Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý minh bạch để nông sản của HTX 'đi đường dài'

Nhiều nước đã dựng hàng rào kỹ thuật, trong đó có việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản. Để vượt qua được điều này, sản xuất và quản lý chất lượng nông sản của các HTX cần chặt chẽ, chuyên nghiệp thay vì thủ công như hiện nay.

Để bảo đảm chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… đều đòi hỏi người dân, thành viên HTX phải ghi chép nhật ký đồng ruộng. Tuy việc ghi chép đã được nhiều HTX thực hiện nhưng phần lớn là theo lối thủ công nên khiến thành viên HTX mất nhiều thời gian, tốn nhiều nhân lực, trong khi ban giám đốc HTX khó xác thực, khó kiểm tra, giám sát.

Chất lượng khó minh bạch

Ông Huỳnh Văn Đậu, thành viên của HTX Nông nghiệp Tín Phát (Sóc Trăng), cho biết thực hiện ghi chép nhật ký thủ công bằng sổ sách chẳng may phải sao lưu nhiều lần sẽ dẫn đến sai sót và không thể đáp ứng đòi hỏi về thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, ghi chép thủ công còn xảy ra tình trạng sai thông tin, dữ liệu không đồng bộ do mỗi thành viên HTX ghi một kiểu, dẫn đến thể hiện không đồng nhất và khó thống kê…

Trong khi đó, theo quy trình sản xuất VietGAP do Bộ NN&PTNT ban hành hiện có hướng dẫn việc ghi chép nhật ký đồng ruộng thông qua 13 mẫu. Thực tế qua sản xuất cho thấy, phần lớn các mẫu đều cần thiết trong quản lý chất lượng nông sản nhưng do quá chi tiết nên gây ra sự chồng chéo giữa các mẫu hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

Chẳng hạn như mẫu quy định ghi chép về giống và gốc ghép, theo các HTX, mẫu ghi chép này chỉ thuận lợi cho những HTX áp dụng trồng những loại cây trực tiếp từ hạt hoặc đối với các HTX tự sản xuất được giống. Còn đối với HTX phải đi mua giống, việc ghi đầy đủ thông tin từ ngày sản xuất giống đến chất lượng giống, ngày kiểm định, tên hóa chất xử lý, lý do và ngày xử lý… là rất khó vì HTX không phải là chủ thể thực hiện toàn bộ việc này.

Chính vì những khó khăn trên mà theo đánh giá của các chuyên gia, dù chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được bắt đầu thực hiện từ năm 2008 nhưng sau 14 năm, quy trình này chưa thực sự phát triển ở nhiều địa phương. Nguyên nhân phần lớn là do cơ quan quản lý không kiểm tra được, giám sát được việc sản xuất của người dân thông qua nhật ký đồng ruộng.

Không chỉ khó khăn quản lý chất lượng thông qua ghi chép nhật ký, việc dán tem QR Code cho sản phẩm nông sản của các HTX hiện cũng chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện, tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa chưa được ngành chức năng chuẩn hóa về nội dung và hình thức, dẫn tới mỗi đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất làm mỗi kiểu, thông tin truy xuất chưa đầy đủ, gây hoài nghi cho người tiêu dùng.

-8656-1661334234.jpg

Việc HTX quản lý chất lượng cây trồng bằng phương pháp hiện đại giúp tạo lòng tin cho đối tác.

Ông Bùi Bá Chính, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia, cho biết việc dán tem QR Code hiện chỉ được coi là truy xuất thông tin sản phẩm, thông tin sơ sài nên chưa thể coi là truy xuất nguồn gốc.

Điều này vô hình trung có thể biến mớ rau bẩn thành rau sạch. Không những vậy, việc sử dụng QR Code đang trong tình trạng "trăm hoa đua nở" nên không quản lý được về vệ sinh an toàn thực phẩm, không hạn chế được tình trạng sử dụng chất cấm trong canh tác nuôi trồng, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của những HTX làm ăn chân chính. “Cần phải siết chặt hơn công tác quản lý, giám sát chất lượng thông qua việc truy xuất nguồn gốc bằng QR Code”, ông Chính nói.

Ưu tiên quản lý bằng công nghệ

Có thể thấy, việc quản lý chất lượng nông sản của người dân, HTX vẫn còn bị buông lỏng. Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, mới chỉ có chưa đầy 3% cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, còn với cơ sở sản xuất GlobalGAP chỉ có khoảng 1%. Nghĩa là trên 90% cơ sở sản xuất bị buông lỏng quản lý, sản xuất không có tiêu chuẩn chất lượng.

Điều này khiến nông sản bị thiếu uy tín, dẫn tới giá bán thấp, tình trạng giải cứu nông sản diễn ra thường xuyên làm việc xây dựng thương hiệu cho nông sản thêm khó khăn, gây mất niềm tin đối với thị trường nước ngoài.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng cần phải có giải pháp quản lý chất lượng nông sản một cách chặt chẽ, bảo đảm minh bạch nguồn gốc, xuất xứ

PGS. TS Mai Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX kinh tế số Việt Nam (VDECA), cho biết hàng hóa của nông dân, HTX làm ra cần phải có thị trường đầu ra. Để bán được hàng với mức giá sinh lợi nhuận, sản phẩm phải có uy tín, có minh chứng ứng dụng khoa học công nghệ và trình độ quản lý. Ngoài ra, HTX cần phải chứng minh được chất lượng, uy tín thì sản phẩm mới được xã hội biết đến.

Tuy nhiên, quản lý chất lượng và xây dựng thương hiệu theo cách truyền thống đòi hỏi quá trình lâu dài, tốn kém, đầy rủi ro, khó cạnh tranh với nhiều đối thủ. Chẳng hạn, các quy định về quản lý tiêu chuẩn sản xuất của Việt Nam và quốc tế vẫn chủ yếu dựa trên hình thức đệ trình tài liệu như: Giấy chứng nhận mã vùng trồng, mã vùng xuất khẩu, hồ sơ cơ sở, nhật ký ghi chép thủ công dựa trên độ tín nhiệm và cảm tính…

Vì vậy, giải pháp là các HTX có thể ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc từ quá trình sản xuất, thu hoạch đến đưa nông sản ra thị trường thông qua sử dụng nhật ký điện tử, camera đồng ruộng… để lưu trữ thông tin theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất. Việc này vừa tiết giảm được công sức, nếu có phải kiểm tra đột xuất, HTX cũng không mất nhiều thời gian kiểm tra sổ sách giấy tờ. Cơ quan quản lý cũng có thể kiểm tra online hoặc offline và HTX chỉ cần thao tác mở camera.

Thực tế, không ít HTX đã ứng dụng cách quản lý chất lượng nông sản theo hướng hiện đại. Như HTX Đồng Phú (Hà Nội) quản lý 45 ha lúa hữu cơ bằng nhật ký điện tử và camera nên đã tạo sự tin tưởng cho 3 doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) cũng áp dụng công nghệ tương tự nên đã tạo được chuỗi giá trị hàng hóa với 3 cơ sở sản xuất và 5 doanh nghiệp bao tiêu…

Tuy nhiên, để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có quy định hướng dẫn các cơ sở sản xuất, HTX ứng dụng công nghệ vào quản lý chất lượng thay cho việc quản lý hồ sơ và thực hiện nhật ký đồng ruộng theo kiểu thủ công. Có thể xây dựng chương trình khuyến nông chuyển đổi số, hỗ trợ HTX chuyển giao công nghệ, tập huấn kỹ năng phục vụ chuyển đổi số từ quản trị đến ứng dụng vào vùng sản xuất có hợp đồng tiêu thụ.

Bên cạnh đó, cần có quy định thống nhất về tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ HTX về thiết kế bao bì, thương hiệu, mã nhận diện, ký kết hợp đồng điện tử và các điểm bán hàng cho từng lô sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Khi sản phẩm có chất lượng có đầu ra và được bán với giá hợp lý sẽ kích thích HTX ứng dụng công nghệ vào quản lý chất lượng.

PGS. TS Mai Quang Vinh cho biết, tại các nước EU tuy đã có trình độ phát triển nông nghiệp cao, quy mô sản xuất mỗi trang trại từ vài chục đến vài trăm ha nhưng nông dân vẫn được tài trợ khoảng 250 ERO (hơn 6 triệu đồng/ha) cho quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường… Chính vì vậy, ngoài sự vào cuộc của các HTX, rất cần sự định hướng, giúp sức của các nhà quản lý để phát triển sản xuất-tiêu thụ được bền vững.

Huyền Trang


Tác giả: Chất lượng khó minh bạch
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật