Hà Nội: Thời trang phố cổ sôi động trở lại, hàng giả thương hiệu tái diễn
Các cửa hàng thời trang trên nhiều tuyến phố cổ quanh hồ Gươm đã nhộn nhịp trở lại, nhưng tình trạng hàng nhái vi phạm sở hữu trí tuệ có dấu hiệu tiếp tục tái diễn...
Các tuyến phố Hàng Dầu, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bè... quanh hồ Gươm (Hà Nội) từ lâu vốn nổi tiếng là nơi tập trung các cửa hàng thời trang, giày dép, balô phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương những ngày gần đây cho thấy hoạt động kinh doanh tại các tuyến phố cổ sát hồ Gươm đã hồi phục mạnh mẽ. Tiếng chào mời mua sắm vang khắp dãy phố, khách du lịch và người dân nườm nượp ghé qua, các ki-ốt giày dép, balô sáng đèn rực rỡ, mang lại không khí nhộn nhịp quen thuộc.
Khách du lịch tham quan và mua sắm tại các tuyến phố cổ quanh Hồ Gươm. Ảnh: Đình Quyên
Các cửa hàng kinh doanh thời trang giày dép đã đồng loạt mở cửa bán hàng trở lại. Ảnh: Đình Quyên
Trước đó, cách đây khoảng 1 tháng, nhiều người không khỏi sửng sốt khi hàng loạt cửa hàng tại khu vực này đồng loạt đóng cửa, cửa sắt kéo kín, phố xá vắng bóng khách. Thời điểm đó, các cơ quan chức năng đang triển khai đợt cao điểm kiểm tra về gian lận thương mại, xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm. Chính vì vậy, một số tiểu thương, họ chủ động nghỉ bán để “né” các đợt kiểm tra, trong khi số khác tranh thủ đưa gia đình đi nghỉ hè...
Sau thời gian im ắng, nay các cửa hàng đã mở cửa trở lại, không khí buôn bán nhộn nhịp, nhưng cùng với đó là vấn đề gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ có dấu hiệu tiếp tục tái diễn. Nhiều cửa hàng giày dép bày biện hàng hóa tràn ra lối đi trước cửa, xếp thành từng chồng cao, tạo thành dãy dài dễ thu hút khách. Các sản phẩm gắn logo Adidas, Nike, Crocs, D&G… xuất hiện dày đặc với giá bán chỉ khoảng 2 trăm nghìn đồng, rẻ hơn hàng chính hãng nhiều lần.
Nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam được bày bán công khai. Ảnh Đình Quyên
Trong vai khách mua dép, phóng viên Báo Công Thương tiếp cận một cửa hàng trên phố Hàng Bè. Chủ cửa hàng không ngần ngại giới thiệu đôi dép Nike giá 200.000 đồng và nói thẳng: “Hàng nhái thì mới có giá này, chứ hàng chuẩn phải hơn một triệu”.
Nhiều sản phẩm không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Ảnh: Đình Quyên
Tình trạng tương tự không chỉ xuất hiện trên phố Hàng Bè mà còn tại nhiều cửa hàng trên các tuyến phố cổ quanh bờ hồ. Việc kinh doanh công khai các sản phẩm gắn logo Adidas, Nike, D&G… trong khi không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp là hành vi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Các thương hiệu này đều đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, do đó việc sao chép kiểu dáng, sử dụng trái phép nhãn hiệu để sản xuất hoặc kinh doanh là trái pháp luật.
Một cửa hàng bán nhiều sản phẩm là túi thể thao mang thương hiệu Nike chỉ có giá 200 nghìn đồng. Ảnh: Đình Quyên
Không chỉ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhiều sản phẩm còn vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa. Không ít đôi dép chỉ có nhãn gốc in tiếng Hàn, Nhật nhưng không hề dán nhãn phụ tiếng Việt theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP, khiến người tiêu dùng không được cung cấp thông tin về xuất xứ, thành phần hay tiêu chuẩn chất lượng. Điều này không chỉ làm khó người mua khi phát sinh khiếu nại mà còn tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe và quyền lợi.
Ngay cả du khách nước ngoài cũng bày tỏ e ngại. Anh Petre, một khách du lịch người nước ngoài, sau khi cầm thử đôi dép Nike giá 200.000 đồng trên phố Hàng Đào, chia sẻ: “Giá quá rẻ làm tôi ngạc nhiên, nhưng chất lượng kém, đế dép nhẹ, đường may không chắc, rõ ràng là hàng giả. Tôi sẽ không mua vì không biết có an toàn khi sử dụng không”.
Một số khách du lịch tỏ ra băn khoăn về chất lượng các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu Nike. Ảnh: Đình Quyên
Việc các cửa hàng từng đồng loạt đóng cửa để né kiểm tra nhưng nay hoạt động nhộn nhịp trở lại với tình trạng vi phạm như cũ cho thấy công tác quản lý chưa thực sự quyết liệt và liên tục. Nếu không xử lý dứt điểm, phố cổ Hà Nội sẽ tiếp tục là điểm nóng về hàng giả, gây thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính và làm xấu hình ảnh thương mại, du lịch của Thủ đô.
Để lập lại trật tự, cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý công khai và triệt để các hành vi buôn bán hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc và lấn chiếm vỉa hè. Song song, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao ý thức chọn hàng chính hãng, vừa bảo vệ quyền lợi của mình, vừa góp phần xây dựng môi trường thương mại văn minh... bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, thường xuyên, thực hiện không ngừng nghỉ, không có vùng cấm. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp vào cuộc để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ an ninh, an toàn, phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững.