Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xu hướng đầu tư mới của nhà đầu tư Hàn Quốc

Hiện nay, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong bối cảnh dư địa đầu tư ở các thành phố dần thu hẹp, nhà đầu tư Hàn Quốc đang có xu hướng đầu tư vào các địa phương và tập trung vào các ngành công nghiệp chế tạo, công nghệ cao và môi trường.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 2,66 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư, tăng 29,6% so với cùng kỳ.

Ông lớn liên tục “đổ” vốn

Đứng đầu trong danh sách đầu tư vào Việt Nam vẫn là Samsung khi doanh nghiệp này liên tục “đổ” vốn vào Việt Nam. Hồi tháng 6, Samsung đã quyết định tăng vốn thêm 841 triệu USD cho Samsung Complex HCMC - SEHC, đưa tổng vốn đầu tư của dự án này lên 2,841 tỷ USD, một con số không nhỏ. Khoản đầu tư này sẽ đưa SEHC trở thành một trong những nhà máy sản xuất các sản phẩm tivi, thiết bị điện tử gia dụng lớn nhất toàn cầu của Samsung.

2-1845-1658719386.jpg

6 tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 2,66 tỷ USD.

Ngoài dự án này, một dự án khác của Samsung ở Thái Nguyên - Samsung Electro-mechanics Việt Nam (SVMC) - cũng đã tăng vốn thêm 267 triệu USD vào tháng 6 vừa qua, sau khi đã dốc thêm 920 triệu USD hồi đầu năm.

Ngoài Samsung, không thể không nhắc tới một số tập đoàn lớn như tập đoàn Hanwha mới đây cũng đã liên doanh với Tập đoàn T&T của Việt Nam để đầu tư Dự án Điện khí Hải Lăng (Quảng Trị), vốn đầu tư giai đoạn I là 2,3 tỷ USD. Amkor cũng đã đầu tư một dự án sản xuất bán dẫn tại Bắc Ninh, với quy mô giai đoạn I là 500 triệu USD.

Ngoài ra, tâp đoàn LG, với 2 lần tăng vốn trong năm ngoái cho LG Display, lúc đầu năm là 750 triệu USD và cuối năm thêm 1,4 tỷ USD, đưa tổng vốn đầu tư của LG Display tại Việt Nam lên 4,65 tỷ USD...

Nhận định về tình hình đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc, ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) nhấn mạnh: Các dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam không chỉ triển khai nhanh mà còn có quy mô lớn, hiệu quả cao, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng xây dựng các chuỗi cung ứng chiến lược tại Việt Nam.

Ông Kwon Seung Taek - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh tế Văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc có công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm và vốn đầu tư lớn, còn Việt Nam có thị trường phong phú, nhân lực trẻ, nếu 2 đất nước tăng cường hợp tác thì quy mô thương mại sẽ ngày càng lớn và đặc biệt trong biến động thương mại toàn cầu, nếu Việt Hàn tranh thủ được cơ hội thì sẽ phát huy hơn nữa tiềm năng 2 nước trong xuất nhập khẩu và đầu tư.

"Xu hướng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trong tương lai sẽ có sự thay đổi đang kể. Ban đầu điểm hấp dẫn của Việt Nam là nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ, khi đó các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào sản xuất các ngành thâm dụng lao động. Nhưng hiện nay đang có những hướng đầu tư khác trong ngành công nghiệp chế tạo, công nghệ cao và môi trường", ông Kwon Seung Taek nói.

Xu hướng đầu tư vào các địa phương

Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc trước đây tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn Hà Nội, Tp. Hồ chí Minh và các tỉnh lân cận nhưng hiện nay đã dần dần lan toả ra các tỉnh thành khác, tạo động lực phát triển cho các tỉnh thành trên khắp cả nước.

Đơn cử như gần đây, các nhà đầu tư bắt đầu tìm đến các địa phương để đầu tư. Như ở tỉnh Long An, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hàn Quốc hiện có 209 dự án đầu tư tại Long An với tổng giá trị 900 triệu USD, đứng thứ 2 trong số các quốc gia đầu tư trực tiếp vào Long An.

Các dự án đầu tư tại địa phương hoạt động hiệu quả và thành công; các hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức thường xuyên, tạo thuận lợi thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Long An.

Hiện nay Long An có 36 khu công nghiệp được phê duyệt, 22 khu đã đi vào hoạt động, các tuyến đường kết nối giữa các khu, cụm khu công nghiệp cũng có nhu cầu mời gọi đầu tư. Tỉnh chủ trương tập trung giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch, tạo điều kiện thực hiện các thủ tục nhanh, gọn.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nêu thực tế, tới nay Đồng Nai thu hút được hơn 1.500 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 33 tỷ USD; trong đó riêng các nhà đầu tư Hà Quốc có 426 dự án với số vốn đầu tư đạt 7 tỷ USD, tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện điện tử cho chuỗi cung ứng.

Hiện Đồng Nai có 32 khu công nghiệp với diện tích 10.000 ha; trong đó có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, Đồng Nai tiếp tục quy hoạch thêm 8 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 8.000ha, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Các chuyên gia dự báo, tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được các dự án quy mô nhỏ và vừa của Hàn Quốc với mục tiêu tìm kiếm cơ sở sản xuất chiến lược để xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới.

Đức Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết