Liệu có hình thành xu hướng lãi suất mới?
Từ đầu tháng 7 đến nay, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, trong khi phần lớn vẫn duy trì mức lãi suất cũ hoặc giảm nhẹ. Liệu có xuất hiện xu hướng mới với cả lãi suất tiền gửi và cho vay trong thời gian tới?
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, từ đầu tháng 7/2025, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn 1 - 36 tháng với mức tăng 0,1 - 0,2%/năm. Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi trong tháng 7.
Tăng, giảm trái chiều
Ngày 22/7, NHNN cho biết, từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các NHTM nhìn chung duy trì ổn định, trong đó một số ngân hàng đã tiến hành điều chỉnh giảm nhẹ.
Đáng chú ý, kể từ đầu tháng 7 đến nay, một số NHTM đã tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi. Cụ thể, BacABank hạ 0,1 điểm phần trăm đối với tất cả các kỳ hạn và loại hình tiền gửi; VIB giảm 0,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng đối với các khoản tiền gửi tại quầy từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng; Bao Viet Bank giảm từ 0,15 đến 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 đến 13 tháng.
Trước đó, một số ngân hàng cũng đã giảm lãi suất tiền gửi. Chẳng hạn, LPBank điều chỉnh giảm 0,2%/năm với các khoản gửi trực tuyến kỳ hạn từ 18 đến 60 tháng; NCB giảm 0,1%/năm tùy theo kỳ hạn gửi.
Dù lãi suất huy động ở mức thấp, nhưng không làm giảm “sức hút” của kênh tiền gửi. |
Ngược lại, khảo sát thị trường cho thấy, Ngân hàng Thương mại TNHH Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo) mới đây đã tăng lãi suất huy động thêm 0,2%/năm áp dụng với tiền gửi các kỳ hạn từ 1 - 7 tháng.
Trong khi đó, VPBank tăng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn 1 - 36 tháng với mức tăng 0,1%/năm; Techcombank tăng từ 0,1 - 0,2%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn 1 - 36 tháng...
Ngoài ra, một số ngân hàng còn áp dụng các chương trình ưu đãi, tặng thêm lãi suất cho người gửi tiền, đưa lãi suất huy động cao nhất gần chạm mốc 6%/năm.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng dao động chủ yếu từ 4,6 - 6%/năm. Một số ngân hàng niêm yết lãi suất huy động rất cao, lên tới 9,65%/năm nhưng với điều kiện là khách hàng phải có số tiền gửi lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo cập nhật vĩ mô của Công ty Chứng khoán VNDirect, tính đến ngày 11/7/2025, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các NHTM tăng nhẹ lên 4,78%/năm, tăng 0,01 điểm % so với cuối tháng 6, song vẫn thấp hơn 0,08 điểm % so với hồi đầu năm .
VNDirect cho rằng, mức nhích tăng này, đặc biệt tại các ngân hàng tư nhân, phản ánh áp lực thanh khoản gia tăng vào cuối tháng 6/2025, khi nhu cầu tín dụng dồi dào (tín dụng tăng 9,9% so với đầu năm - mức tăng cao nhất kể từ năm 2022).
Sự phục hồi của nền kinh tế, nhiều đơn hàng đã được ký kết và trả cho khách hàng lớn cũng kéo theo nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng để cho doanh nghiệp vay, từ đó khiến một số nhà băng tăng lãi suất huy động. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn theo sự ấm lên của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2025 trước những động lực chính: Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng gần đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng tích cực của ngành sản xuất và hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới; thị trường bất động sản khởi sắc; nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh…
Đáng chú ý, dù mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp, nhưng không làm giảm “sức hút” của kênh tiền gửi. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư vẫn tăng trưởng 15 tháng liên tiếp và chính thức vượt mốc 15 triệu tỷ trong tháng 4/2025. "Một trong những nguyên nhân khiến người dân vẫn đổ tiền gửi vào ngân hàng dù lãi suất thấp là so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, bất động sản, tiền kỹ thuật số… thì gửi tiết kiệm vẫn luôn có ưu thế về tính an toàn, ít biến động mạnh", TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng phân tích.
Do đó, thời gian tới, để huy động thêm vốn, các chuyên gia dự báo ngân hàng sẽ tăng lãi suất.
Lãi suất cho vay ra sao?
NHNN cho biết, song song với xu hướng giảm của lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng tiếp tục đi xuống kể từ đầu năm. Tính đến nay, lãi suất cho vay bình quân mới ở mức 6,23%/năm, giảm 0,7 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Diễn biến này được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Theo nhận định của các chuyên gia, lãi suất cho vay ở mức thấp nhờ thị trường huy động ổn định. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo, mặc dù mặt bằng lãi suất tiền gửi đã có dấu hiệu ổn định, nhưng đây chưa phải là mức thấp nhất và vẫn còn dư địa để giảm thêm trong quý III/2025.
Tuy nhiên, đến quý IV/2025, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ khi tăng trưởng tín dụng thường có xu hướng tăng mạnh về cuối năm trong bối cảnh nhu cầu tín dụng gia tăng. MBS kỳ vọng lãi suất kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ dao động quanh mức 4,7% trong năm nay.
Ở góc nhìn vĩ mô, báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, NHNN sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng một cách có kiểm soát. Cơ quan điều hành được dự báo sẽ tiếp tục cung ứng thanh khoản thông qua thị trường mở, mở rộng cho vay tái cấp vốn với các ngân hàng đang tham gia tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém (ngân hàng 0 đồng). Trong thời gian tới, không loại trừ khả năng trần tín dụng sẽ được dỡ bỏ.
Ngoài ra, NHNN cũng sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng triển khai các gói cho vay ưu đãi nhằm định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo mục tiêu chính sách.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 vào ngày 16/7/2025, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất điều hành ở mức thấp nhằm định hướng giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn.
NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và triển khai các giải pháp khác nhằm nỗ lực giảm lãi suất cho vay.
Huyền Anh