Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quả ổi Đông Dư và câu chuyện về một HTX hơn nửa thế kỷ phụng sự người nông dân

Ghé thăm xã Đông Dư (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) đúng dịp đầu mùa sớm của vụ ổi găng giữa tháng 6, đâu đâu cũng thoang thoảng một mùi thơm dịu nhè nhẹ. Người Đông Dư vẫn luôn tự hào về thương hiệu ổi thơm, ổi sạch đất Hà Thành của quê hương mình. Tuy nhiên, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, người nông dân phải đối diện với câu chuyện “bờ xôi ruộng mật” bị thu hẹp dần, và bà con của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đông Dư cũng không phải ngoại lệ…

Đưa quả ổi “vươn” khỏi lũy tre làng

Với đặc thù vị trí địa lý của xã Đông Dư (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) có dải đê Sông Hồng chạy qua, HTX Dịch vụ Nông Nghiệp Đông Dư hiện có 60% diện tích đất ở trong đê và 40% diện tích ở ngoài đê. Tổng diện tích hiện tại khoảng 130 ha; bao gồm 105 ha trồng ổi, 12 ha trồng rau, còn lại là diện tích đất không thành vùng nên được bà con tiến hành canh tác một số cây trồng khác.

Trong đó, ổi Đông Dư vẫn luôn được nhiều người biết đến là giống ổi thơm ngon, quả nhỏ chứ không to như nhiều giống ổi mới trên thị trường. Bù lại vỏ mỏng, cùi dày, vừa giòn vừa ngọt, hạt lại mềm. Điểm đặt biệt là quả có vỏ sáng, hơi sần sùi và có những đường gân chạy dọc.

Chia sẻ với VnBusiness, bà Hoàng Thị Nhinh - Phó Giám đốc HTX - người phụ nữ đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình với quả ổi Đông Dư cho biết, sản lượng bình quân 1 ha đất canh tác sẽ cho khoảng 25 tấn ổi/năm, toàn HTX sẽ thu hoạch khoảng 2.625 tấn ổi/năm. Tuy nhiên, năng suất sẽ có sự chênh lệch giữa các thành viên với nhau vì còn tùy thuộc vào trình độ thâm canh của mỗi hộ nông dân. Cụ thể, gia đình nào có nhiều lao động, có sự đầu tư cùng trình độ thâm canh tốt sẽ có thể cho năng suất 1,2 - 1,5 tấn/sào. Còn gia đình nào thiếu lao động, không có nhiều sự đầu tư canh tác sẽ chỉ thu được 7 - 8 tạ/sào.

Về giá bán, trung bình cả năm sẽ dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Có thời điểm lên đến 20.000/kg nhưng cũng có lúc bị xuống giá chỉ còn 5.000 - 6.000đồng/kg. Đây là giá bán buôn cho thương lái ở tại ruộng.

Theo bà Nhinh, giá quả ổi sẽ dao động tùy theo mỗi năm, lý do là bởi khi cây mới trồng được khoảng từ 3 - 5 năm hoặc 5 - 10 năm sẽ cho trái rất năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, sau khoảng 15 - 20 năm, khi cây đã già cỗi thì chất lượng quả sẽ kém hơn, ruột sẽ nhiều hơn, vỏ sẽ mỏng hơn, giá bán theo đó cũng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, giá còn phụ thuộc vào sự biến động của thị trường. Trước đây, khi hoa quả ngoại nhập khẩu vào Việt Nam còn ít thì quả ổi trong nước sẽ được giá hơn. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nhiều loại hoa quả chất lượng cao ngày càng được trồng nhiều và đa dạng, phong phú. Giá ổi vì vậy cũng không được tăng lên mà chỉ duy trì ở mức ổn định.

Vị trí ở ngay ngoại thành Hà Nội đã giúp không chỉ quả ổi mà nhiều loại nông sản khác của bà con đều gần nơi tiêu thụ. Lãnh đạo HTX cho biết, thị trường tiêu thụ gồm 2 phần, người nông dân tự bán lẻ và tiêu thụ qua bên thứ 3, hay còn gọi là thương lái.

Đặc thù của quả ổi là phải thu tươi chứ không bảo quản được. Thương lái có thể đến tận vườn thu mua hết từ 4 giờ sáng, đến 6 giờ đã lên đường tỏa ra phân phối khắp các chợ bán lẻ trên địa bàn Thủ đô. Còn lại có thể đóng thùng xốp kèm đá lạnh để xuất đi nhiều tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa,... ngay trong ngày.

Được biết, năm 2022, ổi Đông Dư đã vinh dự được đánh giá là sản phẩm ổi OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Theo bà Nhinh, từ đây, người tiêu dùng trên thị trường cũng tin tưởng vào sản phẩm của HTX hơn. Quả ổi “vươn” ra khỏi lũy tre làng, được quảng bá rộng rãi hơn, nhiều người biết đến hơn, giá bán ổn định hơn, qua đó có nhiều tác động tích cực đến đời sống và tạo điều kiện cho người nông dân phát triển kinh tế.

Hơn nửa thế kỷ phụng sự người nông dân

Từ lâu, ổi Đông Dư đã nức tiếng gần xa và dần trở thành sản phẩm kinh tế “trụ cột” của HTX Dịch vụ Nông Nghiệp Đông Dư.

Bà Nhinh cho biết, HTX được thành lập từ năm 1960, khoảng 20 năm đầu, HTX quản lý, điều hành, phân phối công việc cho các hộ nông dân cùng tham gia làm tập trung. Tuy nhiên, từ sau năm 1980, HTX đã tiến hành giao khoán cho các hộ nông dân tự canh tác trên thửa ruộng của mình.

-2172-1687160948.jpg

Toàn HTX Đông Dư hiện có tổng diện tích khoảng 130 ha; trong đó có 105 ha trồng ổi, 12 ha trồng rau, còn lại là một số cây trồng khác.

Đến nay, trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, giờ đây nhiệm vụ chính của HTX chủ yếu là làm công tác dịch vụ nhằm phục vụ nông nghiệp, giúp đỡ các hộ nông dân phát triển kinh tế.

HTX hiện có 250 thành viên, đều là các hộ nông dân trên địa bàn xã. Bộ máy đầu não của HTX gồm có Hội đồng Quản trị với 3 thành viên, Ban kiểm soát với 2 thành viên. Ngoài ra, dưới 6 thôn có 6 Tổ trưởng tổ dịch vụ, là cầu nối giữa Hội đồng Quản trị, Ban giám đốc với các thành viên.

Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc HTX không giấu khỏi niềm tự hào khi tâm sự điều thuận lợi nhất trong quá trình hoạt động của HTX đến từ việc bà con rất ủng hộ cách làm của HTX.

Theo đó, vai trò chính của HTX hiện nay bao gồm nhiều nhiệm vụ, nổi bật nhất là việc HTX tư vấn khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác cho các hộ thành viên. Bên cạnh đó, HTX tư vấn và làm dịch vụ các vật tư đầu vào phục vụ sản xuất cây trồng. Cụ thể là HTX cung ứng các vật tư nông nghiệp như đạm, lân, kali, thuốc trừ sâu,...

“Đây cũng là điểm “độc nhất vô nhị” của HTX Đông Dư. Bên cạnh việc đã có tuổi đời thâm niên, hoạt động liên tục thì HTX còn duy trì được việc cung ứng vật tư nông nghiệp cho các thành viên trong nhiều năm. Nếu như ở các HTX khác, đa phần đều có nhiều chủ cùng bán vật tư nông nghiệp cho người dân thì riêng ở Đông Dư, chỉ có duy nhất một mình HTX bán cho nông dân và cũng không có hộ tư nhân nào cạnh tranh.

Qua đó, đầu vào về vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo và quản lý rất tốt. HTX chỉ bán những loại thuốc chăm sóc cây trồng trong danh mục được Nhà nước cho phép, không bán vật tư ngoài luồng và người dân cũng tin tưởng chỉ mua của HTX. Điều này được duy trì từ năm 1998 đến nay”, ông Nguyễn Quang Huy cho hay.

Ngoài ra, HTX tiêu thụ, đưa một phần sản phẩm của các hộ gia đình thành viên ra thị trường. Bên cạnh đó, còn làm nhiệm vụ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để ổi, rau gia vị Đông Dư ngày càng chất lượng, trở thành thương hiệu đi vào lòng người tiêu dùng trên thị trường.

Hàng năm HTX đều tiến hành tổ chức đại hội thành viên và đại hội nhiệm kỳ, qua đó vừa thông qua phương án sản xuất kinh doanh, vừa thông báo kết quả hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong cả một năm với các thành viên.

Đi qua hơn nửa thế kỷ phụng sự người nông dân, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đông Dư đã nhiều năm liền nhận bằng khen của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và UBND TP. Hà Nội. Ngoài ra, HTX còn nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2003.

Kinh tế ổn định nhưng lo... “đói” ruộng

Tuy nhiên, theo dòng xu hướng phát triển của thời đại, đô thị hóa dần trở thành nỗi lo canh cánh của bà con nơi thôn quê. Ông Nguyễn Quang Huy đã nêu lên những trăn trở của người đứng đầu HTX: “Theo tôi, khó khăn lớn nhất hiện nay mà hầu như tất cả các HTX đều đã và đang phải đối mặt là thực trạng đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Trong thời gian tới, huyện Gia Lâm đang chuẩn bị lên quận, vì vậy diện tích đất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp dần. Đây cũng chính là cái khó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới diện tích đất sản xuất của bà con nông dân thành viên HTX”.

-4724-1687160948.jpg

HTX Đông Dư đã duy trì được việc “độc quyền” cung ứng vật tư nông nghiệp cho bà con thành viên từ năm 1998 đến nay. Qua đó, đảm bảo được đầu vào cho thành viên.

Có thể nói trong những năm qua, nhờ quả ổi Đông Dư vươn mình đi xa, nhờ tham gia HTX, nhờ chăm chỉ làm ăn mà đời sống bà con thành viên cũng đều ấm no hơn. Do đó, việc nông dân loay hoay vì thiếu đất sản xuất chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy và cần có hướng giải quyết phù hợp, hài hòa lợi ích giữa các bên.

Ông Nguyễn Hữu Vượng - Nông dân tiêu biểu xã Đông Dư năm 2022 cho biết, nhờ tham gia HTX nông nghiệp mà trong một năm, các thành viên được tập huấn 1 - 2 lần các kiến thức về kỹ thuật chăm bón cho cây trồng. Thêm vào đó, được HTX hỗ trợ làm thí điểm thực hiện canh tác. Tất cả vật tư nông nghiệp như thuốc trừ sâu, phân bón,... thành viên đều tin tưởng mà mua của HTX để sử dụng.

"Như gia đình tôi, tập trung vào việc trồng cây ăn quả đem lại năng suất gấp vài ba lần so với trồng ngô, trồng lúa như trước đây. Qua đó, đời sống kinh tế của người nông dân cũng dần được cải thiện”, ông Vương nói.

Bà Nhinh cho biết, từ Liên minh Hợp tác xã Hà Nội cho đến Phòng Kinh tế huyện đều có sự hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ nông dân tham gia tập huấn. Một số nội dung tập huấn có thể kể đến như thời điểm nhận biết sâu bệnh phát triển; thời gian phun thuốc trừ sâu hiệu quả; hỗ trợ nâng cấp sản phẩm, ban đầu là sản xuất ổi an toàn, sau đó tiến tới trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, đến bây giờ tiến tới ổi OCOP.

Bên cạnh quả ổi đã làm nên thương hiệu, HTX còn dành khoảng 12 ha để trồng rau. Trong đó rau thơm gia vị chiếm khoảng 70% thị trường, chủ yếu là mùi tàu được trồng quanh năm. Ngoài ra còn một số loại rau khác được trồng theo mùa như cà chua, su hào, rau cải,...

Trước đây HTX cũng hỗ trợ được khoảng 10 - 15% sản lượng rau, ổi cho bà con khi tìm được kênh tiêu thụ ở một số siêu thị, đầu mối. Tuy nhiên, theo xu thế mới, thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ nên thanh niên địa phương hiện giờ có thể tự tìm tòi bán hàng online, nhiều hộ thành viên có thể tự chủ tiêu thụ bằng việc bán lẻ hoặc bán cho các thương lái.

Nói về Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đang trở thành đề tài được thảo luận sôi nổi trên nghị trường suốt những ngày qua, ông Nguyễn Quang Huy đã bày tỏ: “Tất cả các HTX đều có kỳ vọng và mong muốn Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trong năm 2023 mà Quốc hội sắp thông qua tới đây sẽ được tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các hộ nông dân, các hộ thành viên của HTX. Qua đó, giúp mọi người đều thấy được vai trò, trách nhiệm của từng thành viên khi tham gia HTX”.

Hà Trang – Nguyễn Hòa


Tác giả: Đưa quả ổi “vươn” khỏi lũy tre làng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết