Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp

Đồng Tháp đang nổi lên là một trong những địa phương tiên phong trong hành trình xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Với tầm nhìn chiến lược, Đồng Tháp không chỉ tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà còn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất, chuyển đổi số và đặc biệt là phát huy vai trò trung tâm của HTX trong phát triển nông thôn mới bền vững.

Chuyển mình từ tái cơ cấu nông nghiệp

Giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp kiên định thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp thông minh, chuyên sâu, thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Nét nổi bật trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp chính là việc tổ chức lại sản xuất thông qua các mô hình kinh tế hợp tác, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung và liên kết chặt chẽ giữa HTX, doanh nghiệp và nông dân. Đây cũng là những yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

-5706-1753173031.jpg

Đồng Tháp là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Từ những vùng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hiện nay, tỉnh đã từng bước hoàn thiện các vùng nguyên liệu cho các ngành hàng chủ lực như lúa, xoài, nhãn, chanh, cá tra… theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Trong đó, HTX với nền tảng về khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất bài bản, trở thành “trạm trung chuyển” kết nối các bên trong chuỗi giá trị, đồng thời là đầu mối triển khai mô hình sản xuất bền vững và nông nghiệp sinh thái.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng ít nhất một vùng sản xuất nông nghiệp thông minh, gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ. Việc hình thành mô hình liên kết chuỗi giữa HTX - doanh nghiệp - nông dân không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cao mà còn đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trên địa bàn huyện Tháp Mười (cũ), HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, nay thuộc xã Mỹ Quí) đang là một điển hình tiêu biểu trong việc thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Số hóa nông nghiệp – bệ phóng cho phát triển

Ngay từ vụ thu đông năm 2024, HTX đã triển khai mô hình thí điểm với 50ha lúa liền vùng của 24 hộ dân, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, từ ghi nhật ký sản xuất, tham gia tập huấn đến không đốt rơm rạ.

Đặc biệt, HTX đã cơ giới hóa toàn bộ các khâu canh tác, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ môi trường. Những thành công trong sản xuất giúp HTX trở thành một trong những điểm sáng đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Mỹ Đông trước đây.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Sau khi đánh giá hiệu quả mô hình thí điểm, chúng tôi sẽ vận động toàn bộ thành viên, mở rộng mô hình ra hơn 440ha. Đây không chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật mà còn là thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân”.

Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương của tỉnh Đồng Tháp, hàng trăm HTX nông nghiệp đang đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thị trường và ứng dụng công nghệ vào từng khâu sản xuất.

Song hành với cơ cấu lại sản xuất, Đồng Tháp cũng là một trong những địa phương dẫn đầu trong chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiện đại, bản sắc. Toàn bộ dữ liệu sản xuất nông nghiệp từ tỉnh đến xã đã được số hóa, tích hợp vào hệ thống điều hành và ra quyết định. Các HTX cũng tích cực áp dụng công nghệ IoT, truy xuất nguồn gốc và giao dịch điện tử.

-9110-1753173032.jpg

Thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp.

Đến hết năm 2024, tất cả thủ tục hành chính ngành nông nghiệp đủ điều kiện sẽ được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Ứng dụng công nghệ vào quản lý cây trồng, vật nuôi, thủy sản, phòng chống thiên tai, dịch bệnh… giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro.

Hệ thống “Phần mềm số hóa OCOP” cũng được tỉnh triển khai hiệu quả, từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến đánh giá, xếp hạng sản phẩm, góp phần thúc đẩy các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, các HTX Đồng Tháp còn nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp.

Thông qua các chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ tín dụng, xúc tiến thương mại..., Liên minh HTX đã giúp các HTX nâng cao năng lực quản lý, phát triển sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Các hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp không chỉ dừng lại ở hỗ trợ kỹ thuật mà còn khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, giúp nông dân tận dụng phế phẩm nông nghiệp vào chế biến phân bón, thức ăn chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và gia tăng thu nhập.

Một ví dụ là sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong tổ chức hội nghị phổ biến mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang mô hình bền vững, tiết kiệm và thân thiện với môi trường.

Thực tế chỉ ra, xây dựng nông thôn mới không đơn thuần là hoàn thiện hạ tầng, mà là sự thay đổi toàn diện về đời sống, thu nhập, môi trường và văn hóa nông thôn.

Tại Đồng Tháp, những vùng quê trước đây còn nghèo khó, giờ đây đã khoác lên mình diện mạo mới cùng quá trình xây dựng nông thôn mới, với đường làng khang trang, nhà cửa kiên cố, mô hình kinh tế đa dạng và bền vững.

Đến nay, Đồng Tháp đã có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó HTX đóng vai trò hạt nhân trong tổ chức lại sản xuất và kết nối thị trường. Người dân không chỉ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại mà còn dần làm chủ công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất và tham gia vào các chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Tầm nhìn đến năm 2045, Đồng Tháp sẽ trở thành tỉnh có nền nông nghiệp hiện đại, với cơ cấu kinh tế hợp lý, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, logistics nông sản và kinh tế cửa khẩu.

Từ những vùng đất thuần nông còn nhiều khó khăn, không ít địa phương của tỉnh Đồng Tháp đã vươn lên thành địa phương đi đầu trong chuyển đổi mô hình nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, với HTX làm nòng cốt, nông dân là trung tâm và công nghệ là động lực.

Quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh không chỉ là câu chuyện nhỏ lẻ, cục bộ, mà là minh chứng cho thấy khi người dân được trao cơ hội, tổ chức sản xuất được đổi mới và chính sách đồng hành hiệu quả, các vùng nông thôn nghèo khó cũng có thể chuyển mình, giàu có và đáng sống.

Đông Phong


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết