Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm 2025, tiếp tục đưa thị trường nội địa trở thành 'tuyến phòng ngự' vững chắc

Năm 2025, Bộ Công Thương xác định sẽ tiếp tục nỗ lực để thị trường nội địa giữ đà tăng trưởng, trở thành "tuyến phòng ngự" vững chắc cho kinh tế vĩ mô.

Thị trường nội địa phát huy vai trò quan trọng

Để cân đối cung cầu hàng hóa trong nước tại thị trường nội địa, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giả; phối hợp với các đơn vị truyền thông cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình giá cả thị trường, các điểm bán hàng bình ổn, tình hình nguồn cung... để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

Năm 2025, tiếp tục đưa thị trường nội địa trở thành 'tuyến phòng ngự' vững chắc

Thị trường nội địa có vai trò quan trọng với tăng trưởng kinh tế vĩ mô

Bộ Công Thương cũng phối hợp với các Sở Công Thương, hiệp hội, ngành hàng thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản đã chỉ đạo nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của các tỉnh trên địa cả nước, triển khai các hoạt động hỗ trợ thu mua, chế biển để tiêu thụ các mặt hàng nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn đang và sắp vào vụ thu hoạch, đẩy mạnh công tác hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước...

Bộ đã phê duyệt Quyết định số 740/QĐ-BCT về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động năm 2024 và ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2023; Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030"; triển khai việc hỗ trợ xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại một số địa phương theo Chương trình OCOP...

Về các giải pháp cụ thể, trong Quý I/2024, nhằm bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị khá chu đảo và sớm, cùng với đó thời tiết thuận lợi đã hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung hàng thực phẩm dồi dào, đa dạng nên đã giữ giá hàng hóa thực phẩm những ngày cận Tết tương đối ổn định.

Trong quý III, một số địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng của bão, lũ (cơn bão số 3) gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhiều khu vực bị ngập lụt, chia cắt, gây khó khăn trong việc cung ứng hàng hóa. Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, địa phương đã tập trung chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương, các doanh nghiệp phân phối lớn triển khai công tác dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bảo đảm đời sống cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng kịp thời thông tin đến người dân về tình hình dự trữ, cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối, góp phần tạo tâm lý ổn định cho thị trường.

Kết quả là, thị trường hàng hóa trong nước cơ bản giữ vững ổn định, cung cầu hàng hóa được giữ vững, mặt hàng thiết yếu khác, nguồn cung ổn định nên giá không có biến động lớn, một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá biến động theo giá thế giới như xăng dầu, LPG, qua đó, có đóng góp quan trọng thực hiện mục tiêu đóng góp tích cực cho kinh tế vĩ mô giữ đà tăng trưởng.

Đối với doanh nghiệp, thị trường trong nước tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong tăng trưởng. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Thế Nhu – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 – CTCP cho biết, giai đoạn 2023-2024, May 10 đã triển khai nhiều dự án lớn phục vụ thị trường nội địa như chuỗi trung tâm thời trang May 10 Centurion, hệ thống cửa hàng tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh… Dự kiến năm 2024 May 10 sẽ mở thêm 10 hệ thống bán lẻ, cửa hàng trên toàn quốc.

Tại thị trường trong nước, May 10 được đánh giá là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong mảng thời trang công sở tại Việt Nam (được nhiều cơ quan, ban ngành cán bộ, nhân viên văn phòng sử dụng) với đa dạng các dòng sản phẩm, hơn thế kênh đáp ứng nhu cầu cá thể hóa, dịch vụ May đo veston cao cấp của May 10 hiện khá thành công ở phân khúc cao cấp cho chính khách, doanh nhân thành đạt… Những năm qua doanh thu của Tổng Công ty luôn có sự tăng trưởng trung bình trên 10% so với kế hoạch, thực tế này cho thấy chiến lược chinh phục thị trường nội địa của May 10 đang đi đúng hướng.

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng chia sẻ, sản xuất lốp là ngành có đặc thù riêng nên để chinh phục thị trường nội địa, DRC đã đẩy mạnh hợp tác đầu tư và cải tiến công nghệ để đảm bảo sản phẩm của mình phục vụ được thị trường. Bên cạnh đó, nỗ lực tiết giảm chi phí để sản phẩm có thể hài hoà giữa quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì thế, những năm qua, DRC liên tục được khách hàng tin tưởng, lựa chọn và liên tục qua các năm, tốc độ phát triển của DRC rất tốt.

Đến hiện nay, sản phẩm của DRC ngoài cung cấp nội địa còn cung cấp đến gần 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có những quốc gia rất khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nam Mỹ. Hiện thị phần tại thị trường trong nước của sản phẩm vào khoảng 30%, 70% cho xuất khẩu.

Tiếp tục đưa thị trường nội địa thành “trụ đỡ” vững chắc

Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 20/11/2024 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Năm 2025, Bộ Công Thương xác định sẽ tiếp tục nỗ lực đưa tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm 2024.

Để đạt mục tiêu này, về phát triển thương mại nội địa, Bộ Công Thương xác định tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa nhất là trong các dịp cáo điểm Lễ, Tết, làm tiền dễ triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước như: Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2023; Tiếp tục triển khai việc hỗ trợ xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại một số địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP...

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ, để thị trường trong nước tiếp tục trở thành “bệ đỡ” vững chắc, cần đưa ra các chương trình phối hợp từ quốc gia, đến địa phương, đến các hiệp hội doanh nghiệp để xây dựng bằng được các thương hiệu lớn, chinh phục người tiêu dùng không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Đồng thời, có chính sách bảo vệ thương hiệu Việt bằng cách ngăn chặn hàng lậu, cạnh tranh không lành mạnh, gian lận xuất xứ; xây dựng hàng rào kỹ thuật nâng cao chất lượng hàng Việt, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường quốc tế. Cộng với cơ chế tài chính, thị trường, quảng bá thương hiệu, xử lý tranh chấp sẽ tạo ra hệ thống đồng bộ nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt, thúc đẩy tăng trưởng thị trường nội địa.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết