Gia Lai: Ngành Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số
Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại góp phần giúp doanh số trong giao dịch thương mại điện tử hàng năm tại Gia Lai đều tăng.
Tại tỉnh Gia Lai, thời gian qua, các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại đã được Sở Công Thương xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức với quy mô cấp tỉnh, cấp vùng, có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực, giữa các sở, ngành, đơn vị của tỉnh với các sở, ngành, địa phương, các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hội nghị liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử các tỉnh vùng Tây Nguyên. Ảnh: Hiền Mai |
Từ năm 2021 đến 2023, Sở Công Thương đã hỗ trợ xây dựng 255 website thương mại điện tử, bộ thương hiệu trực tuyến, phần mềm quản trị kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh để giới thiệu, mua bán sản phẩm hàng hóa; xúc tiến kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử uy tín.
Quá trình phát triển thương mại điện tử đã được chuyển biến dần từ giai đoạn hình thành, tạo lập hạ tầng, phổ biến rộng rãi và đang từng bước đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Người dân dần thay đổi thói quen từ mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng trực tuyến.
Đến nay, khoảng 20% dân số tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Sendo, các ứng dụng di động và mạng xã hội như: Facebook, Zalo... Các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến thương mại điện tử, chủ động tham gia các ứng dụng, sàn thương mại điện tử để trao đổi mua bán, xây dựng website riêng đồng thời thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tăng năng suất hoạt động, hiệu quả quản lý, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đa số hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở kinh doanh đẩy mạnh phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt như: ví điện tử, interner banking, smart banking…
Doanh số trong giao dịch thương mại điện tử hàng năm đều tăng, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2023 ước đạt 7,5% (năm 2022 đạt 7%). Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chỉ số thương mại điện tử (EBI) của tỉnh Gia Lai không ngừng cải thiện qua các năm: năm 2023 đạt 13.6 điểm, đứng thứ 38/63 tỉnh, thành phố và thứ 3/5 tỉnh Tây Nguyên (sau Lâm Đồng và Đăk Lăk); tăng 2 bậc so với năm 2022 (40/63 tỉnh, thành phố), tăng 6 bậc so với năm 2021 (44/63 tỉnh, thành phố).
Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chỉ số thương mại điện tử (EBI) của tỉnh Gia Lai không ngừng cải thiện qua các năm. Ảnh: Hiền Mai |
Để đạt được những kết quả khả quan trên, ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phát huy tiềm năng, điều kiện thực tế để phát triển thương mại điện tử phù hợp với yêu cầu, nâng cao khả năng cạnh tranh, thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp tỉnh trong xu thế hội nhập kinh tế số.
Sở Công Thương đã phối hợp các đơn vị có chuyên môn, các chuyên gia về lĩnh vực thương mại điện tử tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về kỹ năng tham gia và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử để phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kỹ năng về công tác bảo đảm an toàn, an ninh trên môi trường số;
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn xây dựng website thương mại điện tử, các phần mềm ứng dụng thương mại điện tử với đầy đủ các tính năng cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động (mỗi năm hỗ trợ từ 60 đến 80 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn xây dựng website, phần mềm ứng dụng thương mại điện tử).
Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia giới thiệu và mua bán sản phẩm, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử uy tín như: Sendo, Lazada, Tiki, Shopee,… (mỗi năm khoảng 10-20 doanh nghiệp, hợp tác xã); đẩy mạnh hoạt động mua bán các sản phẩm địa phương, đảm bảo 100% các sản phẩm OCOP Gia Lai được trưng bày, mua bán trên sàn thương mại điện tử ocopgialai.vn.
Các sản phẩm OCOP Gia Lai được trưng bày, mua bán trên sàn thương mại điện tử http://ocopgialai.vn. Ảnh chụp màn hình |
Chủ trì, phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng phần mềm hội chợ triển lãm giúp đẩy mạnh quảng bá sản phẩm chủ lực của tỉnh: cà phê, hồ tiêu, chè, mắc ca,… trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; giúp các doanh nghiệp cập nhật thông tin nhanh chóng, nâng cao hiệu quả trong việc quảng cáo sản phẩm. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cơ quan quản lý thuế, tuyên truyền phổ biến đến các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ hàng hóa, dịch vụ (nhất là hệ thống các đại lý bán lẻ, cửa hàng tiện lợi), người tiêu dùng ứng dụng các dịch vụ trên nền tảng di động, ứng dụng chữ ký số, thực hiện hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.
Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử là một trong những chủ trương trọng tâm, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhằm phát huy lợi thế của phương thức phân phối hiện đại. Thực hiện Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương đã xây dựng, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 598/QĐ-UBND ngày 03/11/2020 phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đề ra mục tiêu và nhiều giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh triển khai hiệu quả việc ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Điển hình như việc tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thanh toán và hạ tầng logistic hỗ trợ cho thương mại điện tử. Xây dựng các hệ thống tra cứu, truy xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa trên nền tảng các giải pháp về chứng từ điện tử trong thương mại như: Bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai tại địa chỉ http://txng.gialai.vn.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai còn phát triển các giải pháp chia sẻ hạ tầng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phân phối bán lẻ, các giải pháp liên kết, chia sẻ thông minh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng, doanh nghiệp với chính phủ trên nền tảng di động, thẻ thông minh và dữ liệu lớn.
Trong đó phải kể tới như việc xây dựng các sàn giao dịch thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: www.thuongmaigialai.vn, www.ocopgialai.vn, đến nay đã hỗ trợ cho hơn 300 doanh nghiệp tham gia vào các sàn này. Xây dựng hệ thống thu nhập và quản lý trực tuyến thông tin xuất nhập khẩu Gia Lai tại địa chỉ www.xnkgialai.gov.vn; Cơ sở dữ liệu Công nghiệp và Thương mại tỉnh Gia Lai tại địa chỉ: http://csdlcntmgialai.gov đáp ứng kịp thời, đầy đủ các yêu cầu thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Công Thương, phần mềm Bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ http://bandohangvietgialai.vn phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt của doanh nghiệp và người dân.