Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Loạt dự án điện sạch nghìn tỷ nhưng ‘đắp chiếu’ sắp được ‘cứu’

Quy hoạch điện VIII được phê duyệt với ưu tiên phát triển mạnh năng lượng tái tạo được kỳ vọng là căn cứ pháp lý quan trọng để giải quyết các khó khăn về giá, cơ chế phát triển các dự án điện sạch, tránh kịch bản đầu tư nghìn tỷ rồi đắp chiếu hoặc chờ… lưới điện truyền tải.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch điện VIII với tổng vốn đầu tư 134,7 tỷ USD để phát triển các nhà máy điện và lưới điện mới từ năm 2021 đến năm 2030; hướng tới năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm đến 71,5%.

Hàng loạt dự án điện sạch vướng cơ chế

Quy hoạch điện VIII không chỉ đem tới kỳ vọng về phát triển năng lượng tái tạo tới năm 2050 mà trước mắt là gỡ khó cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, để tránh lãng phí hàng nghìn MW, trong khi nguy cơ thiếu điện liên tục được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cảnh báo.

-9266-1684227848.jpg

Quy hoạch điện VIII được phê duyệt kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo đang gặp vướng về cơ chế. 

Thông tin về vấn đề này, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện có 85 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Thời gian qua, EVN đã chỉ đạo Công ty Mua bán điện thuộc EVN mời chủ đầu tư tới trao đổi triển khai Quyết định 21, Thông tư 15 liên quan tới khung giá.

Đến nay, có 31 chủ đầu tư dự án làm việc với Công ty Mua bán điện, trong đó có 15 dự án thống nhất với công ty về cơ chế giá, 11 dự án chưa đủ hồ sơ, 5 dự án mới tiếp nhận.

Liên quan tới khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, lãnh đạo EVN cho rằng, điều này thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Còn với các khó khăn liên quan về thời hạn và thủ tục ký hợp đồng theo quy định tại Quyết định 21, Thông tư 15, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương để tháo gỡ.

Ngay sau Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh, chỉ ra thách thức lớn nhất để thực hiện là làm sao vừa đảm bảo các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải điện, giảm khí nhà kính... trong khi vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội, an ninh năng lượng, đặc biệt là điều chỉnh chi phí liên quan cung ứng điện năng sao cho phù hợp tình hình quốc tế và khả năng chi trả của người dân.

Các dự án điện gió, điện mặt trời được xây dựng, triển khai trong thời gian qua có công suất rất lớn nhưng thực tế thống kê điện năng phát thực sự của các nguồn này tính ổn định không cao, phụ thuộc nhiều yếu tố. Đơn cử, điện mặt trời có thời gian phát điện từ 6 giờ sáng - 18 giờ, đỉnh điểm nằm trong giai đoạn 9 giờ - 13 giờ, không phù hợp với đặc thù tiêu thụ điện của các hộ tiêu thụ thông thường.

Trong khi đó, điện gió phụ thuộc vào đặc thù từng khu vực mà dự án được xây dựng. Hiện nay, năng lực phát điện của nguồn này giai đoạn tháng 4, tháng 5 chỉ đạt khoảng 10 - 20% công suất.

"Nhìn vào đó có thể thấy, sản lượng cung ứng thực tế của các nguồn điện gió, điện mặt trời rất hạn chế và rất khó để dựa vào, đáp ứng nhu cầu tăng cao mùa nắng nóng", ông Sơn đánh giá.

Không ồ ạt địa phương nào cũng làm năng lượng sạch

Từ những phân tích trên, chuyên gia Hà Đăng Sơn nhận định: Quy hoạch điện VIII sẽ là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án nguồn điện đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của kinh tế và xã hội, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện, kết hợp điện năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí... Đồng thời, là căn cứ pháp lý để triển khai đầu tư mở rộng loạt dự án truyền tải điện.

“Đặc biệt, đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để EVN giải quyết các khó khăn về giá, chính sách nhằm giải quyết công suất các dự án điện mặt trời, điện gió đang gặp khó và phát triển điện mặt trời mái nhà. Mục tiêu là đến năm 2030, 50% mái nhà công sở, hộ gia đình trên cả nước sẽ được phủ kín bằng các tấm pin mặt trời, đáp ứng nhu cầu điện tự dùng”, ông Sơn nhấn mạnh.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 mới đây cũng cho thấy một con số đáng chú ý là phát triển nguồn năng lượng tái tạo vượt mức 480%. Sự phát triển nhanh của các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian đầu đã hỗ trợ bổ sung thêm nguồn cung cho hệ thống, góp phần giảm nguy cơ thiếu điện trong các năm 2018 – 2019, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia…

Bên cạnh những tác động tích cực khi phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ cũng chỉ ra khi tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống ở mức cao và chưa có chính sách để phát triển đồng bộ các loại hình nguồn điện cung cấp dịch vụ phụ trợ, đã có một số ảnh hưởng nhất định đến công tác vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia.

Trước thách thức trên, GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nhấn mạnh, làm sao nguồn năng lượng tái tạo phải thay thế được các dạng năng lượng truyền thống như điện than. Đồng thời, việc phát triển năng lượng tái tạo ở địa phương nào cũng cần tính toán, cân đối giữa nguồn và lưới điện để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, tránh địa phương nào cũng ồ ạt phát triển năng lượng tái tạo như thời gian qua.

Trong đó, EVN đóng vai trò quan trọng trong cung ứng điện, chịu trách nhiệm chính trong thực thi quy hoạch, đảm bảo cân đối cung cầu, không để thiếu điện, tránh việc phát triển mất cân đối giữa nguồn và lưới gây trục trặc trong vận hành hệ thống điện.

Về giá mua điện, GS. Trần Đình Long cho rằng, đây là yếu tố quan trọng quyết định các nhà đầu tư rót vốn vào điện mặt trời, điện gió. Nếu giá điện đảm bảo lợi nhuận hợp lý thì họ đầu tư, còn đầu tư không có lời thì khó thu hút vốn tư nhân.

Về giá bán điện, nếu đã nói kinh tế thị trường thì EVN phải tính toán đầy đủ yếu tố đầu vào từ đó tạo ra giá phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ bao nhiêu. Nếu tính đủ mà cần thiết thấy rằng phải tăng giá thì Nhà nước cũng cần xem xét để điều chỉnh. Ngược lại, nếu chi phí đầu vào giảm, điều kiện thời tiết thuận lợi, thủy điện, năng lượng tái tạo phát được nhiều điện, thì giá điện cũng cần được điều chỉnh giảm.

Nhật Linh 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết