Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất 5 nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Để thúc đẩy giải ngân trong 3 tháng còn lại, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã báo cáo, kiến nghị với Chính phủ một số nhóm giải pháp để có thể đạt được con số giải ngân cao vào thời điểm 31/1/2023.

Thi công đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN

Theo đó, Thứ trưởng Phương cho biết, đầu tiên là thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng cũng như của Chính phủ. Cụ thể là các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cộng với các chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 19/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Tiếp theo, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án và đặc biệt các nhà thầu phải đôn đốc thực hiện để có khối lượng thì mới giải ngân được. Do vậy, công tác thực hiện từ nay đến cuối năm rất quan trọng, làm sao có được khối lượng tương đối lớn để có thể giải ngân được số tiền còn lại của năm 2022.

Bên cạnh đó, thực hiện ở các bộ ngành, địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đối tượng như chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu để làm sao đạt được kết quả thực hiện tốt.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề thủ tục, các bộ ngành, địa phương phải chuẩn bị trước các thủ tục hành chính để giải ngân vốn đầu tư công khi có khối lượng, để làm sao tránh tình trạng dồn dập, như rơi vào thời điểm cuối tháng 12 hoặc cuối tháng 1/2023, việc giải ngân đồng loạt ở nhiều bộ ngành, nhiều chủ đầu tư, nhiều ban quản lý dự án. Lúc đó, sự phục vụ của hệ thống Kho bạc cũng như hệ thống hành chính rất vất vả và có thể nghẽn mạng, rất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Cuối cùng, là công tác chuẩn bị. "Chúng ta chuẩn bị bước vào năm 2023, kế hoạch ngân sách và đầu tư công đã trình ra Quốc hội với lượng vốn năm 2023 là rất lớn, cao hơn năm 2022 hơn 100 nghìn tỷ, áp lực giải ngân của năm 2023 rất lớn.

Do vậy, cần công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, để làm sao bước sang năm 2023 chúng ta có thể triển khai thực hiện được ngay. Đây là điều tốt nhất để giảm nhẹ gánh nặng cũng như sức ép của thời điểm cuối năm", Thứ trưởng Phương nêu rõ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10/2022 được các Bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung triển khai, thực hiện và giải ngân với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, tháng 10, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 53,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý đạt gần 10 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1%; vốn địa phương quản lý 43,6 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6%.

Tính chung 10 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 387,7 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% kế hoạch năm và tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 64,3% và giảm 7%).

Cùng với những giải pháp trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề xuất, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cần thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ.

“Do quy định về ngân sách giải ngân đến 31/1 năm sau và giải ngân cả năm thường dồn vào 3 tháng cuối năm, nên đến 31/01/2022, tỷ lệ giải ngân cả năm 2021 được hơn 90%”, Thứ trưởng Phương cho hay.

Theo TTXVN


Tags: đề xuất
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết