Ngành công nghiệp văn hóa: Chuyển biến mạnh từ chính sách đến thực tiễn
Sáng ngày 18/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai công tác năm 2025 ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng 772 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp huyện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tham dự hội nghị tại các điểm cầu có: Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Tại hội nghị, theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2024, toàn ngành đã quán triệt và triển khai kịp thời các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn, tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ với chủ đề công tác năm: "Tận tụy - Chuyên nghiệp - Tinh thông - Hiện đại - Đoàn kết - Kỷ cương - Tăng tốc về đích". Các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý Nhà nước về văn hoá" ngày càng được nâng cao và hoàn thiện, tiếp cận theo hướng chiều sâu. Bộ đã tập trung rà soát, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật chuyên ngành với 20 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tháo gỡ "điểm nghẽn", "nút thắt" bước đầu kiến tạo không gian phát triển.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035… Hoàn thiện thể chế pháp luật về di sản văn hóa có chuyển biến rõ rệt, tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc và hướng tới chuyển hóa tài sản văn hóa thành nguồn lực phát triển, nhiều di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực.
Lãnh đạo các bộ, ngành và các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đặc biệt, năm 2024, đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước; các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan có tiến bộ.
Thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế. Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.