Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý rừng bằng công nghệ

Thông qua công nghệ, ảnh viễn thám, các đơn vị kiểm lâm, bảo vệ rừng (BVR) kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ phá rừng trái phép.

Lực lượng tuần tra rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới

Hoạt động quản lý (QL), BVR lâu nay chưa bao giờ dễ dàng. Diện tích rừng quá lớn, trong khi lực lượng kiểm lâm, BVR mỏng nên việc tuần tra dù thường xuyên vẫn khó có thể quán xuyến, kiểm tra hết các khu rừng sâu. Đó là chưa kể đồi núi rừng, khe suối hiểm trở gây trở ngại, nguy hiểm trong hoạt động quản lý, BVR...

Gần đây, các đơn vị kiểm lâm, BVR từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại, viễn thám vào hoạt động giám sát diễn biến rừng. Từ đó sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ phá rừng, không để xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại còn từng bước giải phóng sức lao động cho lực lượng BVR vốn mỏng, trong khi diện tích rừng quá lớn. Tuy nhiên theo ông Văn Thân, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới, trước mắt việc tuần tra, truy quét, giám sát rừng vẫn phải tổ chức thường xuyên, bất kể thời tiết nắng, mưa, lễ tết.

Nghiên cứu phương án bảo vệ rừng ngập mặn

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn cho rằng, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động giám sát, kiểm tra diễn biến rừng được xác định là điều kiện quan trọng để từng bước đẩy lùi, hướng đến ngăn chặn triệt để nạn phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép.

Năm qua, Chi cục Kiểm lâm thường xuyên rà soát, kiểm tra và nắm các thông tin về biến động rừng, đất lâm nghiệp trên nguồn ảnh viễn thám để điều hành các đơn vị kiểm lâm trực thuộc tiến hành kiểm tra, xác minh hiện trường, lập biên bản và điều tra xử lý các vụ vi phạm. Đến cuối năm 2022, lực lượng kiểm lâm kịp thời phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý 55 vụ phá rừng tự nhiên với tổng diện tích gần 6ha.

Nguyên nhân các vụ phá rừng được xác định chủ yếu lấy đất sản xuất, làm nương rẫy, khai thác đá và mở đường sản xuất, vận chuyển trái quy định. Một phần do áp lực người dân thiếu đất trồng rừng sản xuất nên lợi dụng những lúc các lực lượng BVR sơ hở để lén vào các khu rừng phòng hộ được giao cho cộng đồng quản lý để phát quang, trồng cây nhằm lấn chiếm đất. Lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương đã ngăn chặn kịp thời nhiều vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 134 triệu đồng.

Đến cuối tháng 2/2022, công tác cập nhật diễn biến rừng đã được đồng bộ trên phần mềm FRMS dùng chung toàn quốc theo quy định. Chi cục Kiểm lâm tích cực tìm nguồn lực từ các dự án liên quan, như dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa sạng sinh học (VFBC)”, WWF Huế... và tổ chức nhiều lớp tập huấn sử dụng phần mềm Qgis, viễn thám và FRMS desktop 4.0. Trong năm 2022, số lượng học viên tham gia các lớp tập huấn này lên đến hơn 220 lượt người từ các đơn vị kiểm lâm, chủ rừng Nhà nước. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao năng lực cho người làm công tác QLBVR cấp cơ sở.

Qua theo dõi nguồn dữ liệu của kết quả kiểm kê rừng, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh so với hiện trường thực tế có những điểm sai so với trước đây, gây khó khăn trong công tác quản lý rừng và đất rừng. Nhất là trong công tác xử lý các vụ vi phạm, việc lập kế hoạch QLBVR, phát triển rừng hàng năm và từng giai đoạn gặp không ít bất cập. Chi cục Kiểm lâm sử dụng các nguồn ảnh viễn thám rà soát toàn bộ diện tích rừng và đất rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, tiến đến hiệu chỉnh bộ dữ liệu diện tích rừng tự nhiên, đất rừng khá chuẩn xác.

Kết quả việc rà soát và điều chỉnh đã góp phần quan trọng cho tỉnh, ngành, địa phương cấp huyện, các chủ rừng Nhà nước, các công ty TNHH NN MTV lâm nghiệp trong công tác lập kế hoạch QLBVR, phát triển rừng hàng năm và từng giai đoạn chính xác với thực tế; triển khai công tác quản lý rừng và đất rừng hiệu quả, nhất là trong xử lý các vụ việc vi phạm chính xác hơn.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay, công tác cập nhật diễn biến rừng theo phiên bản FRMS desktop 4.0 đã hoàn thành. Các đơn vị đang trong giai đoạn rà soát, kiểm tra và đồng bộ dữ liệu lên Server của Trung ương. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2022 ước đạt 57,16%, tăng 0,01% so với năm 2021, tương đương 500ha rừng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật