Ngân hàng tham vọng chia lại thị phần bảo hiểm
Nhiều ngân hàng đang chuyển dịch từ mô hình bancassurance hợp tác chiến lược sang tự thành lập và sở hữu các công ty bảo hiểm, với kỳ vọng bảo hiểm sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới, không chỉ cho ngắn hạn mà còn mang lại nguồn thu bền vững trong dài hạn.
Trước nhiều dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm, một số ngân hàng tiếp tục thể hiện tham vọng mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm.
Hướng đi mới ngày càng rõ nét
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố việc Bộ Tài chính đã cấp giấy phép cho Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ thương (TCLife).
Trước đó, vào tháng 10/2024, Techcombank cũng thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TCGIns) - trở thành thành viên thứ 31 của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Doanh nghiệp này cung cấp các sản phẩm như bảo hiểm tài sản; bảo hiểm các lĩnh vực hàng hóa vận chuyển, hàng không, xe cơ giới và các loại nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe...
Hiện, Techcombank góp 80% vốn (1.040 tỷ đồng) vào TCLife, phần còn lại thuộc các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vingroup. Còn với TCGIns, Techcombank đang nắm giữ 68% cổ phần.
Không chỉ Techcombank, năm nay, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng dự kiến thành lập công ty con về bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Trong khi PGBank cũng có kế hoạch góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đa dạng hóa nguồn thu và tăng cường kết nối dịch vụ trong hệ sinh thái khách hàng.
Năm nay, VPBank dự kiến thành lập công ty con về bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. |
Nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam cũng đã và đang sở hữu cổ phần chi phối tại các công ty bảo hiểm. Điển hình như Agribank hiện nắm giữ hơn 52% tại Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC); MB sở hữu 68,37% tại Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC); BIDV là cổ đông lớn của BIC, đồng thời thành lập liên doanh BIDV MetLife. VietinBank cũng sáng lập Tổng Công ty Bảo hiểm VietinBank (VBI) từ nguồn vốn nội bộ.
Việc các ngân hàng chuyển hướng từ hợp tác chiến lược sang làm chủ các công ty bảo hiểm cũng nhằm hoàn thiện, tiếp tục mở rộng hệ sinh thái tài chính và giúp tăng nguồn thu ngoài lãi. Bởi việc sở hữu các doanh nghiệp bảo hiểm giúp ngân hàng có thể làm chủ toàn bộ hành trình, từ “may đo” các sản phẩm phù hợp với các phân khúc khách hàng mục tiêu; đến tận dụng thế mạnh về công nghệ số và dữ liệu để số hóa toàn bộ hành trình bảo hiểm. Qua đó, các sản phẩm bảo hiểm được tích hợp vào đời sống hàng ngày và các hành trình trải nghiệm trong hệ sinh thái dành cho cả khách hàng cá nhân lẫn khách hàng doanh nghiệp.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ là mảnh ghép không thể thiếu của tập đoàn tài chính.
Trước đó, Techcombank từng có hơn một thập kỷ hợp tác chiến lược với Manulife trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, mang lại nguồn thu đáng kể từ hoa hồng và phí trả trước. Tuy nhiên, thay đổi trong mô hình phân phối bảo hiểm, cùng với những vấn đề phát sinh liên quan đến chất lượng tư vấn, đã khiến nguồn thu này suy giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Đến tháng 10/2024, Techcombank quyết định chấm dứt hợp tác độc quyền với Manulife và hoàn tất việc hoàn trả 1.800 tỷ đồng để kết thúc thỏa thuận phân phối bảo hiểm. Động thái này được xem là bước đi dứt khoát, thể hiện định hướng chiến lược mới của ngân hàng nhằm chủ động phát triển mảng bảo hiểm, thay vì tiếp tục phụ thuộc vào một đối tác bên ngoài.
Kỳ vọng bứt tốc trong dài hạn
Mới đây, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân, ban lãnh đạo Techcombank nhận định thị trường bảo hiểm Việt Nam, dù đối mặt nhiều thách thức trong 2-3 năm trở lại đây, vẫn là lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển.
Cơ cấu dân số vàng, với hơn 50% dân số trong độ tuổi lao động, tỷ lệ dân số đang được bảo vệ bởi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tương đối thấp (1,2% GDP). Đồng thời, kinh tế Việt Nam đang phục hồi với tăng trưởng GDP năm 2024 đạt khoảng 7,09 % và tăng trưởng GDP năm 2025 dự báo đạt 8%. Tỷ lệ phí bảo hiểm nhân thọ trên GDP thấp so với các quốc gia đang phát triển (1,2% so với 2,9%), và dự báo đạt 1,5% vào năm 2030.
Minh chứng rõ ràng nhất sau giai đoạn tái cấu trúc lại thị trường là trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường bảo hiểm nhân thọ đang có những dấu hiệu khởi sắc. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường ước đạt hơn 72.094 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó phí khai thác mới đạt 13.048 tỷ đồng, tăng 8,6%. Số lượng hợp đồng đang có hiệu lực cũng đạt mức 11,7 triệu hợp đồng. Những con số này cho thấy niềm tin của người dân vào giá trị bảo vệ dài hạn của bảo hiểm nhân thọ đang trở lại, bất chấp những biến động từ thị trường hay tâm lý tiêu dùng.
Nắm bắt cơ hội này, việc tái cấu trúc và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bảo hiểm được các ngân hàng xem là cơ hội để nâng cao tính chủ động, phát triển các sản phẩm sát nhu cầu khách hàng và tối ưu hiệu quả kinh doanh trong dài hạn.
Ban lãnh đạo Techcombank đặt kỳ vọng TCLife sẽ bắt đầu có lãi từ năm thứ ba với lợi nhuận ròng 605 tỷ đồng. Sau 6 năm, ngân hàng kỳ vọng thu về 1.195 tỷ đồng lợi nhuận, tương ứng tỷ suất sinh lời 23,4%.
Đặc biệt, theo quy định tại Nghị định 46/2023 của Chính phủ và Thông tư 67/2023 của Bộ Tài chính, từ ngày 1/7, các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư sẽ được chuẩn hóa về cấu trúc đã mang lại lợi ích rõ ràng cho khách hàng, đồng thời mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam phân tích, với quy định mới, quyền lợi chính tập trung vào tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn, còn các quyền lợi bổ sung như bệnh hiểm nghèo, tai nạn, viện phí... được tách thành các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ. Sự thay đổi này mang lại lợi ích rõ ràng cho khách hàng. Với khách hàng, sản phẩm sẽ đơn giản, dễ hiểu hơn. Việc bóc tách giúp người mua chủ động lựa chọn và thiết kế gói bảo vệ tài chính phù hợp nhất với nhu cầu, độ tuổi, khả năng chi trả và mục tiêu cá nhân.
Còn với doanh nghiệp bảo hiểm, đây là cơ hội để tái cấu trúc danh mục sản phẩm theo hướng tinh gọn, chuẩn mực, dễ truyền thông và gia tăng hiệu quả tư vấn. Từ đầu năm nay, Hiệp hội chứng kiến sự vào cuộc rất tích cực từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, hầu như tất cả đều giới thiệu ra thị trường các sản phẩm tuân thủ quy định mới, đồng thời chú trọng hơn vào thiết kế trải nghiệm khách hàng, tăng quyền lợi rõ ràng, minh bạch hơn.
Thanh Hoa