Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu viên nén: Tăng trưởng 2 con số và 5 thách thức lớn

Dù xuất khẩu viên nén nửa đầu năm 2025 tăng trưởng 2 con số cả về lượng và giá trị, nhưng để đi đường dài, ngành hàng này đang đối diện với 5 thách thức lớn.

Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 thị trường xuất khẩu chính

Theo số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu viên nén gỗ đạt trên 3,9 triệu tấn, đạt giá trị 564,77 triệu USD tăng 33,3% về lượng và 38,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Nửa đầu năm 2025, xuất khẩu viên nén gỗ tăng trưởng 2 con số cả lượng và giá trị

Nửa đầu năm 2025, xuất khẩu viên nén gỗ tăng trưởng 2 con số cả lượng và giá trị

Năm 2024, ngành viên nén Việt Nam xuất khẩu tổng cộng hơn 6 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 805,2 triệu USD, tăng 29,1% về lượng và 18,5% về giá trị. Trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm 60% về lượng và 65% về giá trị; thị trường Hàn Quốc chiếm 34% về lượng và 28% về giá trị.

Tại hai thị trường chính là Nhật Bản và Hàn Quốc, giá xuất khẩu viên nén gỗ bình quân đạt khoảng 144,3 và 109,2 USD/tấn vào năm 2024. Tuy nhiên, trái ngược với mức giảm nhẹ tại thị trường Nhật Bản, giá nhập khẩu bình quân tại thị trường Hàn Quốc đã tăng đáng kể kể từ tháng 9/2024. Điều này do giá đấu thầu tại Hàn Quốc đã cải thiện và tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu chế biến gỗ.

5 thách thức lớn

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách - Tổ chức Forest Trends cho hay, dù đóng góp vào gần 1 tỷ USD mỗi năm trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tuy nhiên, ngành viên nén đang đối diện với 5 thách thức lớn.

Thứ nhất, ngành viên nén Việt Nam chưa xây dựng được nguồn cung nguyên liệu riêng mà chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung thứ cấp từ các ngành chế biến gỗ khác. Điều này khiến hoạt động sản xuất viên nén phụ thuộc lớn nhiều vào hoạt động sản xuất, tính thời vụ và giá phế phụ phẩm của ngành chế biến. Tình trạng nguồn nguyên liệu không ổn định trong khi cầu của thị trường rất lớn, đặc biệt tại Nhật Bản, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội của ngành viên nén Việt Nam.

Thứ hai, chất lượng viên nén cũng là một trong những điểm nóng. Hiện tại, mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực giải quyết vấn đề tạp chất trong viên nén, dư lượng hóa chất vẫn còn là vấn đề lớn. Trong đó, dư lượng hóa chất, kim loại trong viên nén có liên quan tới nguyên liệu đầu vào.

Thứ ba, khả năng đáp ứng các yêu cầu cao hơn về chất lượng và tính bền vững tại thị trường xuất khẩu còn khó khăn. Các thị trường xuất khẩu viên nén, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, đang đi theo xu hướng càng ngày càng siết chặt các quy định về chất lượng cũng như tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm nông, lâm sản.

Tại Hàn Quốc, thời gian gần đây, các nhà nhập khẩu đang thắt chặt về chất lượng viên nén gỗ nhập khẩu, khiến giá xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này tăng lên.

Tại Nhật Bản, các nhà mua đã đòi hỏi từ chứng chỉ bền vững nguyên liệu FSC, PEFC và hiện dần mở rộng sang yêu cầu chuỗi cung phát thải thấp với chứng chỉ SBP. Thị trường này cũng có xu hướng theo bước liên minh châu Âu (EU) trong việc kiểm soát chuỗi cung ứng, tương lai có thể sẽ đưa ra các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc tương tự như Quy định Chống mất rừng (EUDR).

Thứ tư, đầu ra của ngành viên nén Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào hai thị trường xuất khẩu là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là hai thị trường đã và đang triển khai mạnh các chính sách ưu đãi đối với năng lượng sinh khối trong những năm gần đây và có khoảng cách địa lý gần với Việt Nam, tạo ra mức giá tốt cho viên nén xuất khẩu. Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc cao vào các thị trường này cũng là rủi ro lớn cho ngành viên nén.

Thứ năm, thiếu tính liên kết và chiến lược phát triển của ngành. Theo đó, ngành viên nén Việt Nam hiện phát triển khá rải rác với một số doanh nghiệp lớn chiếm đến hơn 70% lượng xuất khẩu của cả ngành và nhiều doanh nghiệp, cơ sở quy mô nhỏ hoạt động ở khắp các địa phương trên cả nước. Quy mô công suất của các đơn vị chế biến viên nén rất đa dạng, từ các hộ sản xuất vài nghìn tấn/năm đến các nhà máy sản xuất trên 50.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu viên nén hiện có sự cạnh tranh mạnh mẽ về nguồn nguyên liệu, tìm kiếm khách hàng nhưng lại thiếu sự liên kết, hợp tác để xây dựng vùng nguyên liệu, mở rộng thị trường.

Tại thị trường Hàn Quốc, các doanh nghiệp đã phản ánh tình trạng một số doanh nghiệp bán phá giá khi tham gia đấu thầu giá viên nén cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện khiến giá chạm đáy, thậm chí thấp hơn giá sản xuất trong năm 2023, khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng.

Liên quan đến vấn đề chất lượng đầu vào của nguồn nguyên liệu, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội Viên nén Việt Nam, nếu loại bỏ vỏ cây khi sản xuất viên nén thì có thể đáp ứng được các chỉ tiêu về dư lượng hóa chất, kim loại của thị trường, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, như có thể loại bỏ hoàn toàn dư lượng natri, kali. Tuy nhiên, việc loại bỏ vỏ cây sẽ khiến giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng rất cao. Giá xuất khẩu thấp như hiện tại sẽ không đảm bảo khả năng duy trì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện, ngành viên nén gỗ của Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các luồng cung mới nổi khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, với phổ giá tương tự nhau, nhưng chất lượng viên tốt hơn viên nén của Việt Nam.

Trong ngắn hạn, với vị thế là nước xuất khẩu viên nén nhiều nhất tại Nhật Bản và Hàn Quốc, đặc biệt là với các công ty đã ký hợp đồng dài hạn, điều này chưa gây ra nhiều vấn đề. Tuy nhiên, trong 2-3 năm tới, nếu doanh nghiệp không kịp thay đổi để thích nghi và tăng khả năng cạnh tranh của viên nén thông qua chất lượng, giá cả và khả năng đáp ứng các yêu cầu về tính hợp pháp và bền vững của thị trường thì có thể ngành viên nén Việt Nam sẽ gặp bất lợi ngay trên chính các thị trường truyền thống này.

Chất lượng và tính bền vững tại thị trường xuất khẩu là vấn đề quan trọng mang tính sống còn đối với ngành. Để ngành viên nén đi đường dài, ông Tô Xuân Phúc khuyến nghị, các doanh nghiệp cần xem xét đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu của riêng mình để giảm sự phụ thuộc vào các ngành chế biến khác, đồng thời đáp ứng các yêu cầu của người mua về tính hợp pháp và bền vững.

Hiện tại, một số doanh nghiệp đã tiên phong đầu tư vào các mô hình chứng chỉ rừng của nhóm hộ với mục tiêu xuất khẩu viên nén sang các thị trường khó tính hơn. Nếu chỉ phục vụ sản xuất viên nén, chi phí thực hiện các hoạt động này tương đối lớn và sẽ khó có thể duy trì nếu đầu ra của thị trường viên nén không đảm bảo về giá thành và sức mua.

Do đó, các hoạt động này chỉ có thể tồn tại nếu các doanh nghiệp có thể xây dựng được một hệ sinh thái trong đó nhiều doanh nghiệp cùng sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, bền vững để chế biến các sản phẩm khác nhau, bao gồm viên nén.

Bên cạnh vùng nguyên liệu bền vững, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ ở tầm vĩ mô như quy hoạch phát triển ngành viên nén trong hệ sinh thái ngành gỗ, thúc đẩy chính sách ưu đãi cho năng lượng sinh khối,... sẽ tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp ngành viên nén tại thị trường trong nước và thế giới.

Tại các thị trường xuất khẩu, việc các doanh nghiệp để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, bán sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng thấp vừa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của toàn ngành viên nén Việt Nam, vừa tạo tiền lệ giảm giá bán viên nén của Việt Nam so với các nước khác.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết