Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế cho doanh nghiệp khoa học công nghệ

Sáng 12/5, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai đề nghị xem xét kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm đối với những lĩnh vực thực hiện trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ...

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP Hà Nội) cho ý kiến về thu nhập được miễn thuế đối với hoạt động khoa học công nghệ quy định tại Điều 4.

Đại biểu cho biết, mặc dù một số ý kiến đại biểu cũng đã nêu thời gian miễn thuế tối đa là 3 năm như dự thảo luật cơ bản cũng phù hợp nhưng cá nhân bà cho rằng với thời gian là 3 năm thì việc khuyến khích đầu tư, đặc biệt trong chuyển đổi số và khoa học, công nghệ, những lĩnh vực rất mới là chưa đủ. Do đó, đại biểu đề nghị cần thiết phải kéo dài thêm thời gian miễn thuế.

“Vấn đề này một số ý kiến của các doanh nghiệp khi chúng tôi đánh giá đối tượng chịu sự tác động cũng đề nghị như vậy”- đại biểu cho biết và đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra ủng hộ đề nghị xem xét kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm đối với những lĩnh vực thực hiện trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và được ưu tiên như y tế, dược phẩm và công nghệ sinh học AI cũng như là công nghệ mới.

Đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế cho doanh nghiệp khoa học công nghệ

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai thảo luận tại hội trường sáng 12/5

Về Khoản 2 Điều 12 về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khoa học, đại biểu cho rằng cần thiết phải bổ sung đối với ứng dụng và thử nghiệm.

“Dự thảo luật hiện nay chỉ nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ cao để sản xuất thì theo tôi chưa đủ vì ứng dụng và thử nghiệm cũng là một khâu rất quan trọng trước khi chúng ta tiến hành sản xuất đại trà. Vì vậy thực hiện những nội dung về ứng dụng và thử nghiệm cũng là một khâu rất quan trọng. Chúng tôi xin đề nghị tiếp tục gia cố nội dung này ở trong dự thảo luật”- đại biểu đề xuất.

Về trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) tại Điều 17, đại biểu cho rằng cần phải có những nội dung giao cho Chính phủ quy định rõ các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên trong việc sử dụng quỹ gắn với Chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia và các ngành mũi nhọn của nền kinh tế.

Việc này giao cho Chính phủ sẽ đảm bảo tinh thần mới trong xây dựng thể chế và tùy vào mỗi một giai đoạn, mỗi một lĩnh vực trọng tâm trong từng giai đoạn mà Chính phủ sẽ quy định thì sẽ đảm bảo sự phù hợp, linh hoạt không nhất thiết chúng ta phải báo cáo với Quốc hội để đảm bảo tính kịp thời trong tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ hiện nay.

Liên quan đến chuyển lỗ đối với doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 16, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo thì thời gian chuyển lỗ cũng cần thiết phải tăng hơn so với dự thảo luật.

Tuy nhiên tăng đến đâu, thêm bao nhiêu, như thế nào cũng đề ra một nguyên tắc của Quốc hội, còn lại giao cho Chính phủ tùy vào giai đoạn cụ thể để có thể quyết định được và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua. Như vậy sẽ đảm bảo được tính nguyên tắc là Quốc hội sẽ thực hiện giao quyền cho Chính phủ để đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo tính kịp thời..

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết