Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động ủy thác-kênh dẫn vốn hiệu quả với người nghèo

Phương thức ủy thác một số nội dung công việc giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với 4 tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn cho vay các hộ nghèo và đối tượng chính sách. Qua đó đóng góp tích cực cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Ban điều hành Hội nghị. Ảnh: NHCSXH

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khẳng định điều này tại Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2015-2020 do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức ngày 1/10.

Trong hoạt động tín dụng chính sách ở lĩnh vực cho vay ủy thác, NHCSXH thực hiện ủy thác một số công đoạn trong quy trình cho vay với 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Việc ủy thác cho các tổ chức này là nhằm công khai hóa, xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của tổ chức hội, đoàn thể, đồng thời giúp đối tượng thụ hưởng tiếp cận dễ dàng, hiệu quả với dịch vụ tài chính của NHCSXH.

Theo báo cáo tại Hội nghị, đến 31/8/2020, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác đạt 220.545 tỷ đồng (chiếm 99,56% tổng dư nợ của NHCSXH), tăng 90.491 tỷ đồng so với năm 2014; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11,8% với gần 6,5 triệu tổ viên còn dư nợ.

Hai tổ chức nhận ủy thác đạt mức dư nợ cao nhất là Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam.

Trong 5 năm qua, Hội Phụ nữ luôn là tổ chức có dư nợ cao nhất trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đến 31/8/2020 đạt trên 85.360 tỷ đồng, chiếm 38,8/% tổng dư nợ ủy thác; tỷ lệ nợ quá hạn là 0,21% (giảm 0,13% so với 31/12/2014). Điều đó minh chứng việc nộp lãi, hoàn trả gốc của các thành viên vay vốn cơ bản thực hiện tốt.

Với Hội Nông dân Việt Nam, trong 5 năm qua, dư nợ nhận ủy thác của Hội Nông dân liên tục tăng, từ 42.623 tỷ đồng cuối năm 2014 lên 67.442 tỷ đồng vào 31/8/2020, chiếm tỷ trọng 30,58% tổng dư nợ ủy thác.

Theo đánh giá của NHCSXH, trong hoạt động ủy thác, chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng cao, nợ quá hạn trong tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội có tỷ lệ giảm dần từ 4,5% khi nhận bàn giao xuống còn 0,38% năm 2014 và đến 31/8/2020 còn 0,25%. Vốn tín dụng ưu đãi được chuyển tải nhanh chóng, thuận lợi đến đúng đối tượng thụ hưởng kịp thời, hiệu quả với tổng doanh số cho vay ủy thác trong 5 năm qua đạt 334.061 tỷ đồng, chiếm 98,8% tổng doanh số cho vay của NHCSXH, cho hơn 12 triệu lượt khách hàng vay vốn.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH và 4 tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương thức ủy thác, góp phần tích cực nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội và thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Những nỗ lực từ từng tổ chức chính trị - xã hội cộng hưởng với sự tận tâm của cán bộ NHCSXH trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách và triển khai cho vay kịp thời đúng đối tượng đã tạo bước chuyển đột phá cho hoạt động tín dụng chính sách trong giai đoạn 2015 - 2020.

Thanh Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật