Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giúp doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19

Để các doanh nghiệp vượt khó, phục hồi và phát triển khi dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát, Chính phủ và tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ có tính chất tiếp sức cho doanh nghiệp. Một số cơ chế, chính sách bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực song vẫn còn những bất cập các doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ.

Chia sẻ
 

Sau dịch Covid-19, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đang chờ các doanh nghiệp ở phía trước.

Dù phải hoạt động cầm chừng để duy trì việc làm, ổn định đời sống cho người lao động nhưng từ đầu năm đến nay, mỗi tháng Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu (khu công nghiệp Tiền Hải) vẫn phải chi phí khoảng gần 4 tỷ đồng tiền khí đốt và hơn 1 tỷ đồng tiền điện phục vụ sản xuất. Chi phí sản xuất cao, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực, sáng tạo của tập thể cán bộ, công nhân Công ty và được hưởng một số chính sách hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ nên Công ty từng bước vượt qua khó khăn, chờ đợi cơ hội bứt phá sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. 

Ông Nguyễn Quốc Phòng, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Chúng tôi rất mừng vì trong lúc doanh nghiệp gặp khó khăn, các sở, ngành, đơn vị chức năng đã hướng dẫn thủ tục để hưởng một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay Công ty nhận được hỗ trợ 10% tiền điện và hưởng chính sách miễn, giảm một số loại thuế theo quy định, qua đó giúp doanh nghiệp vơi bớt khó khăn, tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh.

Không riêng Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu, đến nay, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được một số gói trong chính sách hỗ trợ của Chính phủ , qua đó kịp thời động viên và tiếp sức cho doanh nghiệp. 

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Trong các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp, một số gói được triển khai kịp thời, thiết thực như giảm 10% tiền điện; miễn đóng 3 tháng BHXH cho người lao động; miễn, giảm lãi vay, giãn, hoãn thời hạn trả nợ ngân hàng và cho vay mới với lãi suất thấp. Đến nay, ước tính các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đã được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 90.000 tỷ đồng.

Mặc dù có sự tiếp sức kịp thời bằng các cơ chế, chính sách, tuy nhiên có một thực tế là bản thân các cơ chế, chính sách này còn những bất cập, khó triển khai khiến không ít doanh nghiệp còn gặp khó khăn. 

Ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Hành chính Công ty TNHH Hưng Cúc (xã Đông Xuân, Đông Hưng) cho biết: Theo quy định, để được hưởng chế độ hỗ trợ thất nghiệp, doanh nghiệp phải có 50% số lao động nghỉ việc và 50% tài sản của doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Để chứng minh những tiêu chí này rất khó và mất rất nhiều thời gian, cho nên đến nay đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được hưởng.

Còn ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh Đại Nghĩa (xã Đông Hoàng, Tiền Hải) cho biết: Sự bất cập của chính sách ở chỗ quy định doanh nghiệp phải có 50 lao động trở lên mới được hưởng chế độ hỗ trợ. Trong khi đó, Công ty của chúng tôi đầu tư rất nhiều máy móc, công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, nhu cầu sử dụng lao động chỉ có 20 người nên không được hưởng hỗ trợ là  chưa hợp lý.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trong nước đã được kiểm soát, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại, tuy nhiên rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp vẫn phải đối mặt: không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; áp lực tài chính để trả tiền lương, trả bảo hiểm xã hội và các chi phí khác cho người lao động, trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng, các chi phí đầu vào như điện, nước, nguyên liệu... 

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã có nhưng quá trình thực hiện vẫn còn những bất cập bởi nhiều điều kiện chưa hợp lý hoặc chưa sát nhu cầu thực tiễn, quy trình thủ tục còn phức tạp, mất nhiều thời gian. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh sớm có cơ chế, chính sách mới thiết thực, thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; giảm các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Và để chính sách thực sự là chiếc phao cứu sinh giúp doanh nghiệp khỏi “chết đuối” do dịch Covid-19 gây ra thì các cơ chế, chính sách cần được ban hành kịp thời hơn, được thực thi nhanh, minh bạch và thuận tiện, tạo động lực để các doanh nghiệp vươn lên.

Khắc Duẩn
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật