Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bạc Liêu đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

Bạc Liêu tăng cường quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP qua hội chợ, sàn thương mại điện tử, đưa đặc sản địa phương vươn xa trong và ngoài nước.

Phát huy lợi thế địa phương qua xúc tiến thương mại

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, tỉnh Bạc Liêu đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm OCOP, tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị đã phối hợp hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và chủ thể OCOP tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn trên cả nước.

Bạc Liêu đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

Sản phẩm rượu vang trái giác và nước cốt trái nhàu được giới thiệu tại Hội nghị kết nối cung - cầu Bạc Liêu - Ninh Bình năm 2025. Ảnh: T.Q

Các chương trình tiêu biểu có thể kể đến như Hội chợ triển lãm chuyên ngành Cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 tại Đắk Lắk; Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 34 tổ chức tại Hà Nội; Triển lãm quốc tế ngành Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh lần thứ IV (HCMC FOODEX 2025); Hội chợ công nghiệp - thương mại, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Tây Ninh năm 2025… Tại các sự kiện này, nhiều sản phẩm đặc trưng như bánh đậu xanh Hương Sen, chả gân Nam Á, nước cốt nhàu, rượu trái giác... đã gây được ấn tượng với khách tham quan và nhà phân phối trong, ngoài nước.

Tiếp nối những thành công đã đạt được, trong những tháng cuối năm, Sở Công Thương tỉnh tiếp tục lên kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể OCOP tham gia loạt hội chợ quy mô khu vực và toàn quốc. Dự kiến các đơn vị sẽ góp mặt tại Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng 2025 - Tôn vinh sản phẩm OCOP (từ ngày 11 - 16/6/2025); Hội chợ sản phẩm OCOP đặc sản vùng miền Hậu Giang (từ ngày 1 - 8/7/2025); và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam thuộc Chương trình khuyến công quốc gia, diễn ra tại tỉnh Long An trong quý III/2025.

Bạc Liêu đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

Khách tham quan tại Không gian trưng bày Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025. Ảnh: Chí Thanh

Bên cạnh việc tổ chức và hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm, Bạc Liêu còn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số. Hiện đã có 48 sản phẩm OCOP được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn, sàn giao dịch điện tử tỉnh Bạc Liêu, cùng các nền tảng phổ biến như Tiki, Lazada, Vinacel, Mekong Expo… Việc tham gia các sàn thương mại điện tử và kết nối với các sàn giao dịch cung - cầu trong và ngoài nước đang được xem là giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp địa phương mở rộng thị trường, giảm chi phí tiếp cận người tiêu dùng, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế số.

Thực tế cho thấy, nhiều chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đã tận dụng hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử, tại thị xã Giá Rai, chị Hà Thúy Vy (Chủ Hộ kinh doanh VYMT - xã Phong Thạnh Tây), đã sáng tạo chế biến các loại cây trái đặc trưng địa phương như trái giác, trái nhàu thành sản phẩm rượu vang và nước cốt đóng chai. Khi được tạo điều kiện tham gia hội chợ, kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh, sản phẩm của chị nhanh chóng tiếp cận hệ thống phân phối, các sàn thương mại điện tử và nhiều đơn vị thu mua lớn.

Chị Vy chia sẻ: “Với việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu đã giúp cho những sản phẩm mới của tôi được trình làng với các đơn vị phân phối, sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp đầu mối, hệ thống siêu thị. Thời gian tới, tôi mong được các cơ quan chức năng hỗ trợ thêm về máy móc, thiết bị, vốn để tiếp tục tạo ra những sản phẩm chất lượng và hướng đến thị trường xuất khẩu”.

Chương trình OCOP - Nâng tầm giá trị sản phẩm nông thôn

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai tại Bạc Liêu từ năm 2019 và đã đạt nhiều kết quả khả quan. Đến nay, tỉnh đã có 160 sản phẩm của 79 chủ thể được công nhận đạt hạng OCOP từ 3 đến 4 sao. Trong đó, có 32 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và hàng chục sản phẩm được tỉnh Bạc Liêu gửi hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, xếp hạng 5 sao, nổi bật là sản phẩm Muối tinh và Muối hạt của Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu.

Bạc Liêu đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tìm hiểu các sản phẩm OCOP tiêu biểu được trưng bày tại gian hàng triển lãm. Ảnh: K.T

Sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu đa phần thuộc nhóm thực phẩm thô, sơ chế và chế biến như gạo, thủy sản, yến sào, các loại muối, bánh kẹo truyền thống… Với thế mạnh về nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ, các cơ sở sản xuất tại Bạc Liêu có điều kiện thuận lợi để duy trì chất lượng ổn định và phát triển sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi giá trị.

Trong năm 2024, nhiều sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế không chỉ trên thị trường trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Các sản phẩm như tôm thẻ, tôm sú nguyên con đông lạnh và hấp/luộc (Công ty Cổ phần chế biến xuất khẩu Tôm Việt), tổ yến sơ chế sấy khô (Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Yến sào Hi!Nest), muối tinh và muối hạt (Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu)... đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Ngoài ra, nhiều sản phẩm như bánh đậu xanh Hương Sen, chả lụa, chả gân (Công ty TNHH MTV Nam Á) cũng đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn trong nước.

Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Hầu hết các sản phẩm được công nhận OCOP 3 đến 4 sao là sản phẩm thực phẩm, chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm thô, sơ chế và chế biến (gạo, thủy sản...), nên nguồn nguyên liệu tại địa phương luôn đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Đồng thời, các chủ thể OCOP liên kết, hợp đồng chặt chẽ trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho sản xuất”.

Không chỉ chú trọng vào khâu sản xuất, chương trình OCOP tại Bạc Liêu còn giúp nâng cao nhận thức của người dân về giá trị sản phẩm địa phương, từ đó phát huy lợi thế về vùng nguyên liệu, bản sắc văn hóa và điều kiện tự nhiên. Qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

“Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà còn mang lại những lợi ích xã hội quan trọng, trong quá trình triển khai, người dân đã được nâng cao nhận thức về giá trị sản phẩm địa phương. Từ đây, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh gắn với lợi thế về vùng nguyên liệu, văn hóa truyền thống và điều kiện sản xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn các xã khu vực nông thôn”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Bạc Liêu sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, bán hàng; đẩy mạnh kết nối giao thương trong nước và quốc tế; đồng thời, mở rộng đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh cho các chủ thể OCOP. Với những định hướng đúng đắn và cách làm bài bản, Bạc Liêu kỳ vọng sẽ xây dựng được hệ sinh thái sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông thôn hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương bền vững và toàn diện.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết