Xử lý dứt điểm các điểm nóng môi trường: Giải bài toán ô nhiễm cục bộ trên các lưu vực sông
Hiện nay, đa phần các lưu vực sông (LVS) lớn như LVS Hồng - Thái Bình và LVS Mã - Chu, LVS Cả - La, LVS Vu Gia -Thu Bồn và LVS Mê Kông môi trường nước duy trì ở mức tốt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm ô nhiễm cục bộ chưa được xử lý dứt điểm.
Các điểm ô nhiễm trên 3 lưu vực sông
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước tập trung trên các LVS ở khu vực phía Bắc (LVS Nhuệ - Đáy, LVS Cầu) và phía Nam (LVS Đồng Nai). Tình trạng ô nhiễm qua các đợt quan trắc trong năm và chưa có dấu hiệu được cải thiện, điển hình như ô nhiễm trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét,… (Hà Nội), sông Cầu chảy qua địa phận Bắc Ninh - Bắc Giang, sông Bắc Hưng Hải, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật...
Ô nhiễm trên các LVS chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng (các thông số ô nhiễm tập trung chủ yếu là DO, COD, BOD5, TSS; nhóm dinh dưỡng (N-NH4+, N-NO2-). Phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận chưa có dấu hiệu ô nhiễm kim loại và hóa chất bảo vệ thực vật. Các điểm nóng về môi trường nước LVS Nhuệ - Đáy (đoạn sông Nhuệ và các sông nội thành Hà Nội) từ năm 2017 đến 2021, giá trị các thông số (COD, BOD5) và (NH4+, NO2-) vẫn vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại B1). Nguyên nhân do tiếp nhận lượng lớn nước thải sinh hoạt của TP. Hà Nội qua sông Tô Lịch và nước thải của các LN Hà Nội (nước thải LN lụa Vạn Phúc, nước thải LN miến Cự Đà...).
Trên LVS Cầu, ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục triệt để tại đoạn sông chảy qua LN giấy Phong Khê (điểm cầu Đào Xá), sông Ngũ Huyện Khê đoạn giáp ranh giữa Bắc Ninh - Bắc Giang hay khu vực suối Loàng, cầu Bóng Tối đoạn qua TP. Thái Nguyên.... Tại các điểm nóng ô nhiễm môi trường nước khác như hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải qua địa bàn Hưng Yên, Hải Dương; sông Châu Giang chảy qua xã Yên Bắc (khu vực chợ Lương), Duy Tiên, Hà Nam hay khu vực hạ lưu sông Sài Gòn, khi vào nội ô TP. Hồ Chí Minh là cầu Ông Buông (kênh Tân Hóa - Lò Gốm), cầu Chữ Y (kênh Tàu Hũ - Bến Nghé), cầu An Lộc (kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật)... các hợp chất hữu cơ và dinh dưỡng, giá trị các thông số (DO, COD, BOD5, N-NH4+, N-NO2) đều vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt từ 2 - 4 lần.
Làm gì để xử lý dứt điểm?
Trước tình trạng trên, Tổng cục Môi trường đã xây dựng kế hoạch để triển khai, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các LVS trong năm 2022 và thời gian tới. Cụ thể, đối với LVS Cầu, sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất dự án triển khai khắc phục ô nhiễm sông Cầu tại mỗi địa phương (tập trung trước mắt vào kiểm soát các cơ sở xả thải lớn, thu gom, xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt và LN). Đẩy mạnh việc thực hiện các chỉ tiêu chưa hoàn thành, đặc biệt là tỷ lệ khu đô thị có hệ thống XLNT tập trung, trong đó cần hướng đến việc thu gom, xử lý triệt để lượng nước thải sinh hoạt phát sinh từ các khu đô thị, khu dân cư tập trung.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các giải pháp, phương án để thu gom, XLNT sinh hoạt đối với khu vực dân cư phân tán. UBND tỉnh Bắc Ninh cần tập trung giải quyết điểm nóng ô nhiễm trên sông Ngũ Huyện Khê như xây dựng, nâng cấp, cải tạo, đưa công trình thu gom, XLNT tập trung của LN Phong Khê vào hoạt động; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cho phép cơ chế đặc thù riêng đối với việc đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung của CCN Phú Lâm và CCN Phong Khê 2; buộc các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trong LN Phong Khê và CCN Phú Lâm phải thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống XLNT tập trung, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; rà soát, xử lý ngay các điểm tập kết chất thải rắn không đúng quy định, đặc biệt các điểm dọc sông Ngũ Huyện Khê có nước rỉ rác chảy thẳng ra sông; tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT, tài nguyên nước LN Phong Khê, CCN Phú Lâm.
Đối với LVS Nhuệ - sông Đáy, trên các dòng sông, đoạn sông đang bị ô nhiễm trên hệ thống sông Nhuệ, sông Châu Giang sẽ phải rà soát các nguồn xả nước thải ra hệ thống sông Nhuệ - sông Đáy; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại nguồn và xử lý nghiêm các KCN, CCN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, LN xả nước thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Đầu tư xây dựng và triển khai các dự án cải tạo phục hồi môi trường nước, khơi thông dòng chảy các đoạn sông đang ô nhiễm nặng (sông Tô lịch, sông Châu Giang, sông Nhuệ...
Đối với lưu vực hệ thống sông Đồng Nai: Đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho công tác kiểm soát ô nhiễm đối với các nguồn thải nhỏ và có tính chất phân tán, trọng tâm là kiểm soát nước thải sinh hoạt, nước mưa chảy tràn bề mặt, nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các nguồn thải phân tán khác.
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nước thải công nghiệp từ các KCN, các cơ sở sản xuất có lưu lượng thải lớn (phân loại và kiểm soát các nguồn thải có lưu lượng từ 100 m3/ngày/đêm trở lên); phát huy tối đa những thông tin, số liệu thu thập được từ hệ thống quan trắc tự động liên tục của các nguồn thải lớn (có lưu lượng từ 1.000 m3/ngày/đêm) nhằm kiểm soát chặt chẽ những nguồn này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày/đêm trở lên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực BVMT…
Hà Nội lại tìm cách “giải cứu” sông Tô Lịch
Hội thảo khoa học Quốc gia giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật) và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm sông Tô Lịch có điểm nhấn là giải pháp chống ngập cho Thủ đô Hà Nội.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE Group, sông Tô Lịch là dòng sông hở, khi mưa lớn không riêng mực nước sông Tô Lịch dâng cao, mà các dòng sông khác cũng dâng lên dẫn đến nước không thoát kịp xuống hạ lưu, nước từ các cửa cống đổ ra dòng sông này bị ứ lại, gây ngập úng cục bộ tại các khu dân cư.
“Khi có hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc, khi mưa lớn, nước sẽ chảy vào hệ thống này và thoát nhanh xuống, không liên quan đến mực nước của dòng sông. Hệ thống hầm ngầm này giống như dòng sông ngầm ở dưới sông Tô Lịch có tác dụng tích trữ nước, khi mưa bão đi qua mới bơm nước ra ngoài. Từ đó sẽ khắc phục được tình trạng mưa ngập như hiện nay ở Hà Nội. Giải pháp chống ngập này đã được xây dựng ở Nhật Bản và đem lại hiệu quả rất cao” - ông Tuấn Anh giải thích.
Nói thêm về đề xuất này, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, thành phố đã giao Sở Xây dựng và các sở ngành liên quan để nghiên cứu đề xuất trên. Có thể nói ý tưởng này cần có thời gian dài để chuẩn bị, cùng nguồn lực lớn.
Ngoài ra, hiện sông Tô Lịch đang thực hiện các tuyến cống gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Do đó cũng chưa thể triển khai được trong giai đoạn này.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định, dự án Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch cần kế thừa những điểm mạnh, điểm yếu của các công trình trước đó để rút ra kinh nghiệm và thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.
Riêng về ý tưởng xây đường cao tốc ngầm và hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch, ông Nghiêm cho rằng, phải xác định mục tiêu và nguồn vốn cụ thể. Ngoài ra, lãnh đạo TP.Hà Nội phải tính đến việc kết nối sông Tô Lịch với các sông hồ khác để tăng khả năng thoát nước, giải quyết vấn đề úng ngập.
GS-TS khoa học Trần Hữu Uyển - nguyên Viện trưởng Viện Cấp thoát nước Việt Nam - đánh giá, ý tưởng của JVE Group hay, nhưng ông cảm thấy “mơ hồ” khi doanh nghiệp này muốn khôi phục sông Tô Lịch theo hướng công viên, đường cao tốc ngầm và hầm chống ngập. Do đó, ông Uyển cho hay, mục tiêu lớn nhất là xử lý ô nhiễm, cải tạo con sông Tô Lịch, rồi sau mới tính đến những việc khác.
Còn GS-TS Đào Xuân Học - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam - nhận định: “Có thể nói đề xuất của Công ty JVE là đề xuất táo bạo nhưng quá nhiều mục tiêu. Dưới góc độ chuyên môn tôi chỉ đề cập đến vấn đề xử lý môi trường và tiêu thoát ngập cho Hà Nội”.
Trong đó, vấn đề xử lý nước thải thì Việt Nam đã thành công với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở TPHCM nên cũng không có gì khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc, để sông Tô Lịch có thể sạch sẽ hơn hiện nay thì cần kíp nhất là làm sao tách hoàn toàn nước thải ra khỏi sông.
“Chúng ta phải nhìn lại, những trận mưa ngập vừa qua ở Hà Nội là do nội tại. Trong khi mực nước các sông Tô Lịch, sông Nhuệ còn rất thấp thì trong nội đô lại bị ngập do không tiêu thoát, không chảy kịp ra sông Tô Lịch, như vậy là do vấn đề hệ thống tiêu thoát nước nội đô chứ không do sông Tô Lịch hay sông Nhuệ tiêu thoát kém” - GS Đào Xuân Học cho biết.
Theo đó, GS Đào Xuân Học phân tích, có tình trạng này là do Thủ đô đã tăng mạnh về quy mô dân số cũng như đô thị mạnh mẽ. Cùng với đó là nhu cầu tiêu thoát nước cũng tăng lên, trong khi hệ thống tiêu thoát nước cũ lại không được nâng công suất mà chỉ kéo dài hệ thống ống ra thì rõ ràng tốc độ tiêu thoát nước không thể nhanh được. Thêm vào đó, Hà Nội vẫn khai thác nước ngầm với quy mô lớn, việc này sẽ gây sụt lún tác động đến hệ thống thoát nước, gây chênh lệch làm cho việc tiêu thoát chậm hơn.
Cũng theo GS Đào Xuân Học, việc làm bể ngầm ở lưu vực sông Tô Lịch để chứa nước mỗi khi mưa lớn như đề xuất của Công ty JVE cần phải tính toán kỹ vì vốn đầu tư lớn trong khi hiệu quả thì chưa chứng minh được bằng cơ sở khoa học.
Không riêng các chuyên gia, nhà khoa học, nhiều người dân Thủ đô cũng rất quan tâm đến đề xuất này.
Anh Nguyễn Ngân (83 Nguyễn Khang) chia sẻ, đây là ý tưởng táo bạo, đột phá. Anh rất đồng tình và kỳ vọng, nếu đề xuất này được triển khai bài bản sẽ là cơ hội để hồi sinh dòng sông lịch sử. Tuy nhiên, điều anh Ngân băn khoăn, đó là kinh phí để triển khai dự án. Đặc biệt, đây là dự án phức hợp, đa mục tiêu, vừa giải quyết bài toán giao thông đô thị - ngập úng, vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường và xây dựng một không gian văn hoá chưa từng có trên bề mặt một dòng sông.
Mục tiêu đặt ra rất lớn đồng nghĩa với nguồn kinh phí khổng lồ. Nếu giải quyết được bài toán kinh tế, phương án thiết kế - thi công, tôi mong muốn dự án này sẽ được triển khai đúng tiến độ, đừng bao giờ là một dự án “lầy lội” về thời gian thi công. Bởi, nếu nó là một công trường chậm tiến độ kéo dài từ năm này sang năm khác sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người dân thuộc các quận/huyện mà dòng sông đi qua.