Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thay đổi diện mạo kinh tế từ xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ở nhiều địa phương, sự vào cuộc đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nông thôn mới đang tạo nên sự thay đổi rõ rệt về kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Năm 2010, huyện Hòa Vang được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đến nay, nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi, 11/11 xã của huyện đạt chuẩn, diện mạo nông thôn đổi thay rõ nét, kinh tế khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân ngày càng nâng lên.

Động lực đổi mới nông thôn

Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là 1 trong 19 tiêu chí quan trọng của bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ngay khi bắt đầu, UBND huyện đã xây dựng phương án phát triển kinh tế.

Với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Hòa Vang tập trung phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị, xây dựng các vùng sản xuất lớn, từng bước xây dựng địa phương thành đô thị nông nghiệp bền vững.

Đáng chú ý, quá trình xây dựng nông thôn mới tại Hòa Vang có dấu ấn rất đậm nét của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Không chỉ trực tiếp giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất, các HTX có đóng góp tích cực vào các tiêu chí khác từ thu nhập, giảm nghèo, đào tạo nghề đến môi trường, an ninh trật tự…

Đơn cử, nhờ sản xuất hiện đại, giàu khoa học kỹ thuật, HTX rau Túy Loan (xã Hòa Vang, huyện Hòa Vang) đang liên tục gặt hái "trái ngọt" và trở thành một trong những điển hình trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

-2708-1664794303.jpg

Các HTX đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân (Ảnh: BCT).

Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX Túy Loan, cho biết sau 10 năm hoạt động, HTX đang có hơn 40 thành viên (gấp 2 lần so với khi mới thành lập), sản xuất trên tổng diện tích trên 8 ha. 100% vùng rau của HTX được định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Hiện, HTX rau Túy Loan phân phối sản phẩm chất lượng cao tới hơn 20 cửa hàng, siêu thị trên toàn địa bàn TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, trong đó có các đối tác lớn là các tập đoàn và trường học như Winmart (trước đây là Vinmart), Bà Nà Hills, siêu thị Hòa Thọ, trường Sky-line...

Đặc biệt, trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ, phối hợp cùng với HTX để tổ chức hơn 25 lớp tập huấn về sản xuất, an toàn thực phẩm, chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp). Kết quả, đến nay, sản phẩm của HTX đã được chứng nhận 1ha rau hữu cơ, 7ha rau PGS và VietGAP, sản phẩm rau ăn lá được chứng nhận 3 sao, rau ăn quả đạt 4 sao OCOP.

Nâng chất lượng, tạo lan tỏa

Tương tự, ở Đắk Lắk, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống bà con còn rất nhiều khó khăn.

Để hóa giải thách thức, chính quyền các địa phương đã xây dựng lộ trình, kế hoạch phù hợp để tập trung nguồn lực đầu tư cho các thôn, xã vùng sâu, vùng xa, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, tập trung xóa đói giảm nghèo… để sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, trong giai đoạn 2016-2020 địa phương này đã đầu tư hơn 30,5 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo, trong đó, Trung ương hỗ trợ trên 26,4 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.

Từ nguồn vốn này, chính quyền địa phương và người dân đã nỗ lực thực hiện các mô hình, dự án giảm nghèo bền vững như: nuôi bò, dê sinh sản, hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Nhờ đó, trong 5 năm qua tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Krông Pắk giảm bình quân hơn 3%/năm, đến cuối năm 2021 còn 5,5%; toàn huyện có 12/15 xã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới.

Và cũng giống như ở Đà Nẵng, khu vực kinh tế hợp tác, HTX cũng có sự hiện diện quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk. Tính đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có 496 HTX đang hoạt động. So với năm 2021, trong 6 tháng đầu năm 2022, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực HTX có nhiều tín hiệu khả quan.

Cụ thể, doanh thu bình quân HTX năm 2022 đạt 1,5 tỷ đồng/năm; lãi bình quân HTX đạt 150 triệu đồng; thu nhập bình quân lao động thường xuyên dự kiến đạt từ 45-48 triệu đồng/năm, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian tới tỉnh dự kiến tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên HTX, trong đó chú trọng đào tạo chuyên sâu vào những ngành nghề mà HTX có nhu cầu; tiếp tục thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại các HTX nông nghiệp; chủ động tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; tư vấn cho các HTX đăng ký thương hiệu, mã vùng trồng và tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế…

Cùng với nâng chất HTX, theo chuyên gia, để đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới các địa phương cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững…

Mỹ Chí


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết