Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đánh giá lại vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước để cải cách cho phù hợp

“Cần đánh giá lại vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực này phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam”.

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung tại toạ đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và Hướng tới” do Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Báo Đầu tư tổ chức ngày 26/9.

Doanh nghiệp nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, để có được những thành tựu tiêu biểu trong gần 40 năm đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn, thách thức, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế. Mặc dù doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp nhà nước không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia, nhất là ở các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo.

Doanh nghiệp nhà nước còn là khu vực xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế, trong điều kiện khu vực tư nhân còn chưa lớn mạnh và không có khả năng thực hiện.

Đánh giá lại vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước để cải cách cho phù hợp

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại toạ đàm

Ngoài kết quả đạt được, theo ông Trung, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là hoạt động đầu tư trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước đang chậm chuyển mình trong thời đại, bối cảnh mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét.

Nhìn chung, doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đặc biệt là khối tổng tài sản lên tới hơn 3,7 triệu tỷ đồng của đất nước. Hoạt động đầu tư chưa được như kỳ vọng. Việc đầu tư nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như các công nghệ lõi, công nghệ số. Khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế; các doanh nghiệp nhà nước chưa có sản phẩm xuất khẩu chủ lực và tạo ra giá trị gia tăng cao trong khi xuất khẩu là tiêu chí quan trọng để đánh giá chính xác nhất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới và tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, cần đánh giá lại vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực này phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Đây cũng là những bàn luận cần thiết phục vụ cho việc tổ chức sơ kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, trình Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.

Cùng với đó, phải xác định rõ những ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới; phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt trong bối cảnh mới với phương châm “lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá”.

“Doanh nghiệp nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác. Các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn” - ông Trung đề nghị.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, cần thiết để đánh giá lại vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực này phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam; xác định rõ những ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới; phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt trong bối cảnh mới với phương châm "lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá".

Đánh giá lại vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước để cải cách cho phù hợp

Toạ đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và Hướng tới”

Còn lại 4 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả

Thông tin tại toạ đàm, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Ủy ban được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật.

Nếu so với năm 2018 (thời điểm bắt đầu chuyển về Ủy ban), tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của các doanh nghiệp là 1,05 triệu tỷ đồng thì đến năm 2022, tăng lên 1, 54 triệu tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2,36 triệu tỷ đồng lên 2,49 triệu tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước).

Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng. Năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,87 triệu tỷ đồng (năm 2021 đạt 1,38 triệu tỷ đồng), tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103.310 tỷ đồng (năm 2021 đạt 102.652 tỷ đồng), tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227.990 tỷ đồng (năm 2021 đạt 217.781 tỷ đồng).

Ông Phạm Văn Sơn cho biết thêm, sau 5 năm chuyển về Ủy ban quản lý, 19 tập đoàn, tổng công ty đã phê duyệt, triển khai thực hiện, hoàn thành đầu tư 185 dự án nhóm A, 455 dự án nhóm B. Trong giai đoạn 2018 - 2023, Ủy ban đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt trên 769 ngàn tỷ đồng.

Đến nay, Ủy ban đã báo cáo, đề xuất và được cấp có thẩm quyền đồng ý phương án xử lý đối với 8/12 dự án, giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện. Còn lại 4 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại, Ủy ban đã trình Thủ tướng phương án xử lý.

Đánh giá lại vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước để cải cách cho phù hợp

Ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại hội thảo

Sau 5 năm nhìn lại, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như các tập đoàn, tổng công ty chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực vốn, tài sản được Nhà nước giao trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, kiểm soát chất lượng thông qua lựa chọn và kiểm soát nhà thầu, xử lý phát sinh trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các dự án lớn, quan trọng.

Bên cạnh đó, phân bổ nguồn vốn đầu tư chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Chưa có các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghệ cao, công nghệ lõi, có tính chất lan tỏa hoặc có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế từng doanh nghiệp.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng nêu rõ, một số dự án đầu tư ra nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản hoặc các dự án đầu tư tại các quốc gia bất ổn về chính trị,… dẫn đến thua lỗ trong nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.

Tại tọa đàm, các đại biểu là đại diện từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, thành viên của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cùng phân tích, đánh giá rõ hơn về tình hình thực hiện đầu tư và hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua; những kết quả đạt được của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; xác định được những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ; đề xuất giải pháp theo hướng trọng tâm, đột phá về quản lý phần vốn nhà nước nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước… Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần thực hiện vai trò của người nhạc trưởng trong việc điều phối, huy động nguồn lực của 19 doanh nghiệp phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết