Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất kiểm soát khí thải phương tiện lưu hành: Người dân kỳ vọng gì?

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định quy định về lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải ô tô lưu hành tại Việt Nam.

Đề xuất lộ trình áp dụng quy chuẩn về khí thải mới gồm 5 mức từ năm 2025

Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Quyết định quy định về lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải ô tô lưu hành tại Việt Nam.

Cơ quan này đề xuất áp dụng quy chuẩn về khí thải mới gồm 5 mức (tương đương tiêu chuẩn Euro, mức 5 là mức yêu cầu tiêu chuẩn cao nhất), dự kiến triển khai áp dụng từ năm 2025. Đáng chú ý Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Theo đó, ô tô sản xuất từ năm 2017 sẽ áp dụng mức 4 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh kể từ ngày 1/1/2026, các tỉnh khác được đề xuất chỉ yêu cầu mức 3.

Kỳ vọng về việc kiểm soát khí thải phương tiện lưu hành

Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh dự kiến sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn so với các tỉnh, thành phố khác (Ảnh: Hoàng Dương)

Số liệu thống kê cho thấy, hiện Hà Nội có tới hơn 8 triệu phương tiện giao thông với khoảng 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy. Cùng với đó có trên 1 triệu phương tiện từ các địa phương khác thường xuyên lưu thông trên địa bàn Thủ đô. Đây được đánh giá là một trong những nguồn phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường.

Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua tháng vào 6/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nêu khái niệm vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực được xác định để hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí. Nhiều người dân bày tỏ những kỳ vọng về việc kiểm soát khí thải phương tiện lưu hành sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc, ô nhiễm môi trường; xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Vương (trú tại phường Mai Động- quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Những năm gần đây, cứ vào thời điểm giao mùa là không khí Thủ đô lại ngày càng ngột ngạt. Khói bụi mịt mù từ khí thải phương tiện, hoạt động xây dựng... cùng với thời tiết khô hanh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người già và trẻ nhỏ. Do đó, kiểm soát khí thải tiến tới giảm thiểu phương tiện cá nhân, nhất là ô tô sẽ cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông rất nhiều; đặc biệt tại các tuyến phố lõi trong giờ cao điểm”.

Chị Phan Thanh Tú - một nhân viên văn phòng làm việc tại quận Thanh Xuân ngao ngán khi mỗi ngày phải di chuyển từ nhà đến công ty, dù quãng đường không dài lắm nhưng giao thông lúc nào cũng ùn tắc rồi khói bụi ngột ngạt. "Một ngày tôi chỉ đi từ nhà đến công ty và quay trở lại nhưng thực sự cảm thấy rất bức bối vì không khí bị ô nhiễm, người lúc nào cũng trong tình trạng có mùi khói xe, khí thải. Các cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để cải thiện vấn đề này. Chủ trương kiểm soát khí thải là rất đúng đắn", chị Thanh Tú chia sẻ.

Tuy nhiên, theo chị Thanh Tú, quá trình thực hiện cũng cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng để tránh gây ra những xáo trộn lớn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Cùng với đó các loại hình vận tải công cộng cần phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Kiểm soát khí thải đi kèm với phát triển giao thông xanh

Các chuyên gia nhận định, khí thải từ phương tiện giao thông hiện chiếm 70% nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí. Các phương tiện giao thông hiện nay chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu. Quá trình phương tiện sử dụng loại nhiên liệu này đã tạo nên nguồn phát thải chính gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy cần được kiểm soát có hiệu quả.

Bày tỏ quan điểm với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Văn Bằng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: "Tôi nhận thấy chủ trương kiểm định khí thải xe lưu hành, trong đó có kiểm định khí thải xe ôtô, khí thải xe máy là hoàn toàn đúng đắn. Ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là những đô thị lớn, lượng phương tiện rất đông nên việc kiểm soát khí thải này là rất quan trọng. Việc này góp phần không nhỏ vào đảm bảo môi trường cũng như sự phát triển bền vững của ngành vận tải. Tuy nhiên cần phải có những kế hoạch cụ thể và giải pháp phù hợp tuyên truyền cho người dân để thực hiện làm sao cho đồng bộ và tốt nhất".

Kỳ vọng về việc kiểm soát khí thải phương tiện lưu hành
Ô tô sản xuất từ năm 2017 sẽ áp dụng mức 4 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh kể từ ngày 1/1/2026. Ảnh: Hoàng Dương

Thời gian qua, nhiều đơn vị vận tải đã chủ động chuyển đổi xanh từ ô tô chạy xăng dầu sang ô tô chạy điện. Tập đoàn Mai Linh đã ký kết hợp tác với Xanh SM để đầu tư 3.999 xe điện VinFast vào năm 2025. Hãng G7 Taxi cũng đã mua 899 chiếc VinFast VF 5 màu trắng nguyên bản để triển khai dịch vụ taxi xanh tại các thành phố lớn đến hết năm 2025.

Những chiếc xe điện này sẽ thay thế dần các xe chạy bằng xăng dầu góp phần giảm khí thải, giảm thiểu chi phí bảo trì và tiết kiệm nhiên liệu. Sự chuyển đổi này không chỉ giúp các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về khí thải mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh ngày càng có nhiều khách hàng ưu tiên sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường.

Nhằm giảm thiểu khí thải, góp phần phát triển Thủ đô Hà Nội bền vững trong tương lai, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phi Thường cho rằng, trước hết việc đầu tư mở rộng và nâng cấp hạ tầng giao thông là rất cần thiết, bao gồm xây dựng thêm các tuyến đường, cầu, hệ thống tàu điện (metro) để giảm tải cho các tuyến đường hiện tại.

Thứ hai, cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, tàu điện ngầm và các phương tiện công cộng khác thông qua việc cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng tần suất và giảm giá vé.

Bên cạnh đó cần triển khai các biện pháp quản lý giao thông thông minh, như lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu tự động, camera giám sát và ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi và điều phối giao thông hiệu quả.

Cuối cùng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường (xe đạp và đi bộ) cũng rất quan trọng để giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm. Những giải pháp này sẽ góp phần tạo ra một hệ thống giao thông hiện đại, an toàn và hiệu quả cho Hà Nội trong tương lai.

Việc áp dụng lộ trình khí thải sớm không chỉ giúp Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cải thiện chất lượng không khí mà còn tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành giao thông vận tải.

Hiện tại bộ tiêu chuẩn khí thải phổ biến và có ảnh hưởng sâu rộng nhất chính là EURO, do Liên minh Châu Âu khởi xướng từ năm 1992. Mỗi cấp độ EURO (từ EURO 1 đến EURO 6d hiện nay) là một lần siết chặt giới hạn phát thải của các khí độc hại như NOx (nitơ oxit), HC (hydrocarbon), CO (carbon monoxide) và PM (bụi mịn). Ví dụ, tiêu chuẩn EURO 6 giới hạn NOx chỉ còn 0,08g/km với xe diesel, một mức cực kỳ khắt khe so với các thế hệ trước.

Tại Việt Nam

* EURO 2 cho xe máy được áp dụng từ 2007

* EURO 3 cho xe máy được áp dụng từ 1/1/2017 cho xe sản xuất mới

Tuy nhiên, thực tế chưa có kiểm định khí thải với xe máy đang lưu hành, điều đang được khắc phục qua quy định mới dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2026 (tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh)

Trong bối cảnh chất lượng không khí tại các thành phố lớn thường xuyên ở mức báo động đỏ, việc đưa ra chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn đòi hỏi những quyết định mang tính đột phá, khoa học và nhân văn.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết