Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cầu nối "gặp gỡ' cung, cầu việc làm cho thanh niên

Thực hiện chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp, học nghề, bồi dưỡng và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh niên Hà Nội đã phát huy vai trò cầu nối tạo việc làm hiệu quả cho thanh niên trên địa bàn.    

Bà Trần Thị Nhung San - Phó trưởng phòng Việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh niên Hà Nội - Trung tâm) cho biết, từ ngày thành lập, công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên được xác định bao trùm trong toàn bộ hoạt động của Trung tâm.

cau noi gap go cung cau viec lam cho thanh nien

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên trên địa bàn Hà Nội được triển khai hiệu quả, đồng bộ

Trong đó, đối với công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp, Trung tâm đã triển khai theo hình thức tập trung hoặc tư vấn đơn lẻ. Cụ thể, đối với tư vấn tập trung với số lượng lớn đối tượng thanh niên được thực hiện thông qua các ngày hội tư vấn hướng nghiệp tại các trường phổ thông, hoặc lồng ghép trong ngày hội việc làm. Trong năm 2018, 2019, Trung tâm đã tổ chức 10 chương trình tư vấn tập trung với số lượng lớn thanh niên tại các trưởng phổ thông.

Các ngành nghề được tư vấn chủ yếu là tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp được cấy truyền vào các xã, các làng nghề chưa có nghề đó. Với hình thức này, theo bà Trần Thị Nhung San, riêng 2 năm 2018, 2019 Trung tâm đã tổ chức được 8 lớp, sĩ số bình quân mỗi lớp là 35 em, đồng thời đã giúp định hướng nghề nghiệp, truyền nghề cho 280 lao động thanh niên nông thôn ngoại thành Hà Nội.

Đối với hình thức tư vấn đơn lẻ, chủ yếu được Trung tâm thực hiện thông qua tư vấn trực tiếp cho người lao động đến đăng ký tìm việc hoặc đăng ký tư vấn việc làm tại Trung tâm, hay thông qua các hình thức phối hợp về tư vấn việc làm. Năm 2018, 2019, Trung tâm đã thực hiện tư vấn cho khoảng 500 lao động đến trực tiếp tại trụ sở, khoảng 500 người qua các hệ thông mạng xã hội. Đặc biệt, thông qua chương trình phối hợp với Cục Việc làm, năm 2018, Trung tâm đã thực hiện tư vấn cho 10.000 lao động trẻ trên địa bàn.

Về công tác giới thiệu việc làm, tùy từng giai đoạn với những đặc trưng khác nhau của thị trường lao động và tương quan cung, cầu lao động, Trung tâm có những quyết định khác nhau về chiến lược, phương pháp thực hiện. Tuy nhiên, bà Trần Thị Nhung San cho hay, trọng tâm vẫn là thực hiện tư vấn, giới thiệu, chắp nối việc làm theo phương pháp truyền thống. Cụ thể, là cán bộ tư vấn là nhân tố trung gian, “môi giới” giữa bên có nhu cầu tuyển dụng và bên có nhu cầu tìm việc, “xin” việc thông qua thông báo tuyển dụng mà doanh nghiệp cung cấp.

Ngoài ra, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm tại các trường đại học, cao đẳng, các địa phương để doanh nghiệp và người lao động có thể tiếp cận trực tiếp với nhau. Nhờ đó, đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. “Tuy nhiên, do sự bùng nổ của công nghệ thông tin nên phương pháp này cũng bị ảnh hưởng, giảm hiệu quả hơn so với trước đây” - bà Trần Thị Nhung San nói.

Trên thực tế, bà Trần Thị Nhung San nêu, số lao động đến trung tâm để đăng ký tìm việc đã giảm đi nhiều, trong khi số lượng về tuyển dụng, vị trí cần tuyển cao hơn rất nhiều; số lượng tiết dạy về định hướng nghề nghiệp trong chương trình giáo dục nghề nghiệp chưa nhiều; các doanh nghiệp tư nhân về giới thiệu việc làm phát triển nhiều, họ thu phí của người lao động nhưng không tư vấn, giải quyết được việc làm cho người lao động, làm cho người lao động mất niềm tin vào các trung tâm việc làm khác…

Trước thực trạng đó, để công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp phát triển, phát huy hiệu quả, bà Trần Thị Nhung San đề xuất, cần xây dựng kênh thông tin về việc làm, tuyển dụng theo xu thế của giới trẻ, lao động trẻ hưởng ứng, quan tâm; xây dựng mô hình trải nghiệm học đường, hỗ trợ thêm nguồn kinh phí cho các Trung tâm việc làm của Đoàn thanh niên để tổ chức Ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm; sử dụng các phần mềm để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thanh niên từ đó có những định hướng đúng trong nghề nghiệp, việc làm; kết nối và giữ mối quan hệ chặt chẽ với các cơ sở Đoàn, Hội liên hiệp thanh niên và các đoàn thể khác tại địa phương, trường đại học, cao đẳng để có nguồn lao động, nhất là lao động số lượng lớn để thực hiện chức năng cung ứng lao động…

Hoa Quỳnh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết