Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đòn cân não của NHNN trước thách thức cân bằng mục tiêu kép

Viện dẫn sự chuyển trạng thái chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ thận trọng, chặt chẽ vào cuối năm ngoái sang hướng nới lỏng thận trọng trong năm nay, một số chuyên gia đưa ra nhận định NHNN đang phải đối mặt với những ưu tiên "kép", vừa điều hành ổn định chính sách tiền tệ nhưng vẫn hỗ trợ được nền kinh tế phát triển.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết tại một hội nghị ngân hàng ở Hà Nội ngày 10/5 rằng NHNN đang gặp nhiều thách thức trong điều hành chính sách lãi suất, tiền tệ và tín dụng trước tình hình kinh tế trong nước trì trệ và bất ổn toàn cầu.

Ông nói rằng NHNN đang cố gắng cân bằng giữa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong khi vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất và giảm bớt áp lực mất giá mạnh đối với tiền đồng.

Nhiều khó khăn chực chờ

NHNN đã tăng lãi suất cơ bản thêm 200 điểm trong hai lần vào năm ngoái, dự kiến ​​sẽ thay đổi chính sách vào năm 2023 để hỗ trợ lãi suất cho vay thấp hơn, bên cạnh việc cho vay và tái cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Những biện pháp này được đưa ra sau khi nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, số liệu kinh tế quý đầu tiên thấp hơn dự kiến ​.

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang chuyển hướng sang chính sách ôn hòa hơn trong năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thậm chí còn thể hiện thái độ trung lập về khả năng giữ lãi suất ổn định. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đã nhiều lần bị hạ thấp, lần gần đây nhất là của IMF vào tháng trước, điều này là do những lo ngại về tình hình tài chính, cộng thêm áp lực từ chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam tính đến tháng 4 là 2,81% đã không còn đáng lo ngại. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn phải đối mặt với nhiệm vụ hỗ trợ đồng nội tệ, thúc đẩy nhu cầu tín dụng, và kích thích tăng trưởng kinh tế - mục tiêu của chính phủ là tăng trưởng 6% trong năm nay.

Theo S&P Global Market Intelligence, đồng Việt Nam có khả năng cao sẽ sụt giảm đột ngột và mạnh do rủi ro bắt nguồn từ lĩnh vực ngân hàng, dự trữ thấp và lạm phát.

NHNN cho biết phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn vay cho nền kinh tế, đồng thời thực hiện các giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người vay. Theo NHNN, đây đều là những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody đã dự báo rằng vào cuối năm nay, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam không bao gồm vàng sẽ tăng lên 95 tỷ USD, khi NHNN tăng thêm lượng dự trữ.

-8888-1683691368.jpg

Các chuyên gia cho biết NHNN đang chuyển trạng thái chính sách tiền tệ từ thận trọng, chặt chẽ sang hướng nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù Fed và ngân hàng trung ương các nước đã thông báo dừng tăng lãi suất, nhưng áp lực lạm phát, lãi suất vẫn tiềm ẩn, nền kinh tế thế giới vẫn còn những biến động. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp để vừa điều hành ổn định chính sách tiền tệ nhưng vẫn hỗ trợ được nền kinh tế phát triển.

Chuyên gia kiến nghị giải pháp 

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nêu quan điểm, khả năng Fed sẽ không còn tăng lãi suất trong năm nay sau 10 lần tăng lãi suất nhanh lên mức kỷ lục kể từ năm 2007, đồng thời sẽ đảo chiều lãi suất kể từ đầu năm 2024.

Với Việt Nam, NHNN đã đi trước một bước trong giảm lãi suất điều hành (NHNN đã giảm lãi suất điều hành 2 lần từ đầu năm đến nay). “Thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4%/năm đến năm 2025 - mức thấp tương đương với lãi suất trước đại dịch Covid 19”, TS. Cấn Văn Lực nêu.

Để nền kinh tế phục hồi, theo TS. Cấn Văn Lực, bài toán lớn nhất năm nay là phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Riêng chính sách tiền tệ năm nay phải đa mục tiêu hơn, vì ngoài mục tiêu thông thường còn phải “gánh” mục tiêu ổn định hệ thống tiền tệ trong bối cảnh thế giới rất bất ổn.

Mặc dù vậy, NHNN đang chuyển trạng thái chính sách tiền tệ từ thận trọng, chặt chẽ sang hướng nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, NHNN đang điều hành lãi suất theo xu hướng giảm, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, ban hành chính sách cơ cấu lại nợ, hỗ trợ thanh khoản hệ thống, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng….

“Chính sách tài khóa vẫn là chính sách chủ lực trong hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Do đó, cơ quan quản lý cần tiếp tục tung ra một số gói hỗ trợ cho người dân (giãn hoãn thuế, giảm phí), đồng thời đẩy mạnh đầu tư công để giảm ách tắc dòng tiền, tăng thanh khoản cho hệ thống,...”, ông Lực kiến nghị.

Theo bà Dương Thị Thanh Bình, Phó vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NHNN): Một trong những yếu tố cần quan tâm là dù Fed và ngân hàng trung ương các nước đã thông báo dừng tăng lãi suất, nhưng áp lực lạm phát, lãi suất vẫn tiềm ẩn. Nên phải thận trọng, linh hoạt để vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ nền kinh tế. 

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Sĩ Thành cho rằng, hai vấn đề lo nhất trong bối cảnh hiện nay là bầu không khí trên toàn cầu xấu đi rất nhiều và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn như Việt Nam. Điều này không chỉ gia tăng rủi ro, mà còn gia tăng chi phí cho nền kinh tế. "Đây là khó khăn lớn khiến tôi quan ngại", ông Thành nói.

Còn theo ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT Vietinbank: quan ngại lớn nhất hiện nay là chính sách tiền tệ và mặt bằng lãi suất trên thế giới sẽ tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam và tác động đến mặt bằng lãi suất trong nước. Qua đó sẽ tác động đến hồi phục phát triển kinh tế.

“Vì vậy, NHNN cần phải điều hành chính sách tiền tệ đồng bộ để các ngân hàng tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, đảm bảo các phát triển an toàn, bền vững. Từ đó tiết giảm chi phí giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Thanh Hoa


Tác giả: Nhiều khó khăn chực chờ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết