Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp làm gì để "giữ chân" người lao động? Nhìn từ Bắc Ninh

Nhiều người lao động thường xuyên thay đổi công ty khác nhau. Phần lớn sự dịch chuyển nằm ở nhóm công nhân có mức lương tối thiểu hoặc dưới mức tối thiểu.

Nhiều địa phương có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay cả nước có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm và đời sống. Trong đó, 441 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, với tổng số gần 625.000 lao động. Những ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…

Doanh nghiệp làm gì để
Tỉnh Bắc Ninh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người lao động

Qua tìm hiểu được biết, tình trạng này xảy ra phần lớn ở một số doanh nghiệp phía Nam. Nguyên nhân có thể do thiếu đơn hàng hoặc nguyên vật liệu. Ngoài ra, do biến động về tình hình thế giới, một số nước như Mỹ và một số nước châu Âu có hiện tượng lạm phát, vì thế doanh nghiệp có những đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường này đã chịu ảnh hưởng nhất định.

TS Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - chia sẻ, hiện nay có rất nhiều người lao động thường xuyên thay đổi công ty giữa các khu công nghiệp khác nhau. Phần lớn sự dịch chuyển lao động nằm ở nhóm công nhân có mức lương tối thiểu hoặc dưới mức tối thiểu, ít xảy ra ở nhóm đã có thu nhập ổn định. Khi người lao động thấy lương không thể tăng hoặc công việc không thể phát triển thêm thì họ buộc phải thay đổi để tìm môi trường làm việc tốt hơn, mức lương khá hơn.

Tại thị trường lao động ở Hà Nội, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, hiện chưa ghi nhận phản hồi từ phía các doanh nghiệp về việc cắt giảm lao động. Tuy nhiên về mặt bằng chung, thị trường lao động Hà Nội từ nay đến cuối năm vẫn có những sự sôi động nhất định. Các phiên giao dịch việc làm vẫn được tổ chức đều đặn.

Còn tại Bắc Ninh, nếu như những năm trước, dịp cuối năm là mùa tăng tốc sản xuất, kinh doanh để các doanh nghiệp hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Song năm nay càng về cuối năm, nhiều yếu tố bất lợi như lạm phát, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, nhu cầu thị trường sụt giảm đang tác động mạnh hơn lên cộng đồng doanh nghiệp, từ lĩnh vực sản xuất đến tiêu dùng. Cùng với đó là các yếu tố khác như: Chi phí lưu động cho sản xuất, chuẩn bị nguồn tiền để trang trải lương thưởng dịp cuối năm... cũng là các vấn đề mà doanh nghiệp phải tính toán.

Giải pháp giữ chân người lao động – nhìn từ Bắc Ninh

Đến hết quý III/2022, các khu công nghiệp Bắc Ninh sử dụng tổng 314.644 lao động; trong đó lao động địa phương là 85.843 người, lao động nữ 174.649 người, lao động nước ngoài 6.498 người. So với với quý II/2022, tổng số lao động tại các khu công nghiệp của Bắc Ninh giảm 5.417 người.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh về tình hình đầu tư, phát triển doanh nghiệp tháng 11/2022 trên địa bàn tỉnh - cho thấy, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 19.270 doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 338.937,77 tỷ đồng và 4.941 đơn vị trực thuộc; trong đó số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng 1.340 doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ là 9.588,8 tỷ đồng; số đơn vị trực thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh) đang tạm ngừng kinh doanh là 184 đơn vị.

Để ứng phó với khó khăn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhất là nhóm ngành dệt may, sản xuất giấy bao bì, đồ uống, sản phẩm gỗ… đã điều chỉnh quy mô sản xuất, cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật do chưa có nhiều đơn hàng mới. Đồng thời, nghiên cứu thêm nhóm sản phẩm đặc sắc, có giá trị gia tăng cao hơn để giảm thiểu rủi ro; tập trung khai thác các thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại để hưởng ưu đãi về thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ những quốc gia khác.

Nắm bắt được thực trạng trên, thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh cũng đã thực hiện đồng bộ hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút người lao động.

Tỉnh đã triển khai các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước và hợp tác xã, công nhân, người lao động nhằm điều chỉnh chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ kịp thời tới các cá nhân và tập thể. Đồng thời, đẩy nhanh dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp và công nhân để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với địa phương.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh đã hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh, với tổng số lao động đủ điều kiện được phê duyệt là 163.619 lao động; tổng kinh phí giải ngân hỗ trợ gần 200 tỷ đồng.

Chia sẻ về vấn đề nhiều người lao động bị nghỉ việc, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch Hội đồng cố vấn, Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam; nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho hay, việc các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, nhiều người lao động mất việc là điều cả doanh nghiệp và người lao động đều không mong muốn. Trong trường hợp doanh nghiệp không thể giải quyết được vấn đề việc làm cần phải thực hiện quy trình cắt giảm việc làm, lao động theo đúng quy định của pháp luật.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết