‘Trao cần câu’ tạo sinh kế bền vững cho người dân Sông Kôn sau sáp nhập
“Trao cần câu chứ đừng cho con cá”, những mô hình kinh tế phù hợp được kỳ vọng sẽ tạo sinh kế bền vững cho người dân, bà con dân tộc thiểu số ở xã mới Sông Kôn (Tp. Đà Nẵng) - được sáp nhập từ các xã cũ là A Ting, Jơ Ngây và Sông Kôn thuộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam trước đây.
Đơn cử như việc bà con dân tộc Cơ Tu ở xã Jơ Ngây (cũ) đã nhận được những cây giống dược liệu từ sự hỗ trợ của một câu lạc bộ khởi nghiệp kinh tế nhằm gieo trồng với kỳ vọng ươm mầm sinh kế bền vững.
“Trao cần câu chứ đừng cho cá”
Theo đó, gần 1.000 cây giống được trao cho bà con Cơ Tu có hoàn cảnh khó khăn ở 3 thôn (Ra Nuối, Ra Đung và Ra Lang) của xã Jơ Ngây (cũ) trồng trong những mảnh vườn rừng của gia đình. Các tình nguyện viên còn hướng dẫn chi tiết cho bà con về kỹ thuật trồng, cách chăm sóc…
Mô hình hỗ trợ trồng cây dược liệu đang giúp cải thiện sinh kế cho người dân Sông Kôn. |
Việc tặng các cây giống dược liệu cho bà con xuất phát từ giá trị lâu dài của việc “trao cần câu chứ đừng cho con cá”. Nhất là địa bàn Jơ Ngây (cũ) có diện tích đất rừng tương đối lớn, song người dân chỉ trồng keo và trồng lúa với thu nhập bấp bênh.
Như lâu nay, việc trồng keo của bà con nơi đây khá khó khăn và đòi hỏi nhiều sức lao động, đất trồng keo cũng sẽ dần bị xói mòn và “nghèo” chất dinh dưỡng. Sau mỗi vụ, người dân phải đốt rẫy để chuẩn bị cho một mùa vụ mới, gây ô nhiễm.
Vì vậy, các tình nguyện viên nghĩ đến cây dược liệu, lợi ích kinh tế chắc chắn sẽ cao hơn, vừa có thể giữ đất, giữ rừng, vừa duy trì và phát triển nguồn gen dược liệu bản địa ở Jơ Ngây. Hơn nữa, với hai giống cây dược liệu ba kích và nghệ đen, hy vọng trong tương lai, bà con nơi đây sẽ có được sinh kế bền vững, cuộc sống khấm khá, đủ đầy hơn từ những vườn dược liệu.
Ngoài ra, các tình nguyện viên cũng gợi mở cho bà con ở Jơ Ngây trong việc chế biến dược liệu ở dạng bán thành phẩm sẽ thu lợi nhuận cao hơn so với việc bán nguyên liệu thô, cũng như cách phát triển kinh tế từ nông nghiệp, đặc biệt là cây dược liệu bản địa…
Bên cạnh mô hình nêu trên, ở địa bàn Jơ Ngây (cũ), người dân còn phát triển mô hình kinh tế vườn, cải tạo vườn với các loại có giá trị như bưởi da xanh, sầu riêng, mít, măng cụt…
Mặt khác, chính quyền địa phương cũng tổ chức cho bà con tham gia tập huấn mô hình trồng rừng gỗ lớn cây lim xanh. Đây được xem là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân tại vùng miền núi như Jơ Ngây.
Cây lim xanh là cây trồng bản địa, sinh trưởng phát triển tốt và có giá trị kinh tế cao. Gỗ lim và các sản phẩm phụ từ cây lim (nấm lim) có giá trị sử dụng cao. Hiện nay, bà con đang có nhu cầu trồng rừng gỗ lớn, nhưng chưa nhận định được trồng loài cây nào cho hợp với thổ nhưỡng địa phương, việc nắm bắt kỹ thuật trồng rừng chưa thật sự bài bản.
Kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế
Xuất phát từ đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam trước đây đã chọn xã Jơ Ngây (cũ) xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn cây lim xanh. Bởi vì đây là một trong những nơi có khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp cho cây lim xanh sinh trưởng và phát triển.
![]() |
Vùng đất Sông Kôn có khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp cho việc phát triển kinh tế dược liệu dưới tán rừng. |
Và các hộ nông dân đã tham gia đông đủ các đợt tập huấn như vậy. Họ rất quyết tâm tham gia học tập kỹ thuật để phục vụ việc trồng, chăm sóc rừng trồng gỗ lớn cho hiệu quả cao nhất và phát huy thế mạnh sẵn có về trồng rừng để phát triển kinh tế địa phương miền núi.
Quy mô triển khai mô hình tạ Jơ Ngây là 5 ha/1 điểm/4 hộ tham gia. Triển vọng mô hình trồng rừng gỗ lớn cây lim xanh được người dân quan tâm hưởng ứng, mong muốn được Nhà nước hỗ trợ để mô hình thực hiện đạt kết quả.
Mô hình được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, đạt được mục tiêu giúp người trồng rừng thoát nghèo, thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, mô hình còn đem lại hiệu quả cho môi trường, phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn, giảm thiểu tình trạng sạt lở.
Ngoài các mô hình “trao cần câu” như kể trên, phải kể thêm đến mô hình phát triển nghề truyền thống kết hợp du lịch cộng đồng ở địa bàn xã Sông Kôn (cũ), từ đó giúp cải thiện sinh kế cho người dân, bà con dân tộc thiểu số tại địa phương.
Trong đó, nổi bật phải kể đến Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan Sông Kôn ở thôn Bhờ Hôồng thuộc xã Sông Kôn (cũ). Đây là là mô hình kinh tế hợp tác điển hình giúp tạo công ăn việc làm cho đồng bào Cơ Tu.
Tổ hợp tác hiện có 32 thành viên, được thành lập trên cơ sở tập hợp các nghệ nhân đan lát của đồng bào Cơ Tu địa phương. Một thành viên Tổ hợp tác là chị Aral Thị Múc cho hay, sản phẩm của Tổ hợp tác làm ra chủ yếu trưng bày, bán cho khách du lịch, tham gia các hội chợ, triển lãm. Hằng tuần, thành viên trong tổ phân công nhiệm vụ như lên rừng lấy mây, chẻ mây, vót, tuốt, đan, nhuộm màu, phơi khô…
Và thông qua việc “trao cần câu” từ sự hỗ trợ của một dự án bảo vệ rừng bền vững và đa dạng sinh học, bà con thành viên trong Tổ hợp tác này được hỗ trợ học nghề, thiết kế nhiều sản phẩm đa dạng, hỗ trợ một số dụng cụ thô sơ phục vụ đan lát.
Trước đây, do còn ít đầu mối nên thỉnh thoảng Tổ hợp tác mới có các đơn hàng nhỏ lẻ, vẫn gặp khó trong việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm. Một phần do các công đoạn tạo ra sản phẩm mây tre đan phức tạp và tốn nhiều thời gian nên Tổ hợp tác cũng không dám ký kết hợp đồng vì sợ không đủ sản phẩm để giao theo đơn hàng.
Kết hợp nghề truyền thống với du lịch cộng đồng
Thời gian sau này, từ sự kết nối giao thương, hỗ trợ của một số tổ chức, cá nhân, cũng như sự quan tâm hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trước đây (nay là Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng) đã giúp cho sản phẩm của Tổ hợp tác được nhiều người biết đến, đầu ra cũng dần dần tăng lên, giúp cho các thành viên cải thiện thu nhập.
![]() |
Kết hợp giữa nghề truyền thống với du lịch cộng đồng giúp cải thiện thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Sông Kôn. |
Và một trong những giải pháp để cải thiện đầu ra của sản phẩm là việc Tổ hợp tác kết hợp với mô hình du lịch cộng đồng ở làng Bhờ Hôồng - nơi đang có khoảng 600 người dân tộc Cơ Tu sinh sống chủ yếu bằng nghề dệt thổ cẩm truyền thống và đan lát mây tre.
Việc phát triển kinh tế hợp tác thông qua mô hình kết hợp giữa nghề truyền thống và du lịch cộng đồng của bà con dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ, hỗ trợ lớn từ Liên minh HTX Việt Nam. Chính vì vậy, các đơn vị trực thuộc cơ quan này cùng với Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ để bà con dân tộc thiểu số cải thiện sinh kế.
Nhất là tổ chức tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho bà con vừa gìn giữ nghề truyền thống và vừa phát triển loại hình sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó là việc xây dựng tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực khi kết hợp cùng du lịch để cải thiện đầu ra. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho bà con về các kỹ năng thực hành, thuyết minh, văn hóa, thái độ khi tiếp xúc với khách du lịch.
Nhờ đó mà Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan Sông Kôn đã có những bước phát triển nhất định, không chỉ tạo ra nhiều việc làm mà còn giúp làng Bhờ Hôồng thúc đẩy du lịch cộng đồng. Đặc biệt là khách du lịch nước ngoài rất thích và mua nhiều sản phẩm mây tre đan truyền thống của làng du lịch làm quà lưu niệm. Và đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây đã cải thiện hơn, lượng khách du lịch đến với làng Bhờ Hôồng ngày một đông.
Thanh Loan