|
  • :
  • :

Nâng tầm sản phẩm địa phương

Đây chính là mục đích, ý nghĩa và hiệu quả của Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mang lại cho người dân thời gian qua.

Hệ thống giám sát sâu, rầy thông minh giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất trên cùng diện tích canh tác

Đổi mới phương thức, tư duy sản xuất

Huyện Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An là những địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi bò. Tuy nhiên, nông dân vẫn còn chăn nuôi theo phương thức truyền thống, nhỏ, lẻ, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào chăn nuôi, chưa mặn mà tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) để hình thành chuỗi liên kết sản xuất,... Trước những khó khăn này, tỉnh có rất nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nông dân tham gia chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên con bò, góp phần nâng tầm sản phẩm địa phương, tăng năng suất, lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Cụ thể, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương thực hiện 3 mô hình điểm về chăn nuôi bò thịt ƯDCNC với tổng số con hỗ trợ là 39 con bò cái sinh sản; chuyển đổi giống bò thịt chất lượng cao cho 20 hộ; tổ chức 8 lớp tập huấn về lựa chọn con giống, thiết kế chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, các bệnh thường gặp trên con bò, thiết kế khẩu phần ăn cho bò thịt,... với sự tham gia của 307 người; in ấn và phân phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền cho các huyện tham gia chương trình;...

Năm 2022, gia đình chị Nguyễn Thanh Thủy (xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ) được hỗ trợ 10 con bò giống từ mô hình điểm về chăn nuôi bò thịt ƯDCNC của tỉnh. Theo quan sát, gia đình chị Thanh Thủy xây dựng 2 chuồng nuôi riêng, gồm chuồng ban ngày và chuồng ban đêm để tiện cho việc vệ sinh, sát khuẩn chuồng trại hàng ngày; đồng thời, thiết kế một khoảng sân để bò được tắm nắng và vận động chân, nước uống được thiết kế tự động qua hệ thống lọc, cỏ được trồng theo dạng công nghiệp, thức ăn ngoài cỏ còn có thêm các loại thức ăn khác và ghi nhật ký chăn nuôi.

Chị Thanh Thủy bộc bạch: “Chi phí đầu tư chuồng trại, con giống nuôi theo hướng ƯDCNC rất tốn kém nhưng về lâu dài sẽ hạn chế bệnh, ít tốn nhân công chăm sóc. Trường hợp nuôi 30 con bò sinh sản mà không ƯDCNC thì cần ít nhất 10 người chăm sóc. Còn nuôi theo hướng ƯDCNC chỉ cần 3 công lao động. Hiện nay, thị trường cần con giống chất lượng, rõ nguồn gốc và phải tiêm vắc-xin đầy đủ nên gia đình quyết định đầu tư theo hướng ƯDCNC để con giống bán có giá hơn”.

Gia đình chị Nguyễn Thanh Thủy (xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ) đầu tư nuôi bò theo hướng công nghệ cao

Vụ lúa Đông Xuân 2021-2022 và vụ Hè Thu năm 2022, HTX Dịch vụ, Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Hương Trang (huyện Mộc Hóa) ký kết với 2 công ty lương thực để tổ chức sản xuất và bao tiêu đầu ra cho các thành viên HTX. Trong đó, diện tích lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 bao tiêu gần 1.900ha, vụ Hè Thu năm 2022 bao tiêu trên 1.300ha. Khi tham gia liên kết, nông dân bắt buộc phải sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, hạn chế phân bón hóa học; tăng cường bón phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học.

Ngoài ra, thực hiện mô hình ƯDCNC, vụ Đông Xuân 2021-2022, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ HTX Hương Trang sản xuất 200ha với 37 hộ tham gia; vụ Hè Thu năm 2022 thực hiện 400ha với 76 hộ tham gia. Nông dân được hỗ trợ 70% lượng giống gieo sạ; hỗ trợ 50% chi phí thiết bị bay phun thuốc; được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng trong suốt quá trình sản xuất.

Ông Trần Văn Sửa (đại diện HTX Hương Trang) cho biết: “Thông qua việc thực hiện mô hình hay ký kết liên kết bao tiêu đầu ra với các công ty, doanh nghiệp, thành viên HTX không chỉ tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác mà còn thay đổi phương thức, tư duy sản xuất theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, không sản xuất theo cái mình đang có. Điển hình, các thành viên HTX chú trọng sử dụng giống lúa xác nhận, chất lượng cao, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng”.

Thực hiện các mô hình điểm, mô hình nhân rộng giúp nông dân được tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, từ đó thay đổi tư duy, phương thức sản xuất theo hướng an toàn, hiện đại và thân thiện với môi trường.

Nâng tầm sản phẩm địa phương

Trước đây, ông Võ Thành Công (xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa) chủ yếu nuôi bò vàng thả đồng nhưng giống bò này trọng lượng dưới 300kg nên bán bò thịt không có giá. Nhận thấy mô hình nuôi bò theo hướng ƯDCNC mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình, năm 2021, ông Thành Công quyết định bán bò vàng đầu tư nuôi giống bò 3B và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi.

Ông Thành Công cho hay: “Bình quân 1 con bò giống 3B có giá 20 triệu đồng, nuôi khoảng 12 tháng là có thể bán với trọng lượng khoảng 500kg/con; sau khi trừ tất cả chi phí, tôi thu lãi 20 triệu đồng/con. Còn nuôi bò vàng, giá 14-15 triệu đồng/con giống, nuôi trong 18 tháng, trọng lượng khoảng 250kg/con; sau khi trừ chi phí, tôi lãi dưới 10 triệu đồng/con. Nuôi bò 3B theo hướng ƯDCNC vừa tiết kiệm thời gian, công chăm sóc, vừa có lợi nhuận cao hơn so với nuôi bò vàng".

Những năm qua, nông dân trồng lúa thường đối mặt với tình trạng "được mùa, mất giá" hoặc ngược lại, nhất là trong tình hình vật tư nông nghiệp ngày càng tăng giá. Điều này đòi hỏi nông dân phải sản xuất theo nhu cầu của thị trường và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Lê Văn Tùng cho hay: “Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC, năm 2022, trên địa bàn huyện triển khai 15 mô hình nhân rộng sản xuất lúa ƯDCNC. Trong đó, huyện triển khai 3 mô hình nhân rộng trên 153ha, tỉnh triển khai 12 mô hình trên 771ha. Nhờ vậy, nâng tổng diện tích lúa ƯDCNC trên địa bàn huyện 5.487/6.400ha, đạt 85,7% kế hoạch đến năm 2025. Năng suất bình quân 58,4 tạ/ha, sản lượng đạt trên 33.004 tấn, đạt 115% so với Nghị quyết Huyện ủy giao (29.000 tấn). Lợi nhuận các mô hình tỉnh, huyện cao hơn ngoài mô hình từ 2,5-3 triệu đồng/ha do người dân giảm giống, giảm phân, thuốc phòng bệnh và áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Để đẩy mạnh ƯDCNC trong sản xuất lúa, nhất là thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai, thí điểm hệ thống giám sát sâu, rầy thông minh tại huyện Tân Thạnh. Được biết, hệ thống giám sát sâu, rầy thông minh dẫn dụ côn trùng bằng ánh sáng đèn led có bước sóng phù hợp (ánh sáng UV, ánh sáng xanh dương, ánh sáng xanh lá, ánh sáng trắng). Quá trình thu gom côn trùng thực hiện tự động định kỳ và ghi nhận bằng camera chuyên dụng hình ảnh các côn trùng vào hệ thống như rầy nâu, rầy xanh đuôi đen, rầy lưng trắng, bướm sâu cuốn lá, sâu đục thân,...

Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông mình, ông Võ Văn Biên (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) có thể xem dự báo tình hình sâu, rầy trên diện tích lúa đang sản xuất. Ông Biên chia sẻ: “Nhờ ứng dụng thiết bị thông minh này mà tôi chủ động thời gian gieo sạ để né dịch bệnh và giảm chi phí sản xuất. Bình quân, tôi tiết kiệm được 15 triệu đồng/3ha/vụ khi sử dụng thiết bị này”.

ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản và lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Đây được xem là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại./.

Lê Ngọc

Nguồn: https://baolongan.vn/nang-tam-san-pham-dia-phuong-a145088.html
Tin liên quan