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ.

Riêng đối với cây lúa, các thành viên HTX và một số hộ tham gia trồng cây lúa “Khẩu Hom” đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả hơn. Đặc biệt, những năm gần đây, cây lúa “Khẩu Hom” phát triển mạnh, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương nên được bà con chú trọng gieo cấy. HTX tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Ngoài ra, HTX còn phát triển các dịch vụ thương mại như cung cấp vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản cho bà con trong và ngoài thị trấn, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân.

Đóng góp lớn nhất của HTX 700 Bảo Lâm vào công cuộc giảm nghèo của thị trấn Pác Miầu chính là việc tạo ra "bệ đỡ" vững chắc cho người nông dân. HTX đã tập hợp được đông đảo các hộ nông dân trên địa bàn tham gia vào tổ chức, giúp họ tiếp cận được các nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật và thị trường.

Thông qua HTX, người nông dân được hỗ trợ về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. HTX cũng đứng ra thu mua sản phẩm cho bà con với giá cả ổn định, giúp họ tránh được tình trạng bị ép giá và bấp bênh về đầu ra.

Bà Hoàng Thị Lan, một thành viên của HTX, chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi trồng lúa và ngô theo phương pháp truyền thống, năng suất thấp mà giá cả lại không ổn định. Từ khi tham gia HTX, được hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật, năng suất lúa đã tăng lên đáng kể. HTX cũng thu mua lúa cho gia đình tôi với giá cao hơn, nhờ đó mà cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá hơn nhiều”.

Hoạt động hiệu quả của HTX 700 Bảo Lâm đã góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm ổn định cho các thành viên. Đến nay, doanh thu mỗi năm của HTX đạt trên 2 tỷ đồng, bình quân thu nhập của 9 thành viên và 3 lao động thường xuyên của HTX đạt từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm cho nhiều lao động theo thời vụ khác.

Những con số biết nói

Từ những chủ trương, chính sách và sự dẫn dắt của mô hình HTX, thị trấn Pác Miầu đã gặt hái được không ít thành quả trong công cuộc giảm nghèo.

Điều đặc biệt là những người đứng đầu thị trấn ngoài tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, phát triển kinh tế tập thể, HTX, còn đẩy mạnh rà soát, kiểm tra để nắm bắt rõ tình hình về số hộ nghèo, cận nghèo của địa phương, từ đó có hướng đi phù hợp trong quá trình giảm nghèo.

Trong năm 2024, căn cứ chỉ tiêu huyện Bảo Lâm giao về việc giảm nghèo là 48 hộ nghèo, thị trấn Pác Miầu đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, các tổ điều tra đã tiến hành điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024.

Theo đó, số hộ nghèo đầu năm 2024 của thị trấn là 312/1.090 hộ, chiếm 28,62%. Nhưng sau khi rà soát, và thực hiện hàng loạt biện pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập..., kết quả giảm nghèo năm 2024 của địa phương đạt chỉ tiêu được giao.

Điều này góp phần giúp khung cảnh thị trấn Pác Miầu thêm tươi vui hơn, người dân cũng yên tâm vào sự phát triển của mô hình kinh tế tập thể, HTX và những chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Tiêu biểu như khu 4 nằm ở trung tâm thị trấn Pác Miầu có 6 dân tộc sinh sống: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, và H’Mông. Trong đó, nhờ những chính sách, hỗ trợ phù hợp, khu 4 đã có 38 hộ kinh doanh dịch vụ buôn bán tiểu thương, 19 hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, 3 doanh nghiệp, 1 HTX. Thời gian qua, cán bộ và nhân dân khu 4 nêu cao tinh thần, phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau trong lao động sản xuất, giảm nghèo.

Kết quả trồng lúa, ngô của khu 4 đều đạt 100% kế hoạch, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Khu 4 có 12 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo. Thực hiện theo chủ trương xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chuyển sang cận nghèo của khu 4 là 2/12 hộ, tỷ lệ thoát nghèo là 1,48%, đạt 100% chỉ tiêu. Khu 4 cũng có 141/148 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Trí Chiến


Tác giả: Đánh dấu những hành trình mới
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết