Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đông Nam Á sẵn sàng cho sự thay đổi nhanh chóng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Đại dịch toàn cầu đầu tiên trong một thế hệ đã đẩy ngành chăm sóc sức khỏe trở thành tâm điểm chú ý.

Kể từ sau đại dịch COVID-19, khám sức khỏe từ xa (Telemedicine) ngày càng phổ biến và phát triển. Ảnh minh họa: Báo Tin tức

Sự kết hợp của chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, các vấn đề về khả năng tiếp cận trở nên khó khăn hơn do tình trạng thiếu nhân viên và việc tập trung vào điều trị bệnh nhân COVID-19 mà bỏ qua các bệnh không lây nhiễm... đã tạo ra một “cơn bão” hoàn hảo cho lĩnh vực này. Đồng thời, không nơi nào chứng kiến tình trạng nghiêm trọng hơn ở châu Á.

Vấn đề hiện nay

Đại dịch làm nổi bật sự phát triển bất đối xứng của ngành chăm sóc sức khỏe, vốn có lịch sử luôn được ưu tiên ở các thị trường phát triển.

Được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong nhân khẩu học, kỳ vọng của người tiêu dùng ngày càng tăng và hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe kém phát triển, châu Á được chuẩn bị cho sự thay đổi nhanh chóng về chăm sóc sức khỏe. Như đã thấy trước tác động của đại dịch toàn cầu, các chính phủ không thể giải quyết thách thức này một mình.

Cho dù thông qua nội dung thu hẹp khoảng cách về khả năng chi trả, tuyển dụng và đào tạo thêm các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hay điều hướng các hệ thống chăm sóc sức khỏe bị phân mảng trên toàn khu vực, khu vực tư nhân hiện đều có cơ hội hợp tác với các chính phủ để cải thiện kết quả cho bệnh nhân.

Trong vài năm qua, ngành chăm sóc sức khỏe đã chứng kiến sự gián đoạn lớn do các yếu tố như đại dịch, sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số và y tế từ xa, cũng như tình trạng thiếu lao động. Đại dịch cũng đã cho chúng ta thấy ngành này vẫn còn nhiều lỗ hổng trong việc giải quyết các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Măc dù các quốc gia trên khắp Đông Nam Á vẫn duy trì mức độ sẵn sàng nhất định đối với dịch SARS, song quy mô, tác động và thời gian tồn tại của đại dịch COVID-19 là chưa từng có. Điều này khiến ngay cả những hệ thống chăm sóc sức khỏe có đầu tư nhất cũng phải chịu áp lực rất lớn.

Trong khi đại dịch COVID-19 làm nổi bật những thách thức mà các hệ thống chăm sóc sức khỏe phải đối mặt trong toàn khu vực, từ lâu đã tồn tại một nhu cầu chưa được đáp ứng ở Đông Nam Á.

Cụ thể, các thị trường mới nổi chiếm 60% dân số thế giới ngày nay, nhưng chỉ đóng góp 20% chi tiêu chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Đến năm 2050, những thị trường tương tự như vậy được dự đoán sẽ chiếm 18 trong tổng số 28 nền kinh tế hàng đầu, với GDP hàng năm vượt quá 2 nghìn tỷ USD.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng trong khu vực có thể gặp phải những hạn chế đáng kể từ phía “nguồn cung”, có thể kể đến như thiếu các chuyên gia y tế được đào tạo và tốc độ đổi mới chậm có thể khiến việc tiếp cận các dịch vụ y tế trở nên quá tốn kém đối với hầu hết các bệnh nhân.

Đông Nam Á sẵn sàng thay đổi và mở rộng hơn

Dù vậy, điều may mắn là nhiều thị trường mới nổi trong khu vực Đông Nam Á đã sẵn sàng để mở rộng đáng kể trong thập kỷ tới, cùng với đó là chi tiêu chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ tăng nhanh.

So với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Đông Nam Á dự kiến sẽ là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất về chi phí chăm sóc sức khỏe, được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô mạnh mẽ và dư địa tăng trưởng đáng kể.

Cùng lúc này, các cơ quan quản lý và chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải thiện sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và giảm chi phí.

Nhiều thị trường trong khu vực như Indonesia và Philippines, những quốc gia chỉ mới một thập kỷ trước còn phụ thuộc nhiều vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân nay đã triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Hiện tại, hơn 80% dân số Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được bảo hiểm theo các chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân, tuy mức độ bảo hiểm là khác nhau.

Áp dụng kỹ thuật số trong chăm sóc sức khỏe

Tất nhiên, việc áp dụng kỹ thuật số cũng được nhận định là chìa khóa để cho phép chăm sóc sức khỏe chất lượng hơn và giá cả phải chăng hơn. Đông Nam Á là một trong những nền kinh tế kỹ thuật số trưởng thành nhất thế giới, với người dùng Internet chiếm 75% dân số.

Có thể nói rằng, đại dịch đã đẩy nhanh và khuếch đại việc áp dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số trên toàn khu vực. Một ví dụ điển hình là sự phát triển theo cấp số nhân của y tế từ xa trong vài năm qua. Telemedicine đã giúp cải thiện việc chăm sóc và chẩn đoán bằng cách kết nối ngay lập tức bệnh nhân và bác sĩ có khoảng cách địa lý lớn với chi phí thấp hơn.

Trong tương lai, chúng ta có thể mong đợi được việc áp dụng kỹ thuật số do đại dịch COVID-19 thúc đẩy sẽ chuyển đổi suôn sẻ sang tăng trưởng dài hạn hữu hình. Hơn nữa, các chuyên gia dự đoán sẽ có nhiều đổi mới hơn trong công nghệ y tế hoặc hỗ trợ hơn nữa việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, giá cả phải chăng, khi các nhà đầu tư dường như đang duy trì sự quan tâm đáng kể đối với một phần thị trường công nghệ y tế ở Đông Nam Á.

Bất chấp có nhiều bước phát triển đáng khích lệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, song nhìn chung, rõ ràng là vẫn còn nhiều việc cần làm để đẩy nhanh khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng trên toàn khu vực.

Một cách tiếp cận hợp tác, tập hợp các bên liên quan thuộc khu vực công và tư sẽ là công cụ giúp lấp đầy những lỗ hổng hiện có trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và thúc đẩy sự đổi mới của khu vực công và tư, từ đó hỗ trợ giải quyết các nhu cầu y tế chưa được đáp ứng, cuối cùng là tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho cộng đồng ở khu vực Đông Nam Á.

Đan Lê (Lược dịch từ The  Business Times)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật