Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển nóng khiến giá cam sành Vĩnh Long rẻ hơn... trà đá

Giá cam sành Vĩnh Long đã chạm đáy, xuống 1.500 - 4.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do thời gian trước địa phương này đã phát triển nóng, ồ ạt mở rộng diện tích khiến cung vượt cầu. 

Theo Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, giá cam sành trên địa bàn huyện Trà Ôn có chiều hướng đi xuống. Hiện tại, các thương lái ở địa phương mua cam sành của người dân khoảng 200 tấn/ngày với giá từ 1.500 - 4.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, loại cam sành đã chín, vượt thời gian thu hoạch từ 1-2 tháng có giá từ 1.500 - 2.000 đồng/kg (loại này ít có thương lái đến mua).

-6750-1676520592.jpg

Ồ ạt mở rộng diện tích khiến người trồng cam sành ở Vĩnh Long khốn khó, giá đầu ra giảm mạnh. 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, toàn huyện Trà Ôn đang bị tồn đọng khoảng 60.000 tấn cam sành, huyện Tam Bình khoảng 10.000 tấn và huyện Vũng Liêm khoảng 10.000 tấn. Tính ra còn khoảng 80.000 tấn cam sành cần được tiêu thụ. Nguyên nhân cam sành Vĩnh Long giảm giá chạm đáy chưa từng có là do quy luật cung cầu của thị trường, tức cung đã vượt cầu.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nhận định do diện tích trồng phát triển nóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là không có đầu ra. Cam sành Vĩnh Long chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa, và chỉ dùng để vắt nước, mùa lạnh như này miền Bắc lại ít sử dụng.

Mặt khác, cam là mặt hàng mà Việt Nam không xuất khẩu được. Nguyên nhân do hạt nhiều, xơ nhiều. Việc đưa vào chế biến cũng khó, chỉ mỗi ăn tươi như cắt múi hoặc pha nước.

Về giải pháp, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết tới đây sẽ đi kiểm tra xem nguyên nhân là gì để có những chỉ đạo cụ thể. Đồng thời, sẽ phối hợp với các địa phương tìm cách rải vụ, nhằm hạn chế sản lượng tập trung vào một thời điểm.

Về phía các cơ quan chức năng, ông Cường khẳng định cũng đã nhiều lần khuyến cáo đến bà con. Tuy nhiên, tất cả các giải pháp đưa ra chỉ là định hướng. Việc trồng cây gì, nuôi con gì quyết định cuối cùng vẫn là ở bà con nông dân.

Thy Lê 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật