Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng tầm vóc bản làng: Lạng Sơn bền bỉ chăm sóc sức khỏe vùng cao.

Lạng Sơn đang từng bước thu hẹp khoảng cách y tế giữa vùng cao và đô thị, khơi mở hành trình chăm sóc sức khỏe bền vững, nhân văn và sát thực tiễn.

Từ thôn bản đến trạm y tế: Chuyển động từ lòng dân

Vùng đất Lạng Sơn – nơi rẻo cao biên cương quy tụ đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông… từng mang nhiều trăn trở về công tác chăm sóc sức khỏe. Không hiếm hình ảnh người mẹ gùi con vượt dốc, băng rừng hàng chục cây số chỉ để tiêm phòng, khám thai, đo huyết áp định kỳ. Trẻ em suy dinh dưỡng, người già thiếu thuốc, bà mẹ chưa từng nghe về vitamin A hay khẩu phần cân đối, đó từng là một phần hiện thực dai dẳng.

Nhưng hôm nay, bức tranh ấy đang dần được vẽ lại khi Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được triển khai.

Trong đó, Dự án 7 nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua việc phát triển mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường khám chữa bệnh, phòng chống dịch và cải thiện dinh dưỡng cộng đồng. Dự án hỗ trợ đào tạo, luân chuyển bác sĩ về vùng khó, đầu tư trang thiết bị y tế, tổ chức khám bệnh lưu động, chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, và truyền thông nâng cao nhận thức phòng bệnh. Đây là giải pháp then chốt để rút ngắn khoảng cách y tế giữa miền núi và đồng bằng.

Thực hiện Dự án 7 trong chương trình tại Lạng Sơn đã mang lại những kết quả tích cực. Theo Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, đến giữa năm 2025, 100% trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia, 83% xã có bác sĩ công tác lâu dài, 97% xã có y sĩ sản - nhi. Gần 80% cán bộ được tập huấn là người dân tộc thiểu số, những “cầu nối mềm” giàu thấu cảm, giúp đồng bào tiếp cận dịch vụ y tế không còn rào cản ngôn ngữ hay văn hóa.

Trung tâm y tế khu vực Đình Lập, Lạng Sơn thực hiện công tác khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Trung tâm y tế khu vực Đình Lập, Lạng Sơn thực hiện công tác khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, mô hình bác sĩ luân chuyển về xã, tổ chức khám bệnh lưu động đã làm nên những thay đổi thiết thực. Tại xã Quốc Khánh, điểm vùng sâu từng khó tiếp cận y tế bà con giờ đây không còn phải vác con xuống trung tâm giữa đêm. Khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn mọi dịch vụ giờ đã có ngay tại trạm y tế xã.

Không dừng ở chăm chữa, Lạng Sơn còn tập trung vào “chữa từ gốc” bằng các chiến dịch truyền thông cộng đồng. Hơn 12.000 buổi truyền thông đã được tổ chức, thu hút trên 300.000 lượt người tham gia, gần 1 triệu lượt tư vấn tại hộ gia đình. Chủ đề không chỉ là bệnh tật, mà đi vào tận gốc rễ: dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, chăm sóc thai kỳ, phòng suy dinh dưỡng, phòng bệnh truyền nhiễm…

“Ngày trước cứ nghĩ con biếng ăn là do vía xấu. Giờ thì biết cháo phải đủ chất, uống vitamin A đúng kỳ, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ nhỏ”, chị Nông Lâm Mai xã Quốc Khánh chia sẻ một minh chứng rõ nét cho sự thay đổi trong tư duy của người dân.

Từ kết quả thực đến chiến lược dài hơi

Sáu tháng đầu năm 2025, ngành y tế Lạng Sơn đã khám chữa bệnh cho hơn 631.000 lượt người (đạt 66% kế hoạch cả năm). Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ dưới 1 tuổi đạt 96,3%, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi giảm còn 21,4%; theo cân nặng còn 14,8% - con số đầy nỗ lực ở một tỉnh miền núi.

Cùng với đó, tỉnh đã triển khai sắp xếp hệ thống y tế xã theo mô hình “trạm chính - điểm trạm phụ”, phù hợp với tiến trình sáp nhập địa giới hành chính từ ngày 01/7/2025. Việc tổ chức lại không làm gián đoạn dịch vụ, mà còn giúp phân bổ lại nhân lực, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại chỗ.

Đặc biệt, Lạng Sơn đang tiến gần hơn tới nền “y tế thông minh”. Việc số hóa bệnh án, tích hợp với nền tảng định danh điện tử quốc gia (VNeID), được kỳ vọng hoàn thành trước 30/9/2025. Khi đó, dù ở xã khó khăn nhất, người dân vẫn có thể được theo dõi sức khỏe trọn đời, từ sơ sinh đến người cao tuổi trên một nền tảng chung.

Về dài hạn, tỉnh định hướng đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình nâng cao thể trạng học sinh dân tộc thiểu số, phát triển các câu lạc bộ sức khỏe cộng đồng, đẩy mạnh hợp tác với ngành giáo dục để xây dựng mô hình trường học “khỏe từ gốc”. Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng là mũi nhọn ưu tiên, bởi đó là nền móng để phát triển con người một cách toàn diện.

Cán bộ y tế khu vực Tràng Định khám sức khỏe cho bà con

Cán bộ y tế khu vực Tràng Định khám sức khỏe cho bà con

Lạng Sơn không áp đặt y tế hiện đại như một thứ “văn minh ngoại lai”. Thay vào đó là sự lặng lẽ, bền bỉ, thuyết phục từ bên trong cộng đồng. Cán bộ y tế “nói tiếng bản”, truyền thông gắn với lễ hội bản làng, hướng dẫn bà con từ cách cho con bú đúng giờ đến việc ăn muối i-ốt. Mỗi buổi tuyên truyền, mỗi lần khám lưu động là một nhịp cầu gắn kết giữa y tế hiện đại với niềm tin truyền thống.

Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 là dự án có ý nghĩa đặc biết. Bởi chăm sóc sức khỏe vùng cao không chỉ là hành động y tế. Đó là lựa chọn chiến lược nâng tầm vóc con người để phát triển bền vững từ bản làng. Bởi một xã hội khỏe mạnh từ vùng biên sẽ là thành lũy vững vàng cho một đất nước an sinh từ gốc rễ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết