Cú hích kinh tế và sinh kế cho người dân Yên Phúc từ nghề cao khô
Nằm giữa vùng núi non hùng vĩ của thôn Chợ Bãi, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, HTX Cao khô Chợ Bãi đang từng bước khẳng định vai trò là một mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế và giảm nghèo tại địa phương.
Với việc phát huy nghề truyền thống sản xuất cao khô (làm bánh đa khô từ gạo), HTX đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Nùng, đồng thời mở ra cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình.
Đầu tư để phát triển sản xuất
Cao khô hay còn có cách gọi khác là phở khô là một đặc sản nổi tiếng của huyện Văn Quan, được chế biến từ gạo bao thai và nước suối tinh khiết.
Trước đây, một số hộ dân trên địa bàn xã đã tự làm bao bì, dán tem cho sản phẩm với mong muốn mở rộng đầu ra. Vậy nhưng, hướng đi này vẫn chưa thực sự mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vì lối sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, chưa có sự gắn kết của cộng đồng.
Trước thực tế này, anh Lý Anh Tuấn, người dân tộc Nùng ở địa phương đã liên kết người dân, cùng thành lập HTX Cao khô Chợ Bãi với 15 thành viên. Với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị của nghề truyền thống, các thành viên HTX đã cùng nhau hợp tác, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đầu tư máy móc sản xuất cao khô giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. |
Một điểm thuận lợi là cao khô tại đây có sợi màu trắng sáng, hương thơm tự nhiên của gạo. Sợi cao khô có độ dai mềm, không bị nát khi chế biến nên được người tiêu dùng ưa chuộng và giá bán luôn nhỉnh hơn một số sản phẩm cùng loại.
Vì vậy khi kết hợp sản xuất trên máy móc hiện đại đã giúp năng suất sản xuất nghề cao khô tăng lên, đáp ứng các đơn hàng với số lượng lớn nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu như trước đây, mỗi hộ chỉ sản xuất được khoảng 30 kg gạo nhưng nay nhờ ứng dụng công nghệ, mỗi hộ thành viên có thể sản xuất cao khô từ 200-300 kg gạo/ngày.
Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ cao khô ngày càng tăng, nhất là ở các thành phố lớn, các khu du lịch và xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Việc kết hợp sản xuất và đầu tư cho bao bì, mẫu mã, tem truy xuất nguồn gốc nên thị trường tiêu thụ của HTX ngày càng rộng mở.
Không dừng ở sản xuất cao khô, HTX còn đầu tư thêm máy móc để sản xuất bún khô nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhờ những điều này, HTX Cao khô Chợ Bãi đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, trong đó có cả những thanh niên, phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Tại cơ sở sản xuất chính của anh Lý Anh Tuấn, giám đốc HTX cũng đã tạo việc làm cho 3-5 lao động và giúp riêng gia đình anh có doanh thu khoảng 300 triệu đồng/năm.
Đối với người dân, nhờ có công việc tại HTX, họ có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống gia đình và vươn lên thoát nghèo.
Nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường
Theo đánh giá của UBND xã Phúc Yên, việc áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào sản xuất với máy móc hiện đại giúp sản phẩm cao khô truyền thống của địa phương ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng và ưa chuộng. Đặc biệt, HTX Cao khô Chợ Bãi đã xây dựng được hệ thống phân phối rộng khắp, đưa sản phẩm đến các tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu sang một số thị trường quốc tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, yên tâm gắn bó với nghề truyền thống của địa phương.
Sự phát triển của HTX Cao khô Chợ Bãi đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể và nâng cao đời sống của người dân. HTX cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, góp phần xây dựng cộng đồng ngày càng phát triển.
![]() |
Nghề làm cao khô ở Yên Phúc đang thúc đẩy kinh tế địa phương, hỗ trợ đắc lực vào giảm nghèo. |
Thành công của HTX Cao khô Chợ Bãi là minh chứng cho thấy mô hình kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và giảm nghèo ở nông thôn. Bởi Yên Phúc là xã vùng hai của huyện Văn Quan nhưng đến nay, xã đã thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện khi đời sống người dân ngày càng khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Yên Phúc là 8,38% (99 hộ nghèo) thì đến cuối năm 2024 xã còn 35 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,9%, (giảm 5,41% so với năm 2023).
Trong đó, HTX Cao khô Bãi Ổi là một minh chứng điển hình trong xây dựng những mô hình kinh tế sản xuất hiệu quả để nhân rộng, từ đó phát huy được những thế mạnh của địa phương và giúp người dân có việc làm, nâng cao được thu nhập.
Đưa nghề cao khô phát triển bền vững
Thực tế, dù đã ứng dụng công nghệ, đầu tư máy móc vào sản xuất nhưng nghề làm cao khô vẫn có những nhược điểm nhất định bởi phụ thuộc vào thời tiết. Theo các thành viên HTX, cao khô truyền thống muốn ngon thì phải được nắng và phải phơi ngoài trời nắng mới cho chất lượng đặc trưng. Nhưng có những thời điểm, thời tiết mưa nhiều gây khó khăn cho khâu hoàn thiện sản phẩm, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và thu nhập của thành viên, người dân.
Đi liền với đó, hiện có nhiều làng nghề, cơ sở, doanh nghiệp cùng sản xuất cao khô, bún khô nên thị trường cạnh tranh từ các sản phẩm của HTX là rất khốc liệt. Việc mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm là một trong những vấn đề quan trọng để HTX tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, các thành viên HTX cho rằng, nhu cầu phát triển du lịch ngày càng tăng ở địa phương gắn với nghề làm cao khô có thể tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Vì nghề làm cao khô là một nét đẹp văn hóa và là nguồn sinh kế quan trọng của người dân Văn Quan. Với những tiềm năng và giá trị của mình, nghề này cần được bảo tồn và phát triển một cách bền vững.
Để nhân rộng mô hình này, HTX rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của các thành viên HTX và sự đồng hành của cộng đồng để vừa phát triển được nghề cao khô, vừa có thể gắn kết với làm du lịch cộng đồng để nâng cao giá trị kinh tế.
Trước vai trò của HTX Chợ Bãi, UBND xã xác định thời gian sắp tới sẽ đồng hành với các ngành chức để có các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức tập huấn, ưu tiên đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến cho HTX để có thể tham gia các chương trình hội chợ, hội nghị, các chương trình quảng bá trong và ngoài tỉnh. Qua đó, không chỉ thành viên HTX mà người dân có thể áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất, xây dựng cuộc sống tươi đẹp trên quê hương xứ Lạng.
Minh Nhương