Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng nông thôn mới thích ứng đô thị hóa

Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Mê Linh, TP Hà Nội luôn gắn kết với tiến trình đô thị hóa để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, vừa phát triển theo hướng đô thị văn minh, hiện đại.

Xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục. Do đó, Mê Linh đã đề ra nhiều nội dung nhiệm vụ như: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị.

Xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh chia sẻ, với sự kết hợp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo vùng chuyên canh tập trung, có giá trị kinh tế cao với quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, nhằm hoàn thiện các tiêu chí NTM, huyện Mê Linh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.

Cụ thể, Mê Linh đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 65-70 triệu đồng/người/năm; lao động qua đào tạo đạt 80-85%; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa" đạt 90%; hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 100%; các khu, cụm công nghiệp, làng nghề có trạm xử lý nước thải đạt 100%.

-6626-1693968323.jpg

Huyện Mê Linh luôn gắn kết quá trình xây dựng NTM với tiến trình đô thị hóa để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Đồng thời, huyện tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, theo hướng đô thị.

Dự kiến, trong thời gian tới, Mê Linh sẽ phải huy động nhiều nghìn tỷ đồng, triển khai hàng trăm dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, có các dự án trọng điểm với tổng nguồn vốn khoảng 2.300 tỷ đồng, như: Đường cảng Chu Phan đi Quốc lộ 23B, tuyến đường Tiền Phong đi Tự Lập, tuyến đường 48 nối từ trung tâm hành chính huyện đến đường 36 Khu công nghiệp Quang Minh... Toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông này của huyện sẽ được khớp nối với đường Vành đai 3,5 và Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội nhằm tạo động lực cho địa phương phát triển.

Song song đó, Mê Linh tiếp tục duy trì, phát huy thành tựu đã đạt được, tập trung cơ cấu lại sản xuất, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư; xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, định hình sản xuất nông nghiệp đô thị; đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

Huyện phấn đấu đến năm 2025, có 6-8 xã được công nhận hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, 1-2 xã đạt NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân 75 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đạt 70%.

Chú trọng phát triển nông nghiệp sạch

Với lợi thế diện tích tự nhiên trên 14.000ha, trong đó đất nông nghiệp trên 8.000ha, huyện Mê Linh đã và đang chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường.

Đến nay, huyện đã quy hoạch được các vùng chuyển đổi sản xuất quy mô lớn như: vùng sản xuất hoa, cây cảnh tại xã Mê Linh 190ha, xã Văn Khê 110ha, xã Đại Thịnh 80ha; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Tráng Việt 200ha, xã Văn Khê 90ha, xã Tiền Phong 80ha, xã Tiến Thắng 70ha; vùng trồng chuối tiêu, tây hồng 100ha tại xã Hoàng Kim và xã Chu Phan; vùng sản xuất lúa cốm 50ha tại xã Tam Đồng…

Đáng chú ý, hiện Mê Linh cũng là vùng trồng hoa, rau củ quả lớn của miền Bắc với nhiều mô hình hiệu quả cho sản lượng và giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Một trong những mô hình điển hình phát triển nông nghiệp đó là mô hình sản xuất tại HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt. Theo Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua: HTX hiện có 180 thành viên, trong đó trên 600 hộ đang sản xuất nông nghiệp và canh tác chuyên canh cây củ cải trắng và các chủng loại rau màu khác.

Hàng năm, HTX cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 20% rau củ quả các loại phục vụ người dân, còn lại là các tỉnh, thành phố khác. Cụ thể, khu vực thâm canh rau củ quả như Đồng Ta và Bãi Non có trên 200ha, sản lượng gần 40.000 tấn/năm.

-7267-1693968323.jpg

Mê Linh luôn phát huy tối đa vai trò của các HTX, lấy phục vụ lợi ích của người dân làm động lực xây dựng NTM.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sinh - thành viên HTX Đông Cao, từ khi chuyển trồng dâu, nuôi tằm sang trồng rau sạch, gia đình ông đỡ vất vả hơn. Trên diện tích 1ha, mỗi ngày khu vườn của gia đình cung cấp ra thị trường từ 35 - 40kg rau các loại, thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Với nguồn thu này, gia đình ông Sinh đã xây được nhà mới khang trang, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng NTM của địa phương.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đức, cũng là thành viên HTX Đông Cao phấn khởi chia sẻ: "Trồng rau, củ theo hướng sạch, an toàn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Vì thế, để tăng thu nhập cho gia đình, hai vợ chồng tôi quyết tâm thuê thêm hơn 7 sào đất tiếp tục trồng các loại rau ăn lá các loại, như: củ cải, cải xanh, cà chua… Tính trung bình, gia đình tôi chỉ bỏ vốn đầu tư 2 - 3 triệu đồng/sào nhưng thu được 6 triệu đồng/sào”.

Có thể thấy trong những năm qua, huyện Mê Linh khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu, giống cây trồng theo mục tiêu chú trọng sử dụng giống cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, vừa nhanh được thu hoạch, cho năng suất, chất lượng tốt, vừa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương.

Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng các khu sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng.

Nỗ lực hướng đến NTM nâng cao, kiểu mẫu

Ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung triển khai các kế hoạch tiếp tục đưa huyện Mê Linh trở thành huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Do đó, huyện tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội theo tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng tiêu chí đô thị; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư thực hiện Chương trình giai đoạn 2022– 2025.

Trong quá trình xây dựng NTM, huyện tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và sinh hoạt của nhân dân, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.

“Đặc biệt, huyện Mê Linh tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Phát huy tối đa vai trò của các HTX, lấy phục vụ lợi ích cho cư dân nông thôn làm động lực xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Đồng thời, coi đây là cơ sở để huyện tiếp tục đầu tư xây dựng theo hướng đô thị”, ông Lê Văn Khương cho hay.

Đoàn Huyền


Tác giả: Xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết