Tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế địa phương
Để ngành nông nghiệp phát triển mạnh hơn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đòi hỏi huyện A Lưới cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp với những giải pháp phù hợp.
Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học của người dân A Lưới
Phát triển ngành kinh tế mũi nhọn
Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, A Lưới đang tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển, nhân rộng các mô hình cây - con phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao. Sau đợt trồng thử nghiệm 0,6 ha sâm Bố Chính thành công, nay toàn huyện nhân rộng, gieo trồng khoảng 3ha và tiếp tục theo dõi, có phương án phát triển.
Những năm qua, ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng và chủ yếu trong cơ cấu phát triển kinh tế của huyện A Lưới. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hiện nay ở huyện còn manh mún, nhỏ lẻ, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản lợi thế chưa cao, chưa khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Việc xây dựng đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh được huyện vùng cao đặc biệt quan tâm.
Trong buổi làm việc với huyện A Lưới vào tháng 8/2021 về tình hình phát triển KT-XH, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, quy mô nền kinh tế của huyện A Lưới còn nhỏ, vì vậy cần tập trung vào những lĩnh vực là thế mạnh của địa phương. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp toàn diện, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nghiên cứu đẩy mạnh các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp huyện A Lưới theo hướng toàn diện, bền vững góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM), từ nay đến năm 2025, huyện A Lưới sẽ duy trì diện tích gieo cấy lúa nước ổn định 1.085ha/năm, năng suất lúa bình quân đạt 60 tạ/ha, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 90% diện tích. Đồng thời, ổn định diện tích cây ngô, sắn, cao su; phát triển diện tích cây chuối diện tích 440ha chuối (trong đó trồng mới 200ha), nâng cao chất lượng, mẫu mã tiến tới khẳng định thương hiệu sản phẩm, quy hoạch vùng trồng chuối hàng hóa; phát triển diện tích cây ăn quả.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, địa phương sẽ chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 tăng 1,8-2 lần (so với năm 2020). Đồng thời, tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững, đảm bảo độ che phủ trên 75%. A Lưới sẽ duy trì diện tích nuôi thủy sản 242,8ha (kể cả diện tích ao hồ trong vườn nhà) theo hình thức thâm canh, phát triển nuôi cá lồng khu vực lòng hồ thủy điện kết hợp với du lịch; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, gia trại áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ đảm bảo môi trường.
Xây dựng giải pháp hiệu quả
Bên cạnh những thuận lợi, A Lưới vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ngoài khó khăn do ảnh hưởng từ địa hình, thời tiết thì về mặt chủ quan, không thể phủ nhận một số người dân chậm đổi mới, còn mang nặng tính sản xuất nhỏ, chưa theo kịp thực tiễn diễn biến của kinh tế thị trường. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất phát triển chưa đáp ứng nhu cầu…
Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, cùng với giải pháp tuyên truyền, huyện sẽ triển khai quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quan tâm quy hoạch theo liên kết vùng phù hợp quy hoạch chung về KT-XH của huyện. Khuyến khích nông dân đổi thửa để tạo ra vùng sản xuất tập trung quy mô lớn làm cơ sở quy hoạch NTM. Đồng thời, từng bước áp dụng cơ giới hóa ở các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi; chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất là khâu đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp A Lưới cũng sẽ quan tâm về quản lý, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh việc khảo nghiệm, đưa vào cơ cấu sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, thích ứng điều kiện của từng vùng. Xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực để tham gia chương trình OCOP. Kêu gọi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các cá nhân có điều kiện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Huyện A Lưới sẽ lồng ghép, huy động tổng hợp các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia và vốn từ doanh nghiệp, tổ chức hợp pháp khác, vốn của Nhân dân và nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất; tìm các nguồn lực đề đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất, nhất là các công trình thủy lợi, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại…
Bài, ảnh: HỮU PHÚC