Yên Bái đẩy mạnh kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP
Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Yên Bái đã có 140 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 20 sản phẩm đạt 4 sao, 120 sản phẩm đạt 3 sao.
Các sản phẩm OCOP đã được chuẩn hóa trên địa bàn tỉnh đều có bao bì, nhãn mác đẹp, chất lượng tốt, thông tin chỉ dẫn địa lý cụ thể…
Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP vẫn gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường. Do đó nhiều DN, HTX cần tăng cường hợp tác để tìm kiếm các kênh, cách thức tiêu thụ trong nước, xuất khẩu thông qua xúc tiến thương mại trực tuyến…
Văn Yên xây dựng 8 sản phẩm OCOP trong năm 2022
Theo Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy Yên Bái và Kế hoạch số 88 của Huyện ủy Văn Yên, trong năm 2022, huyện Văn Yên sẽ tập trung xây dựng mới 8 sản phẩm OCOP, gồm: cá tầm thương phẩm Nà Hẩu, cao bột cà gai leo, trà quế Phương Nhung, tinh dầu sả chanh Văn Yên, cam Đường canh, Hometay Nông Văn Quỳnh (xã Phong Dụ Thương), bánh tẻ Châu Quế Thượng, điểm du lịch sinh thái cộng đồng Minh Khai (xã Quang Minh).
Các sản phẩm OCOP đang xây dựng đều bám sát các yêu cầu của Chương trình, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Các địa phương đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Ông Đỗ Quang Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cho biết: "Để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2022 theo Chương trình hành động 56 và Kế hoạch của Huyện ủy Văn Yên, thời gian này, huyện sẽ vận dụng tối đa các chương trình, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và có các cơ chế chính sách giúp các chủ thể tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản phẩm OCOP, trong đó tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, hình thành các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương…”.
Cùng với việc xây dựng các sản phẩm mới, huyện Văn Yên sẽ tiến hành đánh giá lại 2 sản phẩm OCOP là nước rửa chén tinh dầu quế và nước lau sàn tinh dầu quế của Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát.
Việc xây dựng các sản phẩm OCOP phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương chính là chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để thanh long Minh Quân đến với thương hiệu OCOP
Những năm gần đây, cây thanh long ruột đỏ (TLRĐ) trở thành cây thế mạnh kinh tế ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu và mở hướng phát triển kinh tế mới. Đáng phấn khởi là, năm 2021, quả TLRĐ ở Minh Quân đạt tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Năm 2013, có 12 hộ ở xã Minh Quân đưa giống TLRĐ về trồng trên diện tích 1,5 ha đất vườn. Cây thanh long sinh trưởng, phát triển tốt, dễ chăm sóc, phù hợp với đất đồi cằn và sau 8 tháng đã bắt đầu cho thu hoạch quả to, ngọt.
Từ năm thứ 2 trở đi, thanh long cho năng suất, sản lượng cao dần. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng TLRĐ và những năm gần đây, cây thanh long đã thành cây trồng thế mạnh kinh tế, cây làm giàu của nhiều hộ, góp phần quan trọng tăng tổng thu nhập toàn xã.
Theo tính toán, mỗi trụ cho trung bình từ 5 - 7 kg quả/lứa; mỗi năm thu hoạch từ 4 - 5 lứa, nên trồng 1 ha tương đương với 1.500 trụ sẽ cho thu hoạch từ 25 - 30 tấn quả/năm. Hiện, giá bán tại vườn đạt từ 17.000 - 20.000 đồng/kg và trừ chi phí còn cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ha. Ngoài ra, thu nhập từ bán hom giống cũng mang lại giá trị kinh tế khá. Năm 2021, toàn xã đã có 109 hộ trồng TLRĐ trên diện tích gần 13 ha; trong đó, 8 ha đã cho thu hoạch đạt khoảng trên 200 tấn quả và doanh thu trên 3 tỷ đồng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của TLRĐ, năm 2020, xã đã phối hợp với Hội Phụ nữ huyện Trấn Yên chỉ đạo Hội Phụ nữ xã thành lập Hợp tác xã (HTX) TLRĐ với 9 hộ tham gia. Trong đó, xây dựng kế hoạch phát triển vùng thanh long và phấn đấu đến năm 2024 đưa diện tích lên 30 ha tại các thôn: Đức Quân, Linh Đức, Gò Bông, Đồng Danh, Liên Hiệp, Hòa Quân, Ngọn Ngòi, Tiền Phong.
Hội Nông dân xã chỉ đạo hội viên tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất; xây dựng dự án sản xuất sản phẩm TLRĐ theo chuỗi liên kết đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, được chứng nhận vùng sản xuất an toàn và hướng dẫn thực hiện các thủ tục đăng ký sản phẩm TLRĐ được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Với những nỗ lực đó, đến tháng 11/2021, sản phẩm TLRĐ Minh Quân được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.
Để mở ra hướng đi mới, tạo bước tiến mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính quyền xã chỉ đạo HTX TLRĐ Minh Quân làm đầu mối cho các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển sản phẩm.
Theo đó, khi được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và quả thanh long ở Minh Quân có hình thức đẹp, chất lượng tốt đã được bán ở thị trường một số địa phương trong, ngoài tỉnh như: Cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP - Anmart đặc sản Yên Bái và các vùng miền tại thị xã Nghĩa Lộ, thị trấn Yên Bình và một số địa phương của tỉnh Phú Thọ.
Đây là bước tiến mở ra triển vọng cho TLRĐ Minh Quân, tạo niềm tin để người dân đầu tư, mở rộng sản xuất, nắm bắt cơ hội làm giàu. Hiện tại, xã đang tiếp tục định hướng mở rộng vùng sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường. Đầu tư, phát triển vùng sản xuất TLRĐ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm tại xã.
Đồng thời, dự kiến năm 2022, đưa tổng diện tích thanh long lên 20 ha, sản phẩm quả TLRĐ đạt 400 tấn/năm và đảm bảo chất lượng, mẫu mã đạt tiêu chuẩn để tiếp thị tại các chuỗi nhà hàng, siêu thị ở các tỉnh phía Bắc. Phấn đấu đến năm 2024, diện tích trồng thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP là 30 ha; sản phẩm được phân phối tại các chuỗi nhà hàng, siêu thị trong, ngoài tỉnh đạt trên 600 tấn/năm.
Để đạt các mục tiêu đó, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, phối hợp tập huấn cho người dân từng bước áp dụng quy trình VietGAP nhằm bảo đảm sản phẩm quả an toàn, đủ tiêu chuẩn cung ứng cho thị trường; sử dụng các công nghệ mới trong sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch như: đưa giống mới vào sản xuất; xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước; thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất; lắp đặt khung che phủ chống thời tiết khắc nghiệt; bón phân theo quy trình; chú trọng kỹ thuật sơ chế như: kho lạnh, xông hơi, đóng gói, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đồng thời, tạo lập các mối liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ để chủ động giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Tập trung phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh để quảng bá thương hiệu TLRĐ thông qua các triển lãm các hội chợ thương mại trong, ngoài tỉnh...
Đẩy mạnh quảng bá, kết nối thị trường
Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Bảo, thành phố Yên Bái hiện có 3 sản phẩm OCOP chính: mật ong tự nhiên, nấm, chè Bát Tiên Minh Bảo. Ông Bùi Việt Tiến, Giám đốc HTX cho biết: "Muốn nhiều người biết đến và chọn mua sản phẩm của mình thì phải tăng cường quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình trực từ trực tiếp đến trực tuyến. HTX đã xây dựng cửa hàng bày bán trên 70 loại sản phẩm, mỗi ngày cửa hàng bán ra khoảng 10 triệu tiền hàng”.
Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, HTX kết nối với các đơn vị khác bày bán các sản phẩm nông nghiệp sạch, được chứng nhận OCOP của tỉnh.
Khách hàng đến mua các sản phẩm OCOP tại Cửa hàng Nông sản HTX Nông nghiệp Minh Bảo Fresh Foods. Ảnh: Báo Yên Bái
Đang chọn mua những sản phẩm OCOP tại Cửa hàng Nông sản HTX Nông nghiệp Minh Bảo Fresh Foods ở tổ 2, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, chị Hà Mai Chi ở phường Yên Thịnh chia sẻ: "Tôi đã nghe đến các sản phẩm OCOP có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm, song không biết địa điểm mua hàng. Do đó, việc đưa những cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP như này vào hoạt động đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sử dụng sản phẩm”.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 5 điểm bán hàng OCOP được hỗ trợ từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại tại các địa phương: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái. Từ các điểm bán hàng này, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng, an toàn… của các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh sản xuất.
"Nhà tôi hay sử dụng các sản phẩm như: miến đao Giới Phiên, chè Suối Giàng, tinh dầu quế Văn Yên... nên từ khi biết đến Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Thanh niên bán các sản phẩm đặc sản của tỉnh, tôi thường đến đây mua. Sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp”, chị Nguyễn Thu Giang ở phường Minh Tân chia sẻ.
Việc mở các điểm bán hàng OCOP góp phần phát triển hệ thống phân phối, quảng bá các sản phẩm đặc sản nổi tiếng của các địa phương, vùng miền tới du khách trong, ngoài tỉnh. Đồng thời, đây cũng là đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị tìm kiếm khách hàng để liên kết, hợp tác kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường, góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng bền vững.
Việc hình thành, phát triển các cửa hàng cung ứng các sản phẩm OCOP được đánh giá là bước tiến mới, cách làm hay và đang dần được khách hàng đón nhận thì các doanh nghiệp, HTX hiện đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến nhằm tiếp cận thị trường nước ngoài.
Ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc HTX Hệ sinh thái du lịch Suối giàng, huyện Văn Chấn cho biết: "Trong 2 năm qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới hoạt động xúc tiến, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm chè của HTX. Thông qua các hội giao thương trực tuyến, chúng tôi đã kết nối được với thị trường Nhật Bản, Trung Quốc. Đây là khởi đầu tốt cho HTX”.
Thời gian qua, thông qua các hội nghị kết nối giao thương trực tuyến với thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp của tỉnh đã có cơ hội kết nối, giới thiệu sản phẩm với gần 100 doanh nghiệp ở các nước: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Thụy Điển, Pakistan và Trung Quốc.
Các sản phẩm của Yên Bái được các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm, như: chè xanh, chè đen, quế, gỗ rừng trồng chế biến, khoáng sản… và hai bên đã lấy thông tin trao đổi để tiến tới ký kết hợp đồng tiêu thụ về sau. Trong năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ hơn 200 doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Yên Bái và các sàn thương mại điện tử trong nước: Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Sendo, Lazada.
Thời gian qua, gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường là điểm chung của hầu hết doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Bối cảnh này buộc các doanh nghiệp, HTX phải đổi mới và tăng cường hợp tác để tìm kiếm các kênh, cách thức tiêu thụ trong nước, xuất khẩu thông qua xúc tiến thương mại trực tuyến. Đây được xem là cầu nối và là động lực để thôi thúc các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh chủ động tiếp cận thị trường, khởi động lại các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm sau thời gian dài dịch bệnh để đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.