Đại biểu Quốc hội lý giải việc ủng hộ Đà Nẵng thí điểm khu thương mại tự do
Về cơ chế thành lập khu thương mại tự do, theo đại biểu Quốc hội, đây là cơ chế rất thành công trên thế giới, các khu thương mại tự do phát triển rất hiệu quả.
Cần có các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh |
Hiện Đà Nẵng đang thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Theo báo cáo của Chính phủ, qua 3 năm thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị đã phát huy nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh phát triển thực tế hiện nay và qua đánh giá, thành phố Đà Nẵng đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị và cần có các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá có tính động lực, lan tỏa.
Các nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 trên cơ sở tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2019/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; đồng thời, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 02 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.
Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản ủng hộ việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV... nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, cơ chế tự chủ và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân - đoàn TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, Đà Nẵng nằm ở vị trí chiến lược rất quan trọng, giáp Biển Đông với đường bờ biển dài, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đồng thời, là cửa ngõ giao lưu với miền Trung, Tây nguyên, là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam.
TP. Đà Nẵng là đô thị hạt nhân trong chuỗi đô thị động lực của vùng, một trong những trung tâm kinh tế xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 43 về xây dựng phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Quốc hội đã thể chế hóa Nghị quyết này và ban hành Nghị quyết 119 năm 2020.
Cho đến nay, qua hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Đà Nẵng đã vươn mình mạnh mẽ với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin, chuyển đổi số công nghệ cao. Kinh tế Đà Nẵng đã phát triển và tăng tốc với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 9 năm (2011-2019) từ 7,9 đến 8%.
Tuy nhiên, theo ông Ngân, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Đà Nẵng đã suy giảm và tốc độ tăng trưởng giảm dần. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng chỉ 2,58%.
Song bên cạnh khó khăn đó, Đà Nẵng đã nỗ lực với các điểm sáng lớn như điểm sáng về du lịch. Đà Nẵng đã trở thành điểm đến của cả nước và thế giới, khách du lịch tăng gấp đôi. Năm 2023, Đà Nẵng cũng là nơi thu hút rất nhiều đoàn khách quốc tế, các đoàn đầu tư đến Đà Nẵng.
Một điểm sáng khác, đó là nơi đây nhận nhiều giải thưởng về đô thị thông minh và chuyển đổi số. “Đà Nẵng sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa nếu chúng ta có cơ chế chính sách đột phá dành cho Đà Nẵng" - ông Ngân chia sẻ.
Bộ Chính trị đã ban hành kết luận 79 tháng 5/2024 trong đó đề nghị nghiên cứu áp dụng chính thức và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp với tổ chức bộ máy yêu cầu quản lý của thành phố, bảo đảm phân cấp đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; rà soát đánh giá cơ chế chính sách Quốc hội đã ban hành để sửa đổi hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.
Trước mắt, tập trung xây dựng cơ chế chính sách huy động các nguồn lực để xây dựng thí điểm khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao cả nước, trung tâm vùng…
Với tinh thần trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình với việc sớm thông qua Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Qua tham khảo dự thảo Nghị quyết, trong 30 chính sách, có 9 chính sách về mô hình chính quyền đô thị, 21 chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, trong đó có 5 chính sách hoàn toàn mới, ông Ngân ủng hộ tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương để tăng tính chủ động, năng động, sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhanh nên cần phân cấp nhiều hơn cho các địa phương.
Tuy nhiên, trong 30 cơ chế chính sách đặc thù, ông Ngân cho rằng TP. Đà Nẵng nên lựa chọn thứ tự trong quá trình triển khai, nếu triển khai đồng loạt có khả năng dẫn đến sự dở dang vì không đủ lực. “Chúng ta mong muốn thu hút nhiều nguồn vốn nhưng không phải lúc nào cũng có”, ông Ngân nói.
Ủng hộ cơ chế thành lập khu thương mại tự do
Bày tỏ sự ủng hộ cơ chế thành lập khu thương mại tự do, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, đây là cơ chế rất thành công trên thế giới, đặc biệt những nước có ưu thế về cảng biển như: Singapore có 9 khu thương mại tự do, Trung Quốc có 21 khu, Philippines, Malaysia, Indonesia…
Hơn 30 năm qua, các khu thương mại tự do phát triển rất hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của các nước đó. “Việt Nam có bờ biển dài rất đẹp, đã quy hoạch có 34 cảng biển quốc tế. Đây là những điểm rất thuận lợi nên tôi rất ủng hộ Đà Nẵng đi đầu thực hiện cơ chế thí điểm” - ông Ngân chia sẻ.
Ông Ngân cũng đề xuất có thêm một số cơ chế để TP. Đà Nẵng triển khai thành công khu thương mại tự do, từ đó nhân rộng. "Tôi cũng mong rằng sẽ nhân rộng ngay chứ không chờ đợi vì các thành phố, địa phương hiện nay có đặc điểm tương tự, có nhiều cảng kết nối với khu thương mại tự do…” - ông Ngân nói.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý, để khu thương mại tự do có thể phát triển được, điều quan trọng nhất là hạ tầng, phải kết nối được bên trong và bên ngoài khu thương mại.
“Dù hàng rào xây dựng là hàng rào cứng nhưng con người qua lại rất nhiều, đòi hỏi sự giao thoa. Dĩ nhiên, khi hàng hóa từ khu thương mại tự do đi qua ngoài khu thương mại tự do thì phải chịu thuế xuất nhập khẩu nhưng chúng ta phải đảm bảo sự kết nối” - ông Ngân nêu.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp |
Về vấn đề cho phép thành lập xây dựng thí điểm khu thương mại tự do, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho rằng, đây là một mô hình mới, không có tiền lệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới đã thực hiện và rất thành công.
Tại Việt Nam, đây là mô hình mới nên đại biểu cho hay, cần quan tâm, chú ý, bởi TP. Đà Nẵng, đất đai không nhiều, giá trị đất rất cao nên khi thu hồi đất để phục vụ cho khu thương mại tự do cần tính tới vấn đề lợi ích của người dân nơi đây làm sao cho phù hợp. Đặc biệt áp dụng theo giá đền bù mới theo Luật Đất đai mới.
“Mặc dù mục đích thu hồi đất ở đây là phát triển kinh tế - xã hội nhưng lại có chênh lệch địa tô, nằm trong khu thương mại và giao cho nhà đầu tư thực hiện các dự án, cho nên vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thu hồi đất phải tính toán làm sao cho phù hợp với điều kiện của Đà Nẵng”, đại biểu nói.
Góp ý về chính sách thí điểm thành lập khu thương mại tự do, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - đoàn Bình Thuận chỉ rõ, pháp luật chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với khu thương mại tự do. Trong khi đó, đây là mô hình kinh tế đã khá phổ biến được nhiều quốc gia áp dụng, thí điểm.
Đại biểu đồng tình việc tạo cơ chế áp dụng thí điểm tại Đà Nẵng nhằm tạo bước đột phá mới cho Đà Nẵng nói riêng, đồng thời khảo nghiệm việc phát triển mô hình kinh tế mới đối với nước ta nói chung trong thực tiễn.
Tuy nhiên, do có sự khác biệt về thể chế và đặc điểm chính trị, nhu cầu phát triển thương mại của nước ta so với các nước khác và đây cũng là mô hình đầu tiên chưa có tiền lệ ở nước ta. Do đó, đại biểu kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt để chúng ta vừa làm, vừa kịp thời đánh giá rút kinh nghiệm. Đặc biệt, là định lượng được các tác động của chính sách này nhằm đảm bảo tính khách quan và bao quát từ thực tiễn đến khi triển khai thực hiện.