Tín dụng tăng trưởng chậm, chỉ bằng 40% so với cùng kỳ
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% được giới phân tích đánh giá là thách thức lớn. Bởi, trong ba tháng đầu năm, mức tăng rất thấp so với cùng kỳ, mới đạt 1,61% trong khi cùng thời điểm năm 2022 là 4,03%.
Ngày 29/3, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023, Tổng cục Thống kê cho biết, tín dụng đã tăng rất chậm trong các tháng đầu năm do nhu cầu vay vốn sụt giảm trong khi mặt bằng lãi suất tăng cao.
Tính đến thời điểm 20/3/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,77% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,15%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03%).
![]() |
Tăng trưởng tín dụng quý I/2023 chậm lại do lãi suất cho vay cao. |
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15%, cao hơn năm 2022, và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo tín dụng sẽ tăng trong khoảng từ 10-12% trong năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào đầu tháng 3, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tín dụng hai tháng đầu năm tăng chậm do thời điểm này trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Bên cạnh đó, sức khỏe nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi COVID-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp cũng suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.
Ngoài ra, những năm trước, tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, song năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, nhận định tín dụng hai tháng đầu năm tăng chậm cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tại vùng lãi suất cao là khá hạn chế.
Từ cuối tháng 2 đến nay nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng để "kích cầu". Tuy nhiên với tình hình như hiện nay, theo các ngân hàng, cần thêm thời gian. Bởi nhiều doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng, nhiều khách hàng cá nhân không gồng nổi lãi suất phải cắt lỗ để lấy tiền tất toán hợp đồng vay trước hạn... khiến tín dụng khó tăng mạnh trở lại.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng lãi suất cho vay giảm có thể giúp hoạt động đi vay sôi động hơn, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong quý II/2023.
Thanh Hoa