Khoa học công nghệ đang lan tỏa mạnh trong khu vực HTX
Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp đang được các HTX thực hiện với những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp và chất lượng môi trường.
Mặc dù nông nghiệp nước ta có nhiều thế mạnh để phát triển nhưng hiện nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh. Ở một số địa phương, giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp. Sản xuất cũng chủ yếu dừng ở mức độ thủ công và theo kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế chưa cao, lại gây ô nhiễm môi trường.
Nhạy bén trong ứng dụng công nghệ
Hơn nữa, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng cũng ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp đang trở nên cấp thiết, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm nông sản, bảo đảm thu nhập cho nhân dân, thành viên HTX.
Để hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, nhiều địa phương đã xác định HTX là nòng cốt trong liên kết chuỗi và hỗ trợ người dân ứng dụng KHCN. HTX cũng là nhân tố quan trọng trong xây dựng thương hiệu nông sản để bảo hộ quyền lợi người sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Qua thực tiễn tại tỉnh Bắc Ninh cho thấy, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các HTX đã đem lại lợi nhuận lớn, hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất thông thường từ 40-50%, môi trường cũng giảm thiểu ô nhiễm.
Dù là vùng trồng rau lâu năm nhưng xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du) đã trở thành vùng đi đầu trong ứng dụng KHCN vào sản xuất. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của HTX nông sản an toàn Liêm Anh đã khẳng định công nghệ hiện đại đang giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho thành viên và người dân.
Điểm nhấn của HTX là 700m2 nhà lưới trồng 2.200 cây cà chua, hơn 3.000 cây dưa chuột, dưa lê trái vụ và một số loại cây ăn quả như bầu, bí. Do trồng rau theo mô hình công nghệ cao, rau của HTX trồng hoàn toàn không dùng bất cứ loại thuốc hóa học nào, chỉ dùng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học, phòng bệnh cho rau cũng bằng biện pháp sinh học.
Nông nghiệp công nghệ cao giúp bảo vệ môi trường sinh thái. |
Hiện tại sản lượng rau, quả sạch chỉ đủ đáp ứng cho khách quen và người dân lân cận trong vùng. Ngoài rau sạch, HTX còn trồng 200 cây bưởi Diễn và một số loại cây ăn quả; nuôi 10 con bò sinh sản, cứ 7-8 tháng xuất chuồng một lần.
Anh Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc HTX chia sẻ từ ngày tỉnh triển khai chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi liên kết sản xuất và mô hình HTX kiểu mới, các thành viên được chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi nguồn vốn, khoa học kỹ thuật; đi đào tạo, tập huấn, xúc tiến thương mại và tìm hiểu về các phương pháp sản xuất bền vững, ít gây hại cho môi trường….
Chính vì vậy, hầu như những công nghệ, kỹ thuật canh tác, sản xuất nông nghiệp hiện đại ở nhiều quốc gia đã được các thành viên áp dụng vào sản xuất. Đến nay, HTX đã bước đầu hình thành được chuỗi giá trị từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ. Các thành viên cũng đều có ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình canh tác, sơ chế, vận chuyển nông sản.
Không chỉ HTX Liêm Anh mà Bắc Ninh đã có nhiều mô hình nông nghiệp chú trọng ứng dụng KHCN hoạt động hiệu quả theo hướng bền vững như HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc (Gia Bình); HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Lân (Yên Phong); HTX chăn nuôi gia cầm Cường Thịnh (Yên Phong)…
Những mô hình này cho thấy ứng dụng KHCN tại các HTX đã lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các cánh đồng trong tỉnh, khẳng định sự nhạy bén của người nông dân, thành viên HTX trước xu thế hội nhập.
Tại Đà Nẵng, thành phố đang khuyến khích người dân liên kết sản xuất theo mô hình HTX và phát triển chuỗi giá trị thông qua ứng dụng KHCN. Đến nay, nhiều HTX đã áp dụng công nghệ sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, sử dụng hệ thống mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm… nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng giá trị sản phẩm.
Như ở HTX rau Túy Loan (xã Hòa Phong), các thành viên đã sử dụng máy ươm hạt để tự sản xuất giống trồng rau thủy canh. HTX cũng đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động, hệ thống giếng công nghiệp phục vụ tưới, đầu tư thêm hệ thống mương tiêu, máy làm đất. Các công nghệ này giúp HTX hạn chế phát sinh rác thải, đảm bảo được những chỉ tiêu khắt khe về môi trường trong sản xuất rau sạch.
Nhờ ứng dụng công nghệ từ sản xuất đến quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc, việc tổ chức sản xuất kinh doanh của HTX được thuận tiện hơn. Hơn nữa, ứng dụng công nghệ số trong bán hàng cũng giúp HTX dễ dàng giới thiệu quy trình sản xuất đến đối tác, người tiêu dùng. Từ đó, sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn nhiều hơn.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ
Hiện nay ở các tỉnh, thành đều có những mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả. Thế nhưng, qua quá trình ứng dụng công nghệ và tìm cách thích ứng với thị trường của các HTX cho thấy, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều cơ quan quản lý tại địa phương chưa chủ động hỗ trợ HTX đầu vào thiết bị, vật tư để phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp bền vững…
Chính vì vậy, nhiều HTX đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán nên khó đáp ứng nhu cầu thị trường. Anh Nguyễn Thanh Liêm cho biết, hiện diện tích đầu tư nhà màng, ứng dụng công nghệ cao của HTX còn quá nhỏ bé, trong khi nhu cầu thị trường về sản phẩm sạch rất lớn. Nghịch cảnh này khiến HTX luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Ngoài tình trạng trên, nhiều HTX còn nhận thấy dù đã ứng dụng KHCN nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường.
Ông Đặng Trọng Tấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Nông Thịnh (Nghệ An) cho biết, hầu hết chất lượng nguồn nhân lực của các HTX hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao. Hơn nữa, vẫn có những người tiêu dùng chưa có thói quen mua nông sản sạch, điều đó khiến cho việc ứng dụng công nghệ của các HTX còn chậm.
Để thúc đẩy quá trình ứng dụng KHCN vào sản xuất, các chuyên gia cho rằng thời gian tới, các tỉnh thành cần tích cực hỗ trợ các HTX phát triển dựa trên lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, tạo các vùng hàng hóa quy mô lớn. Đi liền với đó, cần có công tác nghiên cứu, hỗ trợ các HTX ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị. Quá trình ứng dụng KHCN cũng cần được chọn lọc sao cho phù hợp để phù hợp với năng lực của HTX và hạn chế các nguồn phát sinh gây ô nhiễm môi trường.
Tùng Lâm