Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Khuyến khích đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ

Tỉnh Thái Bình đã và đang ưu tiên cho các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất CNHT để cung cấp nguyên liệu, các chi tiết, sản phẩm tại chỗ cho các ngành mũi nhọn.

 

Theo báo cáo, trên toàn tỉnh Thái Bình hiện thu hút được 127 dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, tập trung chủ yếu vào các ngành dệt may (71 dự án), điện tử (24 dự án); chưa thu hút được nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí (17 dự án) và sản xuất sứ vệ sinh (15 dự án).

Do Dịch Covid - 19 và ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine trong thời gian qua, ngành công nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng do thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp thị trường tiêu thụ, bộc lộ hạn chế trong việc phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu khi các đối tác cung cấp nguyên phụ liệu không thể giao hàng, giao hàng chậm làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của ngành. Để hướng tới hình thành chuỗi sản xuất công nghiệp, tỉnh Thái Bình đã đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại thị trường nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...) và xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến năm 2025.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Logitex (Cụm công nghiệp Vũ Ninh, Kiến Xương)  - Ảnh: Sở Công Thương Thái Bình
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Logitex (Cụm công nghiệp Vũ Ninh, Kiến Xương) - Ảnh: Sở Công Thương Thái Bình

Theo đó, Thái Bình đặt mục tiêu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung ứng khoảng 30% - 40% nhu cầu nguyên liệu cho ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn năm 2021-2025 đạt 9,5%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt từ 10 - 11%/năm.

Để hiện thực hóa chủ trương này, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy tăng tỉ lệ nội địa hóa trong nguồn hàng hóa xuất khẩu. Đây là chiến lược được tỉnh đặt ra để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong giai đoạn tới.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Bình đã xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo thông qua việc đầu tư cho sản xuất mặt hàng xuất khẩu địa phương, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô.

Với các sản phẩm chế biến chế tạo, tỉnh sẽ thực hiện chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp, đặc biệt là hàng công nghiệp chế tạo như linh kiện và thiết bị ngoại vi; điện tử; viễn thông.

Thái Bình cũng chủ trương thực hiện các chương trình kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực, chuyển dần lên các mức cung ứng cao hơn.

Đồng thời ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công nghệ hiện đại, ngành sản phẩm thân thiện với môi trường và tiến đến là ưu tiên cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa; thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các doanh nghiệp cung ứng ở bậc cuối trong chuỗi cung ứng toàn cầu (chủ yếu là doanh nghiệp nội địa).

Tỉnh khuyến khích các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam, kêu gọi các công ty cung ứng đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Địa phương cũng có chính sách ưu đãi thích hợp thu hút nguồn vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài thông qua các phương tiện thông tin, thân nhân trong nước để đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội được hội nhập, làm chủ công nghệ sản xuất từ các nước tiên tiến trên thế giới (chuyển giao công nghệ), chủ động trong sản xuất kinh doanh, tăng giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết